VnReview
Hà Nội

Mỹ theo đuổi dự án áp đảo tên lửa diệt tàu sân bay của Trung Quốc

Tàu sân bay là một trong những niềm tự hào về sức mạnh quân sự của người Mỹ trong hàng chục năm qua. Song chúng đang gặp nhiều nguy hiểm trước các tên lửa diệt hạm của người Hoa.

Tên lửa DF-21D có thể tiêu diệt các chiến hạm trong bán kính 1.500 km

Theo Military, Mặc dù chưa được thực chiến lần nào, nhưng các tên lửa diệt hạm có biệt danh "sát thủ tàu sân bay" DF-21 là một mối đe doạ mà người Mỹ không thể không bận tâm. DF-21 gần như không thể bị đánh chặn khi đã đạt tốc độ tối đa Mach 10 vào pha cuối cùng trước khi đánh trúng mục tiêu. Ngoài ra, nếu một quả tên lửa không đủ để diệt một tàu sân bay thì 2 - 3 quả được phóng liên tiếp cũng vẫn làm được điều đó.

Cho đến nay, Trung Quốc đã phát triển rất nhiều thế hệ tên lửa DF song mối lưu tâm lớn nhất vẫn là phiên bản có khả năng diệt hạm DF-21D có tầm bắn 1.500 km (thấp nhất trong các phiên bản). Lý do của việc này vì DF là dòng tên lửa đạn đạo, có quỹ đạo tương đối khó điều chỉnh hơn các tên lửa hành trình (dễ điều chỉnh đường bay nhưng tầm bắn thấp hơn).

Quá trình thay đổi mục tiêu của DF-21D chỉ có thể diễn ra ở các giai đoạn trước khi vào pha cuối (phóng lên, tách tầng, đi vào không gian...). Khi càng gần pha cuối thì việc điều chỉnh quỹ đạo ngày càng khó. Do đó, để có thể chủ động điều chỉnh ngay từ đầu, quân đội Trung Quốc cần có càng nhiều hệ thống hỗ trợ định vị càng tốt. Và điều này chỉ khả thi nhất đối với các mục tiêu gần bờ, nơi mà Trung Quốc có thể tự do đặt các trạm radar hoặc vệ tinh theo dõi của chính họ.

Clip minh hoạ các tấn công của DF-21

Màu đỏ là bán kính tấn công của DF-21

Vì thế đến thời điểm này, DF-21D tuy chưa thể vươn đến mọi mục tiêu trên toàn cầu nhưng chúng khiến cho khả năng tác chiến của Mỹ ở khu vực Đông Á - Đông Nam Á bị giảm đi đáng kể. Cách tốt nhất để đối phó với DF-21D lúc này là... tránh xa các vùng biển gần Trung Quốc nếu chẳng may 2 nước có xung đột vũ trang.

Song cách này không được xem là hiệu quả vì như thế đồng nghĩa với mất năng lực chiến đấu. Nguyên do vì đa số các máy bay chiến đấu có thể dùng trên tàu sân bay có tầm bay chỉ khoảng 2.000 km. Nếu tàu sân bay đậu ở quá xa, người Mỹ sẽ mất đi đáng kể năng lực tác chiến không quân của họ. Đặc biệt Trung Quốc có lợi thế gần bờ và họ dễ dàng triển khai không quân hoặc tên lửa phòng không để đánh chặn các đợt không kích của đối phương.

Vậy Skunkworks là gì? Làm sao nó có thể đối đầu DF-21?

Nếu không thể xuất kích, tàu sân bay sẽ trở nên vô dụng

Thực chất, mục tiêu của Skunkworks không phải là các tên lửa hay hệ thống phòng vệ bờ biển của Trung Quốc. Hãng Lockheed Martin (Mỹ) thiết kế ra nó chỉ nhằm để kéo dài "tay chân" cho các tàu sân bay. Bằng cách tiếp liệu trên không cho các chiến đấu cơ, Skunkworks sẽ giúp nâng tầm hoạt động cho các thiết bị trên hơn. Tàu sân bay vẫn có thể neo đậu "an toàn" ở ngoài bán kính của DF-21D nhưng vẫn có thể tiến hành oanh kích vào các mục tiêu mặt đất phía Trung Quốc.

Bạn có thể hơi ngạc nhiên. Máy bay tiếp dầu thì có gì lạ? Chẳng phải Mỹ đã có sẵn máy bay tiếp dầu rồi sao? Đúng vậy, tiếp dầu trên không là khái niệm không có gì mới. Vấn đề ở đây là các máy bay tiếp dầu tính tới hiện tại đều rất lớn và cồng kềnh, chúng không thể cất cánh từ các tàu sân bay mà chỉ có thể đến và đi được từ các sân bay mặt đất. Và sân bay thì không thể... chạy, ngoại trừ tàu sân bay trên biển. Cho nên việc tiếp dầu trên thực tế lại bị hạn chế bởi vị trí của các sân bay trên mặt đất. Cho đến nay, chưa có phương tiện tiếp dầu trên không nào dùng được trên tàu sân bay. Và mục tiêu của Lockheed Martin chính là khắc phục điểm khuyết đó.

Mục tiêu của;Skunkworks là có thể vận hành được trên tàu sân bay

Skunkworks là tên mã của dự án trên. Mục tiêu của nó là thiết kế ra một loại máy bay không người lái (UAV), có khả năng vận hành trên tàu sân bay và có thể thực hiện tiếp dầu trên không cho các phương tiện khác. Cho đến nay, Lockheed Martin đã cơ bản làm ra mẫu UAV thử nghiệm đa chức năng có tên gọi X-47B và phiên bản chuyên biệt để tiếp dầu có tên gọi MQ-25A. MQ-25A chính là thứ mà người Mỹ kỳ vọng trong cuộc đối đầu này với Trung Quốc.

Rob Weiss, Tổng giám đốc dự án Skunkworks, nói với báo giới tại Washington DC rằng, công ty đang cố gắng thuyết phục Bộ Quốc phòng Mỹ sớm "làm các việc cần thiết để đẩy nhanh tiến độ chương trình để có thể đưa cỗ máy này đến với các chiến binh càng sớm càng tốt". Và công ty này không chỉ dừng lại tại đó, họ hy vọng nếu MQ-25A thể hiện tốt, sẽ có thêm nhiều đơn đặt hàng khác đến từ chính phủ. "Điều đó tuỳ thuộc vào Hải quân muốn tìm được cái gì khác ngoài một chiếc MQ-25A. Nó sẽ bắt đầu với vai trò tiếp dầu. Còn cái gì có thể xảy đến tiếp theo, chúng tôi sẽ lắng nghe khách hàng của mình để xem họ muốn gì".

Weiss hy vọng Hải quân Mỹ sẽ sớm gửi các bản đề xuất đặt hàng MQ-25 trong hè 2017 này.

Huyền Thế

Chủ đề khác