VnReview
Hà Nội

Apple đã tạo ra chiếc iPhone màu Jet Black như thế nào?

Các dòng sản phẩm điện thoại của Apple đều mang các sắc thái đa dạng của màu đen, trong đó dòng Jet Black mới vừa ra mắt có một màu đen tuyền nhất từ trước đến giờ.

Đây là chiếc điện thoại bắt mắt nhất trong các sản phẩm iPhone 7 được giới thiệu trong sự kiện vừa qua của Apple. Trong video miêu tả quá trình sản xuất, Giám đốc bộ phận thiết kế Jony Ive cho biết Apple đã xây dựng một quy trình bao gồm 9 công đoạn để có được chiếc iPhone 7 màu Jet Black này. Đối với Apple đây có lẽ là điều hiển nhiên bởi quá trình sản xuất của họ không thiếu bất cứ công nghệ độc quyền nào, kể cả trong công đoạn hoàn thành cuối cùng – nơi sản phẩm được "đánh bóng" cả hình thức bên ngoài theo đúng nghĩa lẫn phần mềm và phần cứng bên trong. Kỹ sư Ted Mooney nói rằng, "Apple đang tạo ra những sản phẩm đặc biệt nhất. Nếu họ khẳng định rằng sản phẩm này sẽ là ngoại lệ không giống bất cứ cái gì thì nó đúng là như vậy".

Thứ đầu tiên phải có để tạo ra được chiếc điện thoại có màu bóng như vậy đó là một miếng nhôm trơn. Apple làm nhẵn vỏ điện thoại nhờ công nghệ giống như đánh bóng bằng vải mềm. Hầu hết các nhà sản xuất làm việc này bằng các chất tẩy rửa hóa học hoặc đánh bóng bằng điện hóa học nhưng Apple lại sử dụng cách khác. Trong một quá trình sản xuất thông thường, hỗn hợp làm bóng sẽ được bôi vào vỏ điện thoại nhờ bánh xe quay tròn xung quanh. Còn Apple lại trộn những hỗn hợp đó với một thứ bột, sau đó nhúng vỏ điện thoại vào trong hỗn hợp bột ấy.

Thiết bị gắn các vỏ máy iPhone ở dưới sẽ kéo và xoay tròn vỏ máy trong hỗn hợp bột đó. Mục đích của công đoạn này là để làm mất đi những vết xước hay sần sùi của miếng kim loại giúp vỏ máy có thể tiếp tục với công đoạn mạ điện.

Hai điều quan trọng nhất trong công đoạn mạ điện đó là: Thứ nhất, vỏ máy sẽ được nhúng trong bể mạ điện. Chiếc bể này chứa đầy chất lỏng và điện sẽ được truyền vào trong chất lỏng đó, biến bề mặt vỏ máy từ nhôm sang nhôm ôxit. Thứ hai, chiếc vỏ nhôm ôxit sẽ được làm thủng. Đây có vẻ như là bước bị ngược sau công đoạn đánh bóng nhưng thực ra không phải. Mooney giải thích rằng có hàng tỉ lỗ nhỏ rất li ti được tạo ra và nó sẽ không làm hỏng phần đánh bóng.

Chiếc vỏ mới thủng những lỗ li ti này giống như một miếng bọt biển hút thuốc nhuộm ở công đoạn tiếp theo. Mooney cho biết đây là công đoạn cần thiết để có được một màu đen tuyền và bóng như vậy. Phần thuốc nhuộm không phải được bôi xung quanh vỏ mà chiếc vỏ sẽ được nhúng hoàn toàn trong đó.

Cuối cùng là làm siêu mịn, và bôi thêm vào vỏ một chút chất đánh bóng. Mooney nói rằng đây chính là bước tạo nên sự khác biệt của Apple, thông thường nó hay bị bỏ qua khi làm ra một số sản phẩm cần độ trơn bóng cao như kim khâu hay cung tên, nhưng dù sao những sản phẩm đó cũng không cần phải sử dụng nhiều lần trong một ngày.

Quá trình đánh bóng của Apple mất chưa đến 1 giờ đồng hồ. Cứ mỗi 40 phút công đoạn mạ điện lại được hoàn thành. Chiếc bể mạ điện có thể tích gần 38.000 lít, do đó sẽ có rất nhiều vỏ điện thoại có thể đặt được vừa trong chiếc bể này. Đây chính là lợi thế của hãng khi mà vào tháng 7 vừa qua Apple đã bán được hơn 1 tỷ chiếc iPhone, tuy vậy Apple cũng cần phát triển để rút ngắn thời gian sản xuất hơn nhằm làm hài lòng người tiêu dùng.

Ngô Thủy

Chủ đề khác