VnReview
Hà Nội

Sau cừu Dolly, các nhà khoa học đã nhân bản thêm động vật nào?

Cách đây 20 năm, giới khoa học công bố đã nhân bản vô tính thành công một loại động vật có vú - đó là con cừu Dolly nổi tiếng. Cừu Dolly đã được sinh ra từ tế bào của một con cừu trưởng thành. Sau Dolly, các nhà khoa học đã nhân bản thêm những động vật nào trong 20 năm qua?

Nhóm các nhà khoa học đã nhân bản thành công cừu Dolly làm việc tại Viện Roslin, Đại học Edinburgh ở Scotland. Cừu Dolly ra đời đã mở đường cho các nhà khoa học nhân bản thêm một số động vật có vú khác bằng cách tách phôi đang phát triển. Dưới đây là 8 động vật ra đời theo phương pháp nhân bản vô tính, theo tạp chí Live Science:

Lợn

Vào năm 2000, công ty PPL Therapeutics công bố đã nhân bản thành công 5 cá thể lợn cái từ các tế bào của lợn trưởng thành. 5 cá thể lợn này được đặt tên là Millie, Christa, Carrel, Dotcom và Alexis. Thành tựu này đã được công bố trên tạp chí Nature vào năm 2000. Điểm đáng chú ý là PPL Therapeutics chính là công ty đã từng hợp tác với Viện Roslin để nhân bản cừu Dolly.

Mèo

Năm 2001, các nhà khoa học tại Đại học Texas A&M đã nhân bản được một con mèo cái đặt tên là CC (viết tắt của Carbon Copy – Tạo ra các bản sao). CC là cá thể duy nhất được sinh ra sau khi các nhà khoa học đã cấy 87 phôi vào trong tử cung các mèo mẹ thay thế. Mặc dù CC thuộc giống mèo Rainbow nhưng bộ lông của nó lại có hoa văn khác biệt, có thể là do yếu tố phát triển chứ không phải do di truyền. CC đã đẻ được mèo con vài năm sau đó.;

Hươu

Vào năm 2003 cũng vẫn các nhà khoa học ở Đại học Texas A&M đã nhân bản được một con hươu đuôi trắng, đặt tên là Dewey. Dewey được nhân bản từ tế bào da của một con hươu đuôi trắng đã chết, sau đó được một hươu mẹ thay thế có tên là Sweet Pea sinh ra. Dewey vẫn sống đến thời điểm này.

Ngựa

Các nhà nghiên cứu ở Italia vào năm 2003 đã nhân bản vô tính một cá thể ngựa cái và đặt tên là Prometea. Điều thú vị là ngựa mẹ đẻ ra Prometea cũng chính là con ngựa mà các nhà khoa học đã lấy phôi di truyền. Các nhà khoa học nhận định việc nhân bản thành công Prometea đã giúp xua tan quan điểm cho rằng sẽ không an toàn (về mặt miễn dịch) khi một người mẹ mang thai đứa con với di truyền giống hệt mình. Kết quả nghiên cứu nói trên đã được công bố trên tạp chí Nature vào năm 2003.

Chó

Các nhà khoa học ở Hàn Quốc đã nhân bản được một chú chó vào năm 2005. Chú chó này có tên là Snupy, được sinh ra vào ngày 24 tháng 4 năm 2005. Nó được nhân bản từ tế bào của một con chó săn thuộc giống Afghan, Snupy là cá thể sống sót duy nhất sau khi các nhà khoa học đã cấy 1.095 phôi vào trong 123 cá thể chó mẹ thay thế. Hai chó con đã sinh ra nhưng chỉ có Snupy là sống sót. Đến năm 2008, Snupy đã trở thành cha của một chú chó con.

Chuột

Năm 2008, các nhà khoa học ở Nhật Bản công bố họ đã nhân bản vô tính chuột từ các tế bào đã bị đông lạnh trong 16 năm ở nhiệt độ âm 20 độ C. Sau khi làm tan đông tế bào, các nhà khoa học phát hiện ra rằng chúng đã bị vỡ, nhưng họ vẫn có thể trích xuất các ADN cần thiết để tạo ra chuột nhân bản vô tính khỏe mạnh. Thành công của họ đã được công bố trên tạp chí Proceedings của Viện Hàn lâm Khoa học Nga vào năm 2008. Các nhà khoa học viết rằng tương lai nhiều loại động vật có thể được "hồi sinh" khi mà các tế bào của chúng được bảo quản đông lạnh.

Dê hoang dã

Vào năm 2009, các nhà khoa học thế giới đã đạt được một thành tựu lớn khi lần đầu tiên hồi sinh được một loại động vật có vú đã bị tuyệt chủng - đó là loài dê hoang dã có tên khoa học là Pyrenean ibex. Một nhóm các nhà khoa học từ Tây Ban Nha, Pháp và Bỉ đã sử dụng tế bào lấy từ các mẫu được bảo quản từ một con dê hoang dã bị bắt vào năm 1999 để tạo ra một cá thể dê con nhân bản vô tính. Tuy nhiên, con dê đã chết sau vài phút sinh ra do những khuyết tật trong phổi. Nghiên cứu của họ được công bố trên tạp chí Theriogenology vào năm 2009.

Sói xám

Năm 2005 các nhà khoa học của Hàn Quốc đã nhân bản loài sói xám có nguy cơ tuyệt chủng. Họ đã tạo ra hai cá thể sói con đặt tên là Snuwolf và Snuwolffy. Hai cá thể sói này được nhân bản từ vật liệu di truyền lấy từ tai của một con sói cái. Tuy nhiên, các nhà khoa học đã sử dụng trứng của loài chó để lưu giữ vật liệu di truyền này, bởi vì rất khó để lấy được trứng từ loài sói trong tự nhiên. Họ cũng để cho chó mang thai và đẻ ra hai cá thể sói con này. Thành tựu này đã được công bố trên tạp chí Cloning and Stem Cells vào năm 2009.

Đăng Khoa

Chủ đề khác