VnReview
Hà Nội

Phát hiện mẫu thực vật cổ nhất Trái Đất, niên đại 1,6 tỷ năm

Với tuổi đời lên đến 1,6 tỷ năm, mẫu hoá thạch tảo đỏ do Therese Sallstedt phát hiện đã phá "kỷ lục" trước đây về loài thực vật có tuổi đời lâu nhất hành tinh tới tận 400 triệu năm. Với phát hiện này, cộng đồng sinh học thế giới sẽ phải xem xét lại toàn bộ lịch sử của sinh giới trên Địa Cầu.

Ảnh chụp X-quang cho thấy cấu trúc đặc thù của tảo biển trong mẫu hoá thạch

Theo các nghiên cứu khảo cổ trước đây, mặc dù Trái Đất có tuổi thọ tới 4,5 tỷ năm, song lịch sử ra đời và phát triển của các loài sinh vật cao cấp lại chỉ vỏn vẹn trong khoảng 1 tỷ năm trở lại đây. Còn khoảng thời gian trước đó, đa phần sự sống chỉ tồn tại ở dạng đơn bào và cấu trúc cũng rất đơn giản.

Theo BBC, mẫu hoá thạch sinh vật đầu tiên có niên đại tới 3,5 tỷ năm, nhưng đó là một cấu trúc rất đơn sơ và sự tiến hoá đã diễn ra rất chậm chạp trong vài tỷ năm đầu. Mãi đến gần 2 tỷ năm trước đây, những sinh vật nhân chuẩn (eukaryote) đầu tiên mới xuất hiện và đến hơn 1 tỷ năm trước đây, các sinh vật đa bào mới ra đời (gồm cả các loài thực vật).

Nhưng đây là chi tiết mà Therese Sallstedt, nữ sinh viên vừa tốt nghiệp và đang học lên tiến sỹ, hiện đang công tác tại Bảo tàng Lịch sử Tự nhiên Thụy Điển, có dự tính sẽ viết lại. Trong một mẫu đá cổ thu được từ Ấn Độ, Sallstedt phát hiện ra dấu vết hoá thạch của loài tảo đỏ, có niên đại cách đây tới 1,6 tỷ năm, sớm hơn 400 triệu năm so với mẫu hoá thạch tảo đỏ cổ nhất từng được phát hiện. Và phát hiện này nếu được công nhận, nó cho thấy sinh giới đã tiến hoá nhanh hơn tốc độ mà chúng ta từng nghĩ. Cụ thể là các sinh vật đơn bào đã "tụ họp" lại thành các quần thể đơn bào và tạo nên các sinh vật đa bào sớm hơn mốc 1,2 tỷ năm của trước đó.

Therese Sallstedt, người phát hiện ra mẫu hoá thạch trên

Sallstedt nói với BBC News: "Các mẫu hoá thạch cho chúng ta thấy sự sống cao cấp dưới hình dạng các tế bào nhân chuẩn (như thực vật, động vật, nấm và con người) có một lịch sử lâu đời hơn mức mà chúng ta từng nghĩ trên Trái Đất này".

Cụ thể, các nhà nghiên cứu đã tìm thấy trong mẫu đá cổ những hoá thạch có dạng sợi dài và các quần thể phức tạp có cấu trúc "giống thịt". Nó cũng có cả lục lạp, một cấu trúc đặc biệt cho phép diễn ra sự quang hợp. Đây là những đặc tính vốn có trên loài tảo đỏ hiện đại, một dạng tảo biển. Đồng tác giả nghiên cứu, giáo sư Stefan Bengtson, cũng thuộc Bảo tàng Lịch sử Tự nhiên Thuỵ Điển, cho biết thêm: "Các anh không thể chắc chắn 100% về thành phần vật liệu của mẫu hoá thạch này, vì không còn DNA tồn tại nữa. Song các đặc tính sinh học trùng khớp rất rõ ràng về mặt hình thái cũng như cấu trúc của loài tảo đỏ".

Ảnh chụp cấu trúc vi mô của tảo đỏ hiện đại

Tất nhiên việc xác nhận các bằng chứng khảo cổ sinh học không hề đơn giản. Do không có DNA để xác thực, sẽ có nhiều tranh luận nổ ra giữa các nhà khoa học để xem lời khẳng định có đúng hay không.; Một trong các cách để giải quyết triệt để các tranh cãi là chúng ta cần tìm thấy thêm nhiều mẫu hoá thạch khác có tuổi đời ở mức tương tự. Bởi nếu loài tảo đỏ xuất hiện sớm hơn trên Trái Đất, chắc chắn sẽ có thêm nhiều bản hoá thạch khác ngoài mẫu mà Sallstedt tìm thấy. Hiện phát hiện này đã được công bố trên tạp chí Sinh học PLOS.

Huyền Thế

Chủ đề khác