VnReview
Hà Nội

Việt Nam có thể đi đầu trong cách mạng công nghiệp 4.0

Ông Nguyễn Mạnh Hùng, Tổng Giám đốc Tập đoàn Viettel cho rằng cuộc cách mạng nào cũng chỉ có giá trị khi chúng ta làm những cái người khác chưa làm. Vì thế chúng ta hoàn toàn có thể đón nhận và đi đầu được trong cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4, hay còn gọi là cuộc cách mạng công nghiệp 4.0.

Quan điểm trên được ông Nguyễn Mạnh Hùng - Tổng giám đốc Tập đoàn Viễn thông Quân đội (Viettel) đưa ra tại diễn đàn "Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 – Được và mất" do Thời báo Kinh tế Việt Nam tổ chức ngày 7/4.

Trái với nhiều nhận định cho rằng Việt Nam sẽ khó có cơ hội nắm bắt cách mạng công nghiệp lần thứ 4, CEO Viettel lại quả quyết "cơ hội cho Việt Nam đang rất nhiều". Việt Nam vẫn có thể bắt kịp và đi trước trong cuộc cách mạng này khi có những sáng tạo dựa trên lợi thế cạnh tranh của mình.

 

 

Vị lãnh đạo Viettel cho rằng, Việt Nam đang có cơ hội rất lớn trong cuộc cách mạng này: "Nếu chúng ta nghĩ cuộc cách mạng lần thứ tư là cuộc cách mạng về công nghệ thì rất khó cho người Việt Nam. Nhưng, nếu chúng ta nhìn cuộc cách mạng này bằng sự phát hiện vấn đề và nhu cầu, thì người Việt Nam mình vô cùng may mắn, vô cùng có sức mạnh, vì chúng ta là nước thu nhập trung bình thấp, có rất nhiều vấn đề, có rất nhiều khát vọng và đó là lợi thế của Việt Nam".

Ông Nguyễn Mạnh Hùng, Tổng Giám đốc Tập đoàn Viettel

Theo ông Hùng, nếu nhìn cuộc cách mạng này là cuộc cách mạng của các doanh nghiệp lớn, của những người có nhiều tiền, của những người có nhiều công nghệ thì Việt Nam không có cơ hội. Tuy nhiên nếu nghĩ đây là cuộc cách mạng là của toàn dân, liên quan đến mọi người dân và mọi người dân đều tham gia được, của các doanh nghiệp siêu nhỏ chứ không phải các doanh nghiệp siêu lớn, thì cuộc cách mạng công nghệ 4.0 sẽ lại là lợi thế của Việt Nam.

"Chúng ta luôn nghĩ rằng Việt Nam rất khó đi trước, nhưng theo tôi, nếu lần này chúng tôi không đi đầu, không đi trước thì chúng ta không đón nhận được đó. Chúng ta chỉ đón nhận được nếu chúng ta đi đầu", Tổng Giám đốc Tập đoàn Viettel nhận định.

Ông Hùng;dẫn ví dụ việc rút ngắn thời gian xây dựng công nghệ kết nối mạng viễn thông. Nếu trước đây Việt Nam mất 20 năm để xây dựng mạng 2G; 10 năm để có được mạng 3G, nhưng khi tới công nghệ 4G lại chỉ mất 6 tháng để phủ sóng tận vùng sâu, xa với công nghệ mới nhất, dung lượng lớn...

Cùng đó, ông Nguyễn Hưng, Tổng Giám đốc Ngân hàng Tiên Phong cũng cho rằng để có thể chuyển mình và bắt kịp cuộc cách mạng này, lãnh đạo các doanh nghiệp phải hiểu về kỹ thuật số, doanh nghiệp phải được số hóa cao, ứng dụng các công nghệ mới (như BigData…) vào hoạt động kinh doanh.

Trao đổi tại diễn đàn, các chuyên gia cũng cho rằng để Việt Nam có thể bắt kịp cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, yếu tố quan trọng đó là còn phụ thuộc vào chính sách.

Ông Vũ Hoàng Liên, Chủ tịch Hiệp hội Internet Việt Nam thẳng thắn cho rằng Việt Nam còn nhiều hạn chế, khoảng cách để bắt kịp cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 so với thế giới, nhất là trong sáng tạo và sản xuất. Muốn bắt kịp phải có sự đột biến về chính sách.

Còn theo như nhìn nhận của tiến sỹ kinh tế Lê Đăng Doanh, cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 sẽ là động lực lớn để Việt Nam phải đổi mới tái cơ cấu.

"Chính phủ phải tạo hành lang để doanh nghiệp, startup công nghệ phát triển, đồng thời hỗ trợ doanh nghiệp truyền thống phát triển mạnh hơn", ông Mai Duy Quang, Phó chủ tịch Hiệp hội phần mềm và dịch vụ CNTT Việt Nam (VINASA) nhấn mạnh.

Tại phiên họp Chính phủ thường kỳ vào sáng 3/4 vừa qua, Thủ tướng Chính phủ cũng đã có ý kiến chỉ đạo: "Phải tận dụng cơ hội, có giải pháp hạn chế thách thức của CMCN 4.0. Các cấp, các ngành, trước hết là Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Thông tin và Truyền thông, các cơ quan báo chí, bản thân các tập đoàn, tổng công ty phải làm tốt công tác truyền thông, tăng cường nhận thức về CMCN 4.0, để toàn xã hội, từng người dân, mọi doanh nghiệp, mọi cơ quan, các tổ chức đều hiểu về thời cơ, thách thức của CMCN 4.0".

G.L

Chủ đề khác