VnReview
Hà Nội

Thử nghiệm bom hạt nhân có gây động đất?

Những vụ nổ hạt nhân đều có sức công phá khủng khiếp nhưng chúng có phải là nguyên nhân gây nên ảnh hưởng địa chất dẫn tới một số trận động đất hay không?

Theo ScienceABC, kể từ thời đại nguyên tử bắt đầu vào tháng 7/1945 sau vụ đánh bom nguyên tử thành phố Hiroshima (Nhật Bản), thế giới đã có mối lo ngại với năng lượng hạt nhân. Trong nhiều thập kỷ, người ta tin rằng vũ khí hạt nhân sẽ tiêu diệt nhân loại, rất có thể do hậu quả của cuộc chiến tranh nguyên tử toàn diện giữa Nga và Mỹ.

Khi ngày càng nhiều quốc gia phát triển các chương trình nguyên tử, việc thử nghiệm là một yếu tố không thể tránh khỏi trên con đường tiến hóa. Khi đã tạo ra một quả bom nguyên tử, họ cần phải chắc chắn nó sẽ hoạt động hoàn hảo. Trong 70 năm qua, khoảng hơn 2000 cuộc thử nghiệm hạt nhân đã diễn ra trên hành tinh này. Trong số đó, gần 75% diễn ra dưới lòng đất.

Trong nhiều thập kỷ, nỗi sợ hãi những cuộc thử nghiệm hạt nhân dưới lòng đất mà giải phóng năng lượng tương đương 5 triệu tấn thuốc nổ TNT có thể gây ra những trận động đất tàn phá và gây bất ổn cho nền móng hành tinh chúng ta. Câu hỏi đặt ra là liệu vũ khí hạt nhân có thể thực sự gây ra động đất?

Câu trả lời ngắn gọn: Không, không có bằng chứng trực tiếp những vụ thử nghiệm hạt nhân dưới lòng đất có thể gây ra động đất, nhưng con người có thể gây ra động đất theo cách khác ....

Thử nghiệm hạt nhân dưới lòng đất

Trong hàng thập kỷ sau quả bom hạt nhân đầu tiên, các nghiên cứu về ảnh hưởng ngắn hạn, dài hạn với vật lý và địa chất của bom hạt nhân ngày càng mở rộng. Sau khi nhận ra rằng bụi phóng xạ ở các vụ thử nghiệm hạt nhân trên mặt đất có ảnh hưởng tai hại đến môi trường và sức khỏe con người; các chuyên gia đều đồng ý rằng quá trình thử nghiệm sẽ an toàn hơn khi ở dưới nước, trong không gian hoặc dưới lòng đất, nơi mà các bức xạ có thể chứa hoặc tiêu hủy theo cách an toàn hơn.

Thử nghiệm hạt nhân dưới lòng đất là phương pháp được lựa chọn của nhiều quốc gia, bao gồm Mỹ, Liên Xô, Anh, Pháp, Trung Quốc, và gần đây nhất là Bắc Triều Tiên. Tất cả các thử nghiệm hạt nhân đều bị cấm để hưởng ứng hiệp ước quốc tế vào năm 1996. Ấn Độ, Pakistan đã vi phạm hiệp ước vào năm 1998 và mới đây nhất là Bắc Triều Tiên vào năm 2006 và 2008, tất cả đều thử nghiệm dưới lòng đất.

Quá trình thử nghiệm hạt nhân dưới lòng đất khá đơn giản. Một lỗ lớn được đào thẳng xuống mặt đất, thường rộng khoảng 1-3 mét và có khi sâu đến 1km. Vũ khí hạt nhân được đưa xuống lỗ này, lấp đầy bằng cát và sỏi để có thể hấp thụ bức xạ và ngăn chặn xâm nhập vào khí quyển. Ngoài ra còn có một số trang thiết bị phủ chì có thể giữ lại phần nào sức mạnh của vụ nổ.

Nhưng đây không phải là một hệ thống hoàn hảo, mặc dù được coi là cách thử nghiệm an toàn nhất cho cả dân cư gần đó và môi trường. Trong hơn 100 trường hợp thử nghiệm hạt nhân dưới lòng đất của Hoa Kỳ, bức xạ đều có thể thoát vào khí quyển.

Cuộc tranh cãi trong những năm gần đây phát sinh do sự gia tăng đáng kể tần số các trận động đất trên toàn thế giới, khiến nhiều người nghi ngờ rằng các vụ nổ dưới lòng đất lớn đã ảnh hưởng đến cấu trúc và các hoạt động kiến tạo địa chất, dẫn đến lớp vỏ hành tinh chúng ta có nhiều biến động. Rất nhiều người đã ủng hộ ý tưởng này, nhưng đó đơn giản là không đúng sự thật.

Thử nghiệm hạt nhân sẽ dẫn đến động đất?

Ý tưởng về anthroquakes (các vụ động đất từ bom hạt nhân nhân tạo) là một viễn cảnh đáng sợ, nhưng theo khảo sát địa chất Hoa Kỳ, chúng ta không cần phải lo ngại. Những gì mọi người không nhận ra là quy mô và sức mạnh của các mảng kiến tạo trên Trái đất. Một quả bom 40 kiloton, phát ra năng lượng nhỏ hơn khoảng 100 lần so với chuyển động gây ra trên các mảng kiến tạo từ thủy triều. Về cơ bản, nếu sự chuyển động thủy triều trên hành tinh này không gây ra những trận động đất hàng ngày, thì một vài vụ nổ hạt nhân dưới lòng đất sẽ không đủ sức công phá để sắp xếp lại các mảng kiến tạo.

Sự ngẫu nhiên về những thử nghiệm hạt nhân với động đất ở một số khu vực khơi lại những lo ngại về ảnh hưởng đến cấu trúc kiến tạo của hành tinh, nhưng các nghiên cứu đã chỉ ra rằng năng lượng nhiệt hạch giải phóng di chuyển tương tự như các dạng sóng địa chấn, sẽ không ảnh hưởng xa hơn 40km từ tâm vụ nổ.

Một trong những bằng chứng về giả thuyết này xuất phát từ một vụ thử hạt nhân dưới lòng đất vào năm 1971 gần quần đảo Aleutian, Alaska. Vụ thử nghiệm một quả bom hydro 5-megaton của Hoa Kỳ gây ra một cường độ sóng cơ khoảng 6,9 độ Richter. Đây là vụ nổ dưới lòng đất lớn nhất trong lịch sử, và mặc dù được thử nghiệm trong vùng thường xuyên có các hoạt động địa chấn ở quần đảo Aleutian, kết quả vẫn không có các hoạt động địa chấn tiếp theo xảy ra trên các mảng kiến tạo lân cận.

Sự thật đằng sau Anthroquakes

Mặc dù động đất nhân tạo do thử nghiệm hạt nhân không có khả năng gây ra động đất, nhưng con người lại chính là nguồn gốc của động đất trong những tình huống khác. Việc phát ra tức thời năng lượng (xảy ra trong một phần triệu giây) của một vụ nổ hạt nhân gần như không đáng kể so với việc dịch chuyển các khối kiến tạo.

Xây dựng đập có thể thay đổi trọng lượng một mảng kiến tạo trên một khu vực nhất định, chẳng hạn khi đập Hoover (Anh) hoàn thành, hàng trăm trận động đất nhỏ đã được phát hiện trong khu vực này, dù trước đó chưa hề có các hoạt động địa chấn. Một số nhà nghiên cứu tin rằng có tới 1/3 anthroquakes gây ra từ các hoạt động xây hồ chứa và đập ở các phần khác nhau của hành tinh, đặc biệt ở các khu vực có hoạt động địa chấn.

Khai thác hàng nghìn tấn than đá ở những ngọn núi cũng có thể thay đổi đáng kể tình trạng một mảng kiến tạo, dẫn đến chấn động địa chấn. Các nhà nghiên cứu tin rằng gần 50% anthroquakes được gây ra bởi các hoạt động khai thác khoáng sản trên toàn thế giới.

Nhìn chung, con người có thể làm được rất nhiều điều để tác động tiêu cực đến hành tinh và khiến nó trở nên ít ổn định hơn. Trong khi những vụ nổ hạt nhân là một trong những nỗi sợ hãi lớn nhất trên hành tinh, chúng lại không phải là nguyên nhân gây nên những trận động đất trên toàn cầu.

Thanh Tâm

Chủ đề khác