VnReview
Hà Nội

Tại sao chúng ta sợ bóng tối?

Theo Medical Daily, thật ra sợ bóng tối không hề phi lý hay trẻ con chút nào. Đó chỉ là một biểu hiện hết sức thông thường của con người. Cảm giác lo lắng và bất an của chúng ta khi chìm trong bóng tối chính là sự phản ánh của ý thức tự bảo vệ mình.

Thiếu ánh sáng

Bóng tối làm suy yếu thị lực của chúng ta – một phần rất lớn đóng góp vào khả năng nhìn nhận và hiểu biết thế giới xung quanh. Bóng tối đã "làm mù" giác quan quan trọng nhất của chúng ta, và bỏ rơi chúng ta với sự thiếu kiểm soát và dễ bị tổn thương.

Chắc chắn có điều gì đó cố hữu về bóng tối khiến chúng ta sợ hãi. Không phải chúng ta sợ bản thân bóng tôi mà sợ những gì mà bóng tối đang ẩn giấu. Vào ban ngày, chúng ta không lo lắng về những tiếng sột soạt trên mái nhà, hay những hình thù kỳ quặc chỗ giá treo quần áo trong góc phòng, nhưng trong bóng tối những thứ đó có xu hướng trở thành những con quái vật núp dưới gầm giường, những bộ xương trong tủ quần áo, hoặc những kẻ giết người bò trên sàn của gác xép, tiếng cọt kẹt đáng sợ của cánh cửa sổ… Trí tưởng tượng bù đắp những thiếu hụt của chúng ta trong khả năng nhìn xuyên qua bóng tối.

Nếu bạn ở độ tuổi trên 10 và vẫn cảm nhận có tiếng động mơ hồ nào đó mỗi khi ở trong bóng tối, thì không phải chỉ có mình bạn cảm thấy như vậy. Nhiều người đã trưởng thành nhưng không thể ngủ một mình, hoặc phải cần đến sự trợ giúp của thuốc ngủ, nút tai.

Chuyên gia tư vấn tâm Mariella Frostrup viết trên tờ The Guardian;rằng, so với các sinh vật sống về đêm đã được phát triển phù hợp để hòa hợp với bóng tối, thì "con người, mặc dù đã qua một quá trình tiến hóa biến chúng ta từ động vật bốn chân thành hai chân, từ những sinh vật bản năng trở thành những sinh vật có trí thông minh, chưa thích ứng được nhưng buộc phải phát minh để bù đắp cho những thách thức về khả năng của mình" trong bóng tối. Chúng ta buộc phải bù đắp cho những hạn chế về "khả năng nhìn trong bóng tối" của con người bằng cách sử dụng nến, và hiện nay là sử dụng điện. Khi những nỗi lo về bóng tối hoàn toàn đã đi qua, chúng ta lại phải đối mặt với nỗi sợ nguyên sơ của mình: thiếu tầm nhìn về ban đêm.

Dễ bị tổn thương

Các nhà nghiên cứu tin rằng nỗi sợ hãi bóng tối bắt nguồn từ mã hóa gen thôi thúc chúng ta tránh những kẻ săn mồi vào ban đêm.

Một nghiên cứu, được công bố trên tạp chí PLoS ONE, đã chỉ ra rằng các cuộc tấn công sư tử ở Tanzania thường xảy ra sau 18:00 nhiều hơn là vào ban ngày (60% các cuộc tấn công vào lúc sau 18:00). Thật thú vị, nghiên cứu cũng phát hiện ra rằng những con sư tử có nhiều khả năng tấn công con người vào những ngày sau kỳ trăng tròn. Điều này cho thấy các loài động vật bị ảnh hưởng bởi chu kỳ của mặt trăng. Trong thời đại nguyên thủy, những động vật ăn đêm nguy hiểm là mối đe dọa lớn đối với sự tồn tại của con người, khiến chúng ta lo lắng hơn khi đêm về và sau này, nỗi sợ đó, cùng với sự tiến hóa của con người và sự thay đổi của thế giới, đã biến thành nỗi lo sợ bản năng của con người khi ở trong bóng tối.

Bóng tối cũng là dấu hiệu cho thời gian ngủ nghỉ của con người. Ngủ, mặc dù rất cần thiết cho cuộc sống, cũng có nghĩa rằng bạn bỏ hết những vũ khí tự vệ và hoàn toàn bất lực, dễ bị tổn thương, và không có nhận thức rõ ràng về môi trường xung quanh. Bạn sẽ có nhiều khả năng bị bắt trong lúc bạn còn chưa nhận thức tỉnh táo được giống như vào ban ngày khi bạn còn tỉnh và vô cùng cảnh giác.

Điều này có lẽ là lý do tại sao chúng ta sợ tội phạm vào ban đêm, vì ta thường không biết gì về việc đột nhập của những người lạ vào nhà vào lúc 3:00 sáng. Một người phụ nữ đi bộ một mình vào buổi tối cũng được coi là vô cùng nguy hiểm, nguy hiểm hơn rất nhiều so với việc họ đi bộ một mình ngoài đường vào ban ngày. Nhưng một đồ họa thông tin được tạo ra bởi Truilia đã chỉ ra rằng, trên thực tế, việc phạm tội xảy ra cả ngày và đêm – có nghĩa rằng việc lo sợ tội phạm vào buổi tối là một cảm giác vô căn cứ.

Đối mặt với con quỷ trong bạn

Trong thời hiện đại, đặc biệt là ở các nước phát triển, chúng ta không phải lo lắng về các cuộc tấn công sư tử trong rừng rậm hoặc cuộc chiến của các bộ lạc cướp bóc làng của chúng ta vào giữa đêm để bắt chúng ta – những người đang lơ mơ vô thức – từ lều của chính chúng ta. Thay vào đó, ngày nay, bóng tối tạo ra một mối đe dọa khác cho chúng ta: bệnh tâm lý.

Khi chúng ta nằm trên giường cố gắng để đi vào giấc ngủ, gạt một ngày làm việc mệt mỏi với nhiều phiền nhiễu qua một bên, chúng ta thường tìm thấy chính mình đang ở sâu trong tiềm thức và tâm trí mình. Những con quỷ chúng ta cố gắng che dấu cả ngày - những lo ngại và những sợ hãi - đều xuất hiện trở lại và dần đi vào tiềm thức của chúng ta vào mỗi đêm. Bởi vậy, buổi tối là quãng thời gian để não cân bằng lại những vấn đề hiện diện ban ngày và những vấn đề tiềm thức hàng đêm. Đối với một số người, những vấn đề họ cần che giấu ban ngày quá nhiều, do đó họ bỏ tạm sang một bên. Nhưng khi đêm về, con quỷ trong bạn sẽ quay trở lại trong trí óc và nhận thức, và làm tăng lên sự sợ hãi trong mỗi người chúng ta. Nhà thần kinh học Sigmund Freud cho rằng nỗi sợ bóng tối bắt nguồn từ việc những đứa trẻ lo lắng khi bị tách ra khỏi bố mẹ và phải ngủ ở phòng riêng một mình. Hàng đêm, khi điện tắt hết, ánh sáng nhỏ nhoi của chiếc đèn ngủ thường cho những đứa trẻ niềm an ủi nhỏ để vượt qua nỗi sợ bóng tối khi phải xa cha mẹ mình. Và nỗi sợ này, rất có thể sẽ biến thành bệnh rối loạn nghiêm trọng và cần đến liệu pháp hành vi nhận thức.

Dù rằng bóng tối cho phép trí tưởng tượng của con người bay bổng và vẽ nên một con quái vật hay hiểm họa nào đó, hãy luôn nhớ nó xuất phát từ nỗi sợ vu vơ. Thay vì lo lắng về những gì đáng sợ và nguy hiểm đang hiện diện trong bóng tối (hoặc tương lai), chúng ta nên nhớ rằng ngay cả trong đêm tối, luôn có ánh trăng thắp sáng và đẩy lùi bóng đêm. Và khi bật bóng điện lên, chúng ta sẽ thường mỉm cười khi nhớ lại những tưởng tượng "trên mây" của mình dành cho vật hết - sức - bình - thường đang ở ngay trước mặt chúng ta.

Anh Cao

Chủ đề khác