VnReview
Hà Nội

Mất bao lâu để bay tới 7 hành tinh vừa được NASA phát hiện?

Hôm qua, hàng loạt trang tin trong nước và quốc tế phát đi thông tin "NASA phát hiện 7 hành tinh to bằng Trái Đất có thể có sự sống". Phát hiện này được giới khoa học cho là có ý nghĩa quan trọng trong việc tìm hiểu sự sống ngoài Trái Đất cũng như xác định xem chúng ta có thể tìm kiếm một nơi cư trú nào khác.

Nhưng liệu chúng ta sẽ phải mất bao lâu để bay từ Trái đất đến "thăm quan" 1 trong 7 hành tinh kể trên? Trang thông tin khoa học vũ trụ Space vừa có bài viết đề cập vấn đề này.

Theo Space, ngôi sao lùn Trappist-1 cách Trái đất 39 năm ánh sáng, tương đương với 229 nghìn tỷ dặm (369 nghìn tỷ km). Nếu chúng ta có một chiếc tàu vũ trụ phóng đi với vận tốc ánh sáng thì mất 39 năm mới tới nơi. Hiện nay, chúng ta chưa chế tạo được tàu vũ trụ nào có vận tốc nhanh như vậy.

Con người đã phóng rất nhiều tàu vũ trụ lên không gian. Với công nghệ hiện nay thì chúng ta sẽ mất bao lâu để bay tới Trappist-1?

Dựa trên tốc độ tàu vũ trụ, ta có thể tính toán được thời gian nó bay đến Trappist-1 rất đơn giản. Vì tốc độ thì bằng khoảng cách chia cho thời gian, nên suy ra tổng thời gian sẽ bằng 39 năm ánh sáng chia cho tốc độ của tàu vũ trụ. Bây giờ chúng ta tìm hiểu một số tàu vũ trụ dưới đây:

Tàu New Horizons

New Horizons là chiếc tàu vũ trụ có tốc độ nhanh nhất từ trước đến nay của NASA (Cơ quan Hàng không Vũ trụ Mỹ). Nó bay qua sao Diêm Vương vào năm 2015 và hiện nó đang bay ra khỏi hệ mặt trời với tốc độ 14,31 km/giây, tương đương 32 nghìn dặm/giờ. Với tốc độ này, sẽ phải mất 817 nghìn năm mới có thể ghé thăm sao lùn Trappist-1.

Tàu Juno

Tàu vũ trụ Juno của NASA bay nhanh hơn New Horizons do nó đã tiếp cận được với sao Mộc. Nhờ lực hấp dẫn của Sao Mộc, Juno đã đạt được vận tốc 265 nghìn km/giờ, tương đương 165 nghìn dặm/giờ. Đây là một tốc độ nhanh nhất mà một thiết bị do con người chế tạo đã đạt được (cho dù vận tốc ban đầu của Juno kém hơn New Horizons).

Ngay cả khi Juno duy trì được tốc độ siêu nhanh như vậy, nó cũng phải mất 159 nghìn năm mới tới được Trappist-1.

Tàu Voyager 1

Voyager 1 là chiếc tàu vũ trụ bay xa Trái đất nhất. Nó đã vượt khỏi hệ mặt trời và bay vào không gian các vì sao vào năm 2012. Theo NASA, tốc độ của Voyager 1 là 38,2 nghìn dặm/giờ. Để ghé thăm Trappist-1, nó sẽ phải bay liên tục trong 685 nghìn năm.

Nhưng Voyager 1 sẽ không tới "nhà" Trappist-1 mà nó đang hướng tới một ngôi sao khác có ký hiệu là AC + 79 3888, cách Trái đất 17,6 năm ánh sáng. Để bay được đến đó, nó sẽ phải mất 40 nghìn năm.

Tàu vũ trụ Con thoi

Tàu Con thoi của NASA đã bay vòng quanh Trái đất với tốc độ 17,5 nghìn dặm/giờ (28,1 nghìn km/giờ). Chiếc tàu này muốn đi du lịch Trappist-1 sẽ phải mất 1,5 triệu năm.

Vì thế, để bay được đến sao lùn Trappist-1 và 7 hành tinh xung quanh nó, loài người không thể dùng tàu vũ trụ hiện có làm phương tiện vận tải.

Sáng kiến Starshot

Một tàu vũ trụ cực nhanh có thể bay đến Trappist-1 trong một khoảng thời gian ngắn hơn nhiều là một nhiệm vụ mà nhà vật lý Stephen Hawking ấp ủ thông qua một sáng kiến mang tính đột phá có tên gọi là StarShot.

Ông Hawking đã mô tả về một thiết bị thăm dò kích thước nhỏ có động cơ đẩy bằng laze có thể bay nhanh bằng 20% tốc độ ánh sáng, tương đương với 134 triệu dặm/giờ (216 triệu km/giờ). Con tàu này sẽ có vận tốc nhanh hơn 4.000 lần so với tàu New Horizons của NASA và nó có thể bay đến Trappist-1 trong khoảng thời gian dưới 200 năm. Nhưng ý tưởng này vẫn chỉ nằm trên giấy.

Với công nghệ hiện nay, không có cách nào để loài người bay đến Trappist-1 trong khoảng thời gian một đời người. Khi thảo luận về vấn đề này, NASA nói rằng phải mất 800 nghìn năm nữa loài người mới đến được ngôi sao lùn Trappist-1.

Vì thế, bạn đừng vội lên kế hoạch thăm quan các vì sao với thời điểm này!

Đăng Khoa

Chủ đề khác