VnReview
Hà Nội

Ung thư đã có từ hàng triệu năm trước

Con người có thể mắc bệnh ung thư do di truyền từ tổ tiên cổ đại của mình hàng triệu năm về trước. Mới đây, các nhà khoa học đã phát hiện ra dấu hiệu của bệnh ung thư trong một số hóa thạch cổ đại. Điều này đã thay đổi lý thuyết mà từ trước đến nay chúng ta vẫn cho rằng ung thư là kết quả của môi trường và lối sống hiện đại.

Mặc dù con người luôn nghĩ rằng ung thư là một loại bệnh mới do những thói quen xấu, không may mắn hoặc do vấn đề về tuổi thọ nhưng khám phá bất ngờ này đã tiết lộ rằng ung thư đã tồn tại từ thời tổ tiên của loài người hơn một triệu năm trước đây.

Cụ thể, các nhà khoa học đã tìm thấy bằng chứng của bệnh ung thư ở xương bàn chân và cột sống từ hai mẫu hóa thạch của loài vượn cổ ở Nam Phi với "tuổi thọ" lần lượt là 1.7 và 2 triệu năm tuổi.

Trước khi những phát hiện trên được công bố, khối u lâu đời nhất được tìm thấy trên cơ thể người mới chỉ có "tuổi thọ" là 120 nghìn năm tuổi. Đây là một sự khác biệt rất lớn và đã mở rộng quãng thời gian chúng ta sử dụng để ghi nhận căn bệnh này.

Phát hiện mới có ý nghĩa gì?

Một nhóm các nhà khoa học từ Viện Nghiên cứu tiến hóa của Witwatersrand và một Trung tâm nghiên cứu ở Nam Phi đã thực hiện và ghi chép lại những khám phá của mình. Họ cho biết các mẫu xương đã cung cấp mối liên hệ trực tiếp với sự tiến hóa của con người trải qua hàng triệu năm.

Edward John Odes từ Khoa giải phẫu của trường Đại học Wits cho biết: "Trên thực tế, bạn sẽ không bao giờ có thể biết rằng những bằng chứng về bệnh ung thư ở xương bàn chân này lại đến từ thời tiền sử".

Ông nói thêm: "Chúng tôi đã kiểm tra và thử nghiệm mẫu xương đặc biệt này rồi so sánh với mẫu xương của con người hiện đại và chúng trông giống hệt nhau. Hàng triệu năm trôi qua, đã có biết bao thay đổi nhưng khi nhìn vào hai mẫu xương này, bạn sẽ không thể phân biệt được".

Một điều trớ trêu là trong khoảng thời gian cả triệu năm qua, rất nhiều thay đổi lớn về tiến hóa đã xảy ra. Mọi thứ đã thay đổi. Con người cũng vậy nhưng tại sao ung thư lại không thay đổi và vẫn tồn tại đến ngày nay?

Hiện tại, các nhà khoa học vẫn chưa tìm ra được câu trả lời.

Odes cho biết: "Thông thường, trong quá trình tiến hóa sinh học, chúng ta sẽ được chứng kiến sự thay đổi. Nhưng những gì chúng tôi biết là loại ung thư này đã tồn tại từ rất nhiều năm trước đây và con người vẫn phải chống chọi với chúng cho đến giờ."

Trước đây, các nhà nghiên cứu và nhà khoa học đã đưa ra một giả định ngầm rằng ung thư không thể tồn tại trong cơ thể người từ hàng triệu năm trước. Tuy nhiên giờ đây đã có bằng chứng cho thấy giả định của họ là chưa chính xác. Nhờ phát hiện mới này, sự hiểu biết về nguồn gốc và quá trình phát triển của bệnh ung thư sẽ tiến triển theo một hướng khác.

Patrick Randolph-Quinney từ Đại học Central Lancashire cho biết: "Nghiên cứu trên đã thay đổi nhận thức về bệnh ung thư. Đồ ăn không hợp vệ sinh cùng những thói quen xấu trong sinh hoạt vẫn được cho là một trong những nguyên nhân gây ra bệnh ung thư ngày càng trở nên phổ biến của cuộc sống hiện đại".

"Tuy vậy, những phát hiện mới vô cùng ý nghĩa đã chỉ ra rằng ngay cả khi có lối sống lành mạnh trong môi trường chưa bị ô nhiễm như ngày nay, con người vẫn có khả năng bị ung thư. Đó là một phần cố hữu của quá trình tiến hóa của loài người".

Điều này giúp gì cho nghiên cứu về ung thư?

Randolph-Quinney cho biết: "Hiện nay đã xuất hiện nhiều loại ung thư hoàn toàn mới mà nguyên nhân chủ yếu là do béo phì, chế độ ăn uống, rượu bia và thuốc lá".

Các khối u tìm thấy trong mẫu xương từ thời cổ đại là ung thư nguyên thủy, hay nói cách khác, không có bất kỳ yếu tố môi trường hoặc thay đổi nào chịu trách nhiệm là nguyên nhân gây ra căn bệnh này. Rõ ràng là những loại ung thư trên vẫn còn tồn tại đến ngày nay, do đó, sự tồn tại của chúng có thể cung cấp dữ liệu cho một số giả thiết nghiên cứu.

Odes phát biểu: "Chắc hẳn phải có một nguyên nhân nào đó gây nên ung thư mà ở thời điểm hiện tại chúng tôi vẫn chưa khám phá ra. Chúng tôi biết rằng có cơ chế tạo ra những khối u và căn bệnh ung thư. Câu hỏi đặt ra là, làm thế nào chúng ta có thể áp dụng những cơ chế đó để nghiên cứu và hiểu được sự phát triển của ung thư từ thời cổ đại cho đến nay".

Một khám phá khác được Randolph-Quinney và Odes tiết lộ là họ đã tìm thấy bằng chứng về các dấu hiệu của ung thư ở động vật cổ đại, bao gồm cả khủng long kỷ Jura và hóa thạch của một số loài cá từ 300 triệu năm trước.

Randolph-Quinney cho biết thêm: "Ung thư không phải là một bệnh đơn nhất mà là một sự liên tục". Nó có thể được xếp vào loại ung thư lành tính hoặc ác tính. Và các khối u lành tính tìm thấy trong xương cột sống cổ đại cũng được coi là ung thư. Tuy nhiên, chúng lại không nguy hiểm như những khối u ác tính tìm thấy trong mẫu xương bàn chân mà các nhà khoa học công bố.

Huyền Thanh

Theo CNN

Chủ đề khác