VnReview
Hà Nội

Trái đất có 6 hay 7 lục địa?

Sau khi VnReview.vn đăng tin các nhà khoa học đã tìm ra lục địa thứ 8 Zealandia, một số bạn đọc đã phản hồi rằng lục địa mới chỉ là thứ 7. Tại sao lại như vậy?

Lục địa

Theo Tạp chí National Geographic, một lục địa là một vùng đất lớn với nhiều đặc điểm cụ thể. Mỗi lục địa là độc nhất nhưng chúng đều được phân biệt bởi hai đặc trưng: là vùng địa lý ổn định, cổ đại và các khu vực hoạt động địa chất trẻ. Hầu hết lục địa có đồng bằng rộng hoặc cao nguyên. Tất cả các lục địa, trừ Nam Cực, là có "hình nêm" – phía bắc rộng hơn phía nam.

Theo quy ước có 7 lục địa: Á, Phi, Nam Mỹ, Bắc Mỹ, Âu, Úc và Nam Cực. Một số nhà địa lý lại liệt kê chỉ có 6 lục địa, do kết hợp Âu-Á thành một lục địa Âu Á. Ở nhiều nơi trên thế giới, nhà trường dạy cho học sinh rằng chỉ có 5 lục địa gồm: Á Âu, Úc, Phi, Nam Cực và Mỹ.

Tuy nhiên, đối với một số nhà địa lý, "lục địa" không chỉ là một thuật ngữ thuộc về địa lý thuần tuý; nó còn chứa đựng cả nhiều ý nghĩa văn hoá, chính trị. Chẳng hạn, châu Âu và châu Á về cơ bản là cùng nằm trên một vùng đất rộng; nhưng hai khu vực này rất đa dạng về văn hoá.

Những đảo nằm gần một lục địa nhìn chung được cân nhắc là một phần của lục địa đó, theo ý nghĩa địa lý. Chẳng hạn, Greenland là một phần thuộc địa chính trị của châu Âu nhưng địa lý thuộc Bắc Mỹ. Tuy nhiên, có một số đảo và nhóm đảo không được xem là một phần của bất kỳ lục địa nào xét về địa lý. Chẳng hạn như New Zealand, Hawaii, và French Polynesia.

Châu đại dương là tên gọi chung cho các vùng đất của Thái Bình Dương, gồm Melanesia, Micronesia và Polynesia. Châu đại dương, trừ Úc, là cách gọi thuận tiện cho những vùng đất này. Nó không phải là phần nào của bất kỳ châu lục nào. Bản thân Châu đại dương cũng không phải là một lục địa.

Minh Hương

Chủ đề khác