VnReview
Hà Nội

Hóa thạch 4,2 tỷ năm vừa tìm thấy chứa manh mối sự sống trên sao Hỏa

Lịch sử về sự sống trên Trái Đất đã phải viết lại sau khi một hóa thạch của các vi sinh vật có niên đại tới 4,2 tỷ năm vừa được tìm thấy. Ngoài ra, phát hiện này cũng cung cấp manh mối để chứng minh sự sống đã từng có trên hành tinh "hàng xóm" của chúng ta là sao Hỏa.

Hóa thạch của vi sinh vật có niên đại 4,2 tỷ năm nhìn dưới kính hiển vi.

Theo Telegraph, các nhà nghiên cứu tới từ Đại học London (Anh) đã phát hiện hóa thạch của một số vi sinh vật có kích thước nhỏ hơn chiều rộng của ngọn tóc con người tại các lớp đá ở Quebec (Canada). Đáng chú ý, hóa thạch này có niên đại tới 4,2 tỷ năm. Như vậy, đây là bằng chứng về sự sống có niên đại lớn nhất từ trước đến nay được tìm thấy trên Trái Đất.

Mặc dù được tìm thấy trong đá nhưng các nhà khoa học cho rằng các vi sinh vật được tìm thấy đã sống trong các ống thủy nhiệt nóng có nhiệt độ 60 độ C vào 4,2 tỷ năm trước. Hệ thống các ống thủy nhiệt nóng này đã có mặt nhiều trên Trái Đất trong thời kì này.

Phát hiện kể trên cũng là một bằng chứng mạnh mẽ cho thấy, sự sống có thể đã từng tiến hóa trên sao Hỏa vào thời điểm hành tinh này vẫn còn có khí quyển và đại dương. Các nhà khoa học cũng cho rằng, các sao chổi đã mang những mầm sống đầu tiên tới sao Hỏa và điều tương tự cũng có thể đã diễn ra với Trái Đất.

"Thời kì đầu của sao Hỏa và Trái Đất có sự tương đồng với nhau nên chúng ta có thể tin rằng đã có sự sống trên cả hai hành tinh trong cùng một thời điểm", Matthew Dodd, Trưởng nhóm nghiên cứu cho biết, "Chúng ta biết rằng sự sống đã tự điều chỉnh để có thể phát triển mạnh mẽ trên Trái Đất. Vì vậy, nếu có sự sống trong hệ thống ống thủy nhiệt nóng từ 4,2 tỷ năm trước, tức là trước cả khi có nước trên bề mặt của hai hành tinh, chúng ta có quyền hi vọng Trái Đất và sao Hỏa đều có sự sống từ thuở sơ khai".

"Nếu chúng ta tới sao Hỏa và không tìm thấy bằng chứng của sự sống trên các mẫu đá tương tự, điều này có có nghĩa là Trái Đất là một ngoại lệ đặc biệt và sự sống chỉ có thể phát triển tại đây", ông Dodd cho biết thêm.

Trước khi hóa thạch tại Quebec được tìm ra, các nhà khoa học đều tin rằng mầm sống đầu tiên bắt đầu trên Trái Đất từ 3,7 tỷ năm trước dựa vào một hóa thạch được tìm thấy ở phía tây nước Úc. Điều này có nghĩa là sự sống thật sự đã bắt đầu trên Trái Đất sớm hơn nhiều so với chúng ta tưởng tượng. Hóa thạch ở Quebec có niên đại 4,2 tỷ năm nên sự sống trên Trái Đất có thể đã có từ 4,5 tỷ năm trước.

Lịch sử sự sống trên Trái Đất.

Các nhà khoa học cũng cho biết thêm, vùng đá trầm tích phát hiện ra hóa thạch ở Quebec đã từng là một đại dương giàu chất sắt trong quá khứ. Các sinh vật sống gần miệng ống thủy nhiệt nóng sẽ lơ lửng trong nước để hấp thụ sắt như là chất dinh dưỡng. Nhìn chung, chúng giống như các loại vi khuẩn sắt oxy hóa được tìm thấy gần các khu vực có ống thủy nhiệt hiện nay.;  

"Phát hiện này thật sự thú vị vì nó cho chúng ta biết cách sự sống sẽ hình thành nhanh chóng thế nào nếu có đủ điều kiện trên một hành tinh", Dan Brown, một chuyên gia vũ trụ cho biết, "Nếu chúng ta tìm thấy một hành tinh mang điều kiện có lợi như chúng ta đã biết, điều đó có nghĩa là nhiều khả năng sẽ tìm thấy sự sống trên hành tinh đó. Tất nhiên là chúng ta có thể sẽ không gặp được người ngoài hành tinh nhưng khả năng cao là sẽ có các vi sinh vật".

"Ngoài ra, môi trường nóng giống các ống thủy nhiệt cũng có thể xuất hiện ở dưới các lớp băng trên mặt trăng Europa của sao Mộc. Như vậy, phạm vi tìm kiếm sự sống trong vũ trụ của chúng ta sẽ được mở rộng", ông Brown cho biết thêm.

Nguyễn Long

Chủ đề khác