VnReview
Hà Nội

'Nước mắt cá sấu' liên quan gì đến giả dối?

Điều gì khiến chúng ta nghĩ nước mắt cá sấu là giả dối? Xét cho chúng khi chúng ta cho rằng ai đó đang giả bộ buồn bã, chúng ta không nói là nước mắt hải ly hay nước mắt cá hồi. Tại sao không? Có phải cá sấu là sinh vật đặc biệt đại diện cho sự dối trá?

Nước mắt cá sấu

Theo HowStuffWorks, từ nhiều thế kỷ trước có quan niệm rằng cá sấu bẫy con mồi bằng cách rớt nước mắt và sau đó dùng hàm răng sắc nhọn ngoạm con mồi khi nó lại gần. Thật kỳ lạ, một số người còn quan sát thấy cá sấu "khóc" trong suốt bữa ăn. Do đó, có thể một số người sẽ cáo buộc cá sấu giả dối, vì họ thấy con vật xấu xí này khóc trong khi thưởng thức con mồi nó bẫy được.

Vậy thì câu chuyện này có chút nào là sự thật hay không? Hoá ra nó không phải là không có cơ sở - cá sấu thực sự nhỏ nước mắt trên xác chết của con mồi. Nhưng đừng nghĩ chúng là những kẻ rối loạn nhân cách chống đối xã hội (sociopath - coi nhẹ cảm giác của mọi người, không có cảm giác hối hận hoặc xấu hổ, thao túng người khác, ích kỉ vô lối, luôn lừa dối để đạt được mục đích của mình). Hành vi rơi nước mắt này là một bản chất sinh học, chứ không liên quan gì đến biểu hiện của cảm xúc giả tạo. Nhưng nhớ rằng, cá sấu thực sự rơi nước mắt, giống như chúng ta hay những động vật khác như mèo, chó, trâu bò... Ẩm ướt tập trung trong mắt chúng và cuối cùng nhỏ thành giọt, trào ra khỏi mắt, chảy dài trên mặt như một chú hề buồn. Vấn đề là tại sao chúng lại khóc khi đang ăn?

Rất khó thử để tìm câu trả lời. Chúng là động vật nguy hiểm và hơn nữa thường sống dưới nước nên thử nghiệm khi nào mắt chúng đẫm nước càng khó hơn. Tuy nhiên, các nhà nghiên cứu đã tiến hành một nghiên cứu hồi năm 2006, huấn luyện 7 con cá sấu chuyển đến trạm cho ăn trên cạn và sau đó ghi lại phản ứng của chúng. Và sự thật không thể chối cãi: 5 trong số 7 con cá sấu khóc trong khi đang ăn.

Các nhà khoa học không thể chắc lý do tại sao nhưng họ nghĩ nó có thể liên quan đến những âm thanh rít, thổi, thở, phun cá sấu phát ra khi ăn. Khi đó, không khí bị đẩy qua các xoang, kích thích tuyến lệ dẫn đến sản xuất ra quá nhiều nước mắt. Các nhà khoa học cũng băn khoăn liệu có phải chỉ đơn giản là chuyển động của đầu cá sấu khi ăn khiến cho nước mắt trào ra.

Dù là thế nào, không có lý do gì để nghĩ cá sấu có cảm xúc nào đó đối với con mồi nó vồ được. Do đó, cá sấu không liên quan gì đến giả tạo cả. Lần sau nếu nghi ngờ ai đó không chân thành, hãy nói với họ. Chẳng có lý do gì lôi cá sấu vào cuộc cả.

Minh Hương

Chủ đề khác