VnReview
Hà Nội

Chết lâm sàng - ranh giới giữa sự sống và cái chết

Chết lâm sàng là hiện tượng tim bệnh nhân ngừng đập, não không còn tín hiệu hoạt động nhưng họ vẫn có thể sống lại.

Nhiều bệnh nhân chết não vẫn có thể duy trì trạng thái sống thực vật nhờ máy thở nhân tạo.

Theo Live Science, đôi khi ranh giới giữa sự sống và cái chết dường như rất khó phân biệt. Trên thế giới có nhiều trường hợp kỳ lạ tưởng chừng không thể xảy ra như một bà mẹ sinh con sau khi chết não 3 tháng hay một người trượt tuyết rơi xuống nước đóng băng trong nhiều giờ sống lại trong tình trạng không bị tổn thương não.

James Bernat, chuyên gia thần kinh tại Trường Y Geisel trực thuộc Đại học Dartmouth, Mỹ, cho biết, thuật ngữ "chết lâm sàng" thường xuyên được dùng nhưng nó không mang ý nghĩa nhất quán. Bác sĩ phụ trách chăm sóc bệnh nhân tại hầu hết bệnh viện làm nhiệm vụ xác định bệnh nhân chết hay chưa, và họ không có hướng dẫn chung khi thực hiện công việc này.

Trong thập niên 1950, cái chết được coi là thời điểm mà bất kỳ chức năng quan trọng của cơ thể như nhịp tim, hoạt động điện não, hô hấp ngừng hoạt động, kéo theo sự chết đi của những cơ quan khác. Nhưng máy thở nhân tạo ra đời khiến bệnh nhân có thể sống lâu hơn trong tình trạng "chết não".

"Máy thở nhân tạo giúp nhiều người chết não giữ ấm cơ thể và lưu thông máu. Họ thậm chí có thể chống lại nhiễm trùng hoặc mang thai, nhưng não hoàn toàn không hoạt động", Leslie Whetstine, nhà triết học chuyên nghiên cứu định nghĩa về cái chết tại Đại học Walsh ở Ohio, Mỹ, nói.

Một người chết não khi họ không thể phục hồi chức năng bị mất trong tất cả các phần của não. Bác sĩ kết luận điều này sau khi tiến hành những bài kiểm tra thần kinh để tìm kiếm hoạt động điện não, lưu thông máu lên não, cũng như thử nghiệm để xem bệnh nhân có cố gắng thở hay không sau khi tắt máy thở nhân tạo.

"Một bệnh nhân chết não là người hiến tạng lý tưởng. Tất cả bộ phận cơ thể của họ tiếp nhận đủ oxy nên không bị hư hỏng", Bernat cho biết.

Các bác sĩ có thể tuyên bố một người đã chết nếu tim của họ ngừng đập và không thể tự phục hồi. Nhưng đôi khi tim bệnh nhân hoạt động trở lại sau khi ngừng đập, khiến việc chẩn đoán cái chết trở nên khó khăn hơn.

"Câu hỏi đặt ra là tim ngừng đập trong bao lâu thì bạn có thể kết luận người nào đó đã chết", Bernat chia sẻ.

Theo một nghiên cứu năm 2013 trình bày tại hội nghị của Hiệp hội Tim mạch Mỹ, biện pháp hồi sức tim phổi (CPR) có thể hồi sinh bệnh nhân sau khi tim của họ ngừng đập nhiều phút và thường không gây ra tổn thương não. Do đó, bác sĩ được khuyến cáo nên thực hiện CPR ít nhất là 38 phút.

Việc xác định bệnh nhân đã chết hay chưa ảnh hưởng đến quá trình bác sĩ ra quyết định can thiệp cấp cứu hoặc ngừng cứu chữa. CPR đôi khi không được thực hiện đủ lâu, làm tăng khả năng tử vong cho bệnh nhân.

Theo Vnexpress

Chủ đề khác