VnReview
Hà Nội

Hệ thống phòng thủ tên lửa tầm cao THAAD là gì?

Hệ thống phòng thủ tên lửa tầm cao giai đoạn cuối (Terminal High Altitude Area Defense system, viết tắt là THAAD) của Mỹ được thiết kế để đánh chặn tên lửa đạn đạo tầm ngắn và tầm trung, đây cũng là các loại vũ khí mà Triều Tiên tuyên bố đang sở hữu. Ngoài ra, nó còn có khả năng hạn chế trong việc đánh chặn tên lửa đạn đạo liên lục địa (ICBM) và các loại tên lửa hành trình khác.

Theo Lockheed Martin, công ty chuyên về thiết bị an ninh quốc phòng và hàng không và cũng là hãng nhà thầu chính trong bản hợp đồng cung ứng này cho biết, mỗi hệ thống THAAD sẽ có 5 thành phần chính: Gồm hệ thống đánh chặn, bệ phóng, radar, bộ phận điều khiển hỏa lực và thiết bị hỗ trợ.

Dưới đây là các hoạt động của THAAD qua chia sẻ của Lockheed Martin, do VnReview.vn lược dịch từ chuyên trang CNN:

Đầu tiên, radar sẽ là thiết bị đầu tiên phát hiện ra một tên lửa đang phóng tới. Sau đó tới lượt những người giám sát hệ thống xác định các mối đe dọa. Nếu mối đe dọa này hiện hữu đủ để họ đáp trả thì lúc đó một bệ phóng gắn trên một chiếc xe tải quân sự chuyên dụng sẽ bắn ra một viên đạn mà Lockheed Martin gọi là "đánh chặn" vào tên lửa đạn đạo, với hy vọng sẽ phá hủy nó ngay trên không nhờ sử dụng năng lượng động học, chỉ dựa vào tốc độ lý tưởng của nó.

Tại sao Hàn Quốc lại sử dụng nó?

Do nó không có các đầu đạn tên lửa riêng, thay vì phải phá hủy đạn đạo đối phương bằng cách bắn vào chúng thì giờ đây chỉ cần sử dụng chính năng lượng động học của một viên đạn… bọc thép thông thường. Do vậy rõ ràng là THAAD "có tiềm năng an toàn hơn, đặc biệt là khi dùng để đối phó với các tên lửa hạt nhân", Yvonne Chiu, một chuyên gia về chính sách quân sự và ngoại giao tại Đại học Hồng Kông cho biết.

"Nếu bạn đâm một tên lửa đạn đạo hạt nhân vào một tên lửa không có đầu đạn hạt nhân, thì có nhiều khả năng sẽ không gây ra một vụ nổ hạt nhân".

Vào hôm thứ Tư vừa rồi, Hàn Quốc tuyên bố rằng họ sẽ triển khai các hệ thống này ở phía Nam Hàn Quốc để bảo vệ đát nước khỏi các cuộc tấn công "tiềm năng".

Không giống như hầu hết các chương trình tên lửa đạn đạo chưa được kiểm chứng khác của Triều Tiên, THAAD đã được quân đội Mỹ sử dụng trong suốt nhiều năm qua để bảo vệ những đơn vị trọng yếu của họ ở các khu vực như đảo Guam và Hawaii khỏi các cuộc tấn công tiềm tàng.

Vào tháng trước, tướng Curtis M. Scaparrotti, Chỉ huy lực lượng liên quân Mỹ - Hàn cho biết, "Triều Tiên vẫn đang tiếp tục phát triển các chương trình vũ khí hạt nhân và tên lửa đạn đạo riêng của họ, và trách nhiệm của quân Liên minh chúng tôi là duy trì một hệ thống phòng vệ mạnh mẽ để chống lại các mối đe dọa đó. THAAD có thể là một bổ sung quan trọng và hiệu quả cho các hệ thống phòng thủ tên lửa nhiều lớp".

Vì sao nó lại gây ra các tranh cãi trái chiều?

Trong khi Mỹ vẫn bảo lưu quan điểm rằng, bất kỳ ý đồ triển khai THAAD nào ở Hàn Quốc cũng chỉ dành cho mục đích duy nhất là bảo vệ lực lượng của mình và đồng minh Hàn Quốc của họ ở đó, nhưng một số nhà quan sát lại coi đây là hành động tăng cường quân sự hóa vào bán đảo liên Triều, làm leo thang sự hiện diện của Mỹ ở hai miền của bán đảo này.

Trung Quốc là một trong số những nước đặc biệt tỏ ra quan ngại với sự tăng cường và xu hướng tăng sự hiện diện của giới quân sự Mỹ ở châu Á, họ coi đó là hành vi ngăn chặn và làm giảm hiệu quả của các vũ khí mà họ triển khai.

Phát biểu tại một sự kiện của Trung tâm Nghiên cứu về Quốc tế và Chiến lược vừa diễn ra vào tháng Hai vừa qua dành cho các chuyên gia tư vấn, ông Vương Nghị, Bộ trưởng bộ Ngoại giao Trung Quốc tuyên bố, việc triển khai các hệ thống phòng chống tên lửa có thể gây nguy hại cho "lợi ích an ninh và quốc gia hợp pháp của Trung Quốc".

"THAAD có tầm bắn có thể bắn trúng các vũ khí (bắn ra) ở Trung Quốc," bà Yvonne Chiu, chuyên gia về chính sách quân sự và ngoại giao của Đại học Hồng Kông nhận định.

Trong khi đó, bà cũng cho rằng tầm quan trọng của việc triển khai THAAD tại Hàn Quốc sẽ nghiêng về địa chính trị hơn là quân sự. Chiu cho biết, Trung Quốc hiểu rõ mối quan ngại "về một thứ mà Mỹ đang làm, đó là việc Mỹ đang chạy đua về hệ thống tên lửa ở sân sau của họ. Bất cứ khi nào bạn đưa một thứ gì đó mới vào đây, tự nó cũng sẽ gây ra các mối quan ngại".

"THAAD là một vũ khí chuyên về phòng thủ, nó có khả năng bắn hạ một tên lửa đạn đạo mà nó đánh chặn và nó có nhiệm vụ bảo vệ người Mỹ". Ngoại trưởng Mỹ, ông John Kerry đã mô tả về hệ thống này như thế trong suốt chuyến viếng thăm Bắc Kinh vào tháng trước.

Ông cũng cho rằng, "Nga và Trung Quốc hiển nhiên hiểu rõ về THAAD. Chúng tôi công khai hóa và triển khai nó với một mục đích rõ ràng, Mỹ không đói khát hay dư hơi để tìm kiếm cơ hội triển khai THAAD.Nếu chúng ta có thể thỏa thuận tiến tới phi hạt nhân hóa bán đảo này thì có lẽ chúng tôi không cần phải triển khai THAAD".

TM

Chủ đề khác