VnReview
Hà Nội

Rác thải điện tử tràn ngập khắp châu Á

Số lượng rác thải điện tử đã tăng mạnh tại châu Á trong những năm gần đây. Đây là một mối nguy hại cho sức khỏe người dân và môi trường của các quốc gia tại châu lục này.

Quang cảnh tại bãi tập trung rác thải điện tử lớn nhất thế giới ở thành phố Sán Đầu, tỉnh Quảng Đông (Trung Quốc).

Theo CNN, một báo cáo mới đây của Đại học Liên hiệp quốc (Nhật Bản) đã chỉ ra rằng khả năng mua sắm của người dân tăng cao đã làm số lượng rác thải điện tử tại châu Á tăng tới 63% trong khoảng thời gian từ 2010 - 2015. Cụ thể, điện thoại, máy tính và các thiết bị điện tử khác đã tạo ra một lượng rác thải lên tới 12,3 triệu tấn khắp châu Á. Riêng tại Trung Quốc, số lượng rác thải điện tử đã tăng gấp đôi trong vòng 5 năm nay.

Bên cạnh nhu cầu mua sắm tăng cao, tuổi thọ của các thiết bị điện tử cũng được cho là đang ngày càng bị rút ngắn. Điều đó làm tăng nhu cầu thay mới của người dùng và là một nguyên nhân quan trọng dẫn tới việc rác thải điện tử tràn ngập khắp châu Á.

Báo cáo kể trên cũng lưu ý thêm là rác thải điện tử thường bị đổ bất hợp pháp, từ đó dẫn tới những hậu quả khôn lường cho môi trường. Các thiết bị điện tử thường chứa chì và thủy ngân, hai kim loại độc khi tiếp xúc với cơ thể con người trong lâu dài. Trong khi đó, việc đốt các thiết bị điện tử tại các bãi tập trung có thể gây ra các bệnh mãn tính cho những ai vô tình hít phải khí thải độc hại.;

"Rác thải điện tử ngày càng bùng phát", Ruediger Kuehr, đồng tác giả của báo cáo cho biết, "Các quốc gia cần phải nhận thức được đầy đủ vấn đề không chỉ trên góc độ môi trường mà còn phải cả trên góc độ kinh tế. Việc không tái chế rác thải điện tử đang làm các quốc gia để mất một nguồn lực cần thiết cho việc duy trì dây chuyền sản xuất trong tương lai".

Hầu hết rác điện tử là do người dân tại các quốc gia châu Á "thải" ra, nhưng vẫn có một lượng rác thải điện tử tại đây được đưa tới từ các nước phương tây như Mỹ. Theo một cuộc điều tra của tổ chức môi trường Basel Action Network, rác thải điện tử của Mỹ được tìm thấy ở một số bãi chôn lấp tại Đài Loan, Trung Quốc và Thái Lan.

Ông Kuehr cũng khẳng định là vấn đề rác thải điện tử tại châu Á sẽ cần rất nhiều nỗ lực để giải quyết. "Các chính trị gia cần đặt vấn đề này vào trong các chương trình nghị sự để tạo ra các chính sách phù hợp", ông Kuehr cho biêt, "Một nguồn tài chính vững chắc, một hệ thống thu gom rác thải tốt và tăng cường hợp tác quốc tế là rất cần thiết để giải quyết vấn đề rác thải điện tử".

Bên cạnh đó, điều may mắn là Việt Nam vẫn đang nằm trong nhóm các nước có số lượng rác thải điện tử bình quân trên đầu người thấp nhất châu Á, mức trung bình chỉ là 1kg/người trong năm 2015. Trong khi đó, Hong Kong dẫn đầu châu Á về chỉ số này với 21,7 kg rác thải điện tử/người, tiếp theo là Singapore và Đài Loan với 19 kg rác thải điện tử/người.

Nguyễn Long

Chủ đề khác