VnReview
Hà Nội

Facebook nghiên cứu công nghệ 'đọc ý nghĩ, thần giao cách cảm'

Mark Zuckerberg, người sáng lập Facebook vừa qua đã thử nghiệm bộ headset thực tế ảo Oculus với trình điều khiển cảm ứng. Tham vọng của anh về việc tạo ra các tiện ích giúp con người đọc được suy nghĩ của đối phương và giao tiếp qua sóng não đang dần được hiện thực hóa.

Theo Business Insider, năm vừa rồi Facebook đã xây dựng một bộ phận bí mật chuyên nghiên cứu phần cứng. Bộ phận này hiện đang phát triển công nghệ "giao diện giữa trí não máy tính" – có vẻ giống với công nghệ đọc ý nghĩ và thần giao cách cảm trong các bộ phim khoa học viễn tưởng.

Một số thông báo tuyển dụng gần đây cho nhóm Building 8 của Facebook mô tả một dự án phần cứng liên quan đến "hình ảnh thần kinh" và "dữ liệu điện sinh" để tạo ra một "nền tảng giao tiếp tương lai".

Mô tả công việc cho vị trí kỹ sư giao diện trí não máy tính yêu cầu trình độ tiến sỹ khoa học thần kinh để có thể đảm nhiệm đầy đủ các nhiệm vụ quan trọng của dự án này trong suốt quãng thời gian 2 năm. Một số vị trí khác tìm kiếm một kỹ sư có khả năng "phát triển các thuật toán xử lý dữ liệu âm thanh" cho nền tảng này.

Facebook từ chối tiết lộ thông tin, nhưng theo một số chia sẻ của Zuckerberg vào năm 2015, chúng ta có thể đoán được công ty có thể đã và đang nghiên cứu một số loại thiết bị "kiểm soát trí não" và thông tin liên lạc thần giao cách cảm.

;"Một ngày nào đó, tôi tin rằng chúng tôi sẽ có thể truyền tải đầy đủ và vẹn nguyên những suy nghĩ của người dùng trực tiếp cho nhau bằng cách sử dụng công nghệ", Zuckerberg nói trong phần Hỏi – Đáp vào tháng 6 năm 2015, "Bạn sẽ chỉ cần nghĩ về một điều gì đó và bạn của bạn cũng có thể cùng bạn trải nghiệm những suy nghĩ đó nếu bạn muốn".

Một số bài đăng tuyển dụng khác tìm kiếm các kỹ sư có khả năng phát triển "công nghệ hình ảnh thần kinh bất khả xâm phạm" và tạo ra "các trải nghiệm nhập vai thực tế". "Hình ảnh thần kinh" là một mảng khoa học tiên tiến có sử dụng các kỹ thuật để quét (scan) và để hiểu được những gì đang xảy ra trong não bộ con người, trong khi công nghệ haptic (cảm giác xúc giác) lại giúp mô phỏng một trạng thái xúc giác với chiếc máy tính.

Để bạn đọc hiểu rõ hơn về công nghệ này: Haptics là một từ gốc Hy Lạp để chỉ cảm giác xúc giác (sense of touch). Nói chung, Haptic bao gồm bao gồm lực tác động (cứng, mềm), cảm giác về bề mặt (thô, nhám, sắc, trơn…) cảm giác về chuyển động mà con người có thể cảm nhận thông qua tiếp xúc, cầm, nắm, sờ… Công nghệ Haptics là công nghệ tái tạo lại các cảm giác xúc giác đó, với mức độ chân thực và chi tiết khác nhau, nhằm tái tạo lại toàn bộ hay một phần cảm giác xúc giác của con người khi tiếp xúc với thiết bị.

Có vẻ như Facebook đang sẵn sàng để tạo ra đội ngũ tài năng nhằm xây dựng nên bản đồ não của con người. Mark Chevillet – một cựu giám đốc chương trình của khoa "khoa học thần kinh ứng dụng" tại đại học Hopkins – đã gia nhập Facebook vào tháng 9/2016 với vai trò là "trưởng dự án kỹ thuật". (Thông tin trên lấy từ profile của ông trên LinkedIn).

Hiện nay chưa có thông tin rõ ràng về loại công nghệ có thể cho phép Facebook thực hiện tham vọng này. Trong quá khứ, các công ty đã từng cố gắng thử sử dụng các băng đầu có gắn bộ cảm biến đặc biệt để đo lường các tín hiệu sóng não, và Facebook hoàn toàn có thể sử dụng cách tiếp cận tương tự.

Một sản phẩm như vậy, mặc dù cần một thời gian dài nữa để hoàn thiện, sẽ là một bước tiến lớn trong lĩnh vực công nghệ và sẽ đưa Facebook – mạng xã hội lớn nhất trên toàn cầu – chiếm giữ vị trí dẫn đầu trong giao thoa giữa khoa học và công nghệ.

Công ty mẹ của Google – Alphabet – đã tiên phong với tham vọng trong các dự án "moonshot" nhằm tái phát minh tất cả mọi thứ, từ xe hơi cho đến vấn đề chăm sóc sức khỏe. (Moonshot: chỉ những dự án mang tính cách mạng, bắt nguồn từ những ý tưởng "cao siêu" nhưng chi phí cho những dự án này lên tới hàng tỷ USD. Tất nhiên những ý tưởng này đều phải có tiềm năng rất lớn). Và Facebook đang gia tăng tối đa nỗ lực của mình để phát triển nhóm nghiên cứu Building 8 nhằm mang lại cho người dùng một sản phẩm độc đáo và thú vị.

Xây dựng DARPA riêng của Facebook

Rất ít thông tin của Building 8 được công bố, nhưng có nhiệm vụ lớn là "phát triển các sản phẩm phần cứng để thúc đẩy sứ mệnh kết nối thế giới của Facebook".

Khi Regina Dugan được mời về làm việc, Facebook nói rằng bà sẽ phụ trách phần xây dựng "công nghệ có khả năng hòa trộn giữa thể giới vật lý và thế giới kỹ thuật số".

Trước khi làm việc ở Google, bà Dugan từng là giám đốc của Cơ quan Dự án nghiên cứu quốc phòng tiên tiến thuộc chính phủ Hoa Kỳ, (hay còn gọi là DRAPA). Danh sách các công việc cho Building 8 miêu tả đó là một môi trường "kiểu DRAPA" có các hoạt động "tích cực, thời gian cố định, với việc sử dụng rộng rãi các mối quan hệ giữa các trường đại học, doanh nghiệp nhỏ và lớn".

Thời hạn 2 năm của các công việc thuộc Building 8 được liệt kê cho thấy bộ phận này cũng có ý định làm việc giống cách của một số bộ phận tại Alphabet: phát triển và hoàn thiện sản phẩm mới trong một khung thời gian cố định. Nếu ngoài khoảng thời gian trên, dự án sẽ bị hủy bỏ hoặc được cho ra hoạt động độc lập.

Building 8 chưa có bất kỳ tuyên bố chính thức về bất kỳ sản phẩm nào, nhưng những danh sách công việc hé lộ cũng đã cho chúng ta đoán được nó đang liên kết với các dự án nội bộ. Vào tháng 12, Facebook đưa ra tuyên bố hợp tác giữa Building 8 và 17 trường đại học trong việc nghiên cứu và phát triển sản phẩm mới này.

Và chúng ta sẽ cùng chờ đợi một siêu phẩm lớn của Facebook – một sản phẩm giúp chúng ta truyền tải những tâm tư và cảm xúc khó nói tới đối phương.

Anh Cao

http://www.businessinsider.com/facebooks-building-8-working-on-brain-computer-communication-platform-2017-1

Chủ đề khác