VnReview
Hà Nội

Từ kit test nhanh đến thực phẩm an toàn

Trao đổi với Khám Phá, TS. Nguyễn Quốc Hùng, Phó trưởng phòng Nghiên cứu - Triển khai, Trung tâm dịch vụ phân tích thí nghiệm (CASE) thuộc Sở Khoa học và Công nghệ TP.HCM chia sẻ, việc áp dụng kit test nhanh để xác định chất cấm trong thực phẩm hoàn toàn có thể thực hiện được tại các chợ đầu mối.

Tuy vậy, quá trình phân tích bằng bộ kit test nhanh trên mẫu thực phẩm thường phải được chiết bằng dung dịch hỗ trợ (methanol, nước...) trước khi cho lên kit thử. Cách tiến hành cũng khác biệt giữa từng loại kit. Vì vậy, không phải người dân nào cũng có thể tự thực hiện được.

Kit test nhanh: Đã có nhưng khó đưa vào đời sống

Phương pháp kit test nhanh trên nền mẫu thực phẩm sẽ khó khăn vì nền mẫu thực phẩm thường rất phong phú và đa dạng. Mỗi nền mẫu sẽ có cách xử lý khác nhau. Để xử lý được các mẫu khó nên có một phòng thí nghiệm di động hay phòng thí nghiệm tại chỗ có nhiều thiết bị hỗ trợ (máy ly tâm, máy lắc, dụng cụ tách chiết, lọc, máy quang phổ...) sẽ tốt hơn. Trong trường hợp người dân muốn tự test thì họ phải được tập huấn để có được các kiến thức, kỹ năng cơ bản để thực hiện các thao tác thử bằng kit test nhanh.

Các mẫu dạng bột hoặc lỏng có thể test nhanh tại chỗ được. Nhưng ở dạng khối rắn, quá trình test rất mất thời gian vì phải băm nhuyễn, hoà tan...

Theo TS. Hùng, việc sử dụng kit test nhanh chỉ có tác dụng với một số nhóm hàng nhất định. Quá trình này chỉ có thể thực hiện nhanh chóng đối với mảng hóa chất. Với mảng vi sinh, nấm mốc thường tốn nhiều thời gian dài hơn và khó thực hiện hơn.

"Việc dùng kit test nhanh tại chỗ chỉ có thể áp dụng cho các sản phẩm dạng bột, dạng lỏng (vì có thể chiết ngay với dung dịch hỗ trợ mà không cần phải điều chế mẫu). Đối với các loại rau, củ quả, cá, thịt... là các nền mẫu đòi hỏi phải xay nhuyễn và làm đều mẫu trước khi chiết, chỉ có thể thực hiện trong phòng thí nghiệm", TS. Hùng phân tích.

Trao đổi thêm về kit test, ông Vũ Hàn Giang, Trưởng Phòng Nghiên cứu & Phát triển CASE nói: "Hiện nay, để sản xuất được kit test nhanh cần đầu tư tổng hợp về lĩnh vực hoá sinh bao gồm kỹ thuật tổng hợp hoá học, kỹ thuật tổng hợp kháng nguyên và kháng thể, cộng hợp enzyme, công nghệ phun, phủ kháng thể... và các trang thiết bị cần thiết để sản xuất". Vì các yếu tố trên, giá thành sau cùng của kit test trở nên rất cao. Nhưng yếu tố quan trọng hơn là nhu cầu của thị trường. Từ giai đoạn nghiên cứu cho tới khi sản xuất thành công kit test thường tốn rất nhiều thời gian. "Khó có thể làm được kit test chứa nhiều chỉ tiêu. Trong khi đó, nghiên cứu sản xuất được một kit test nhanh cho một chỉ tiêu nào đó, thì nhiều khi nhu cầu của thị trường đã không còn".

Chuyên gia của CASE đang điều chế mẫu để phân tích vi sinh

Chia sẻ chung quan điểm với CASE, PGS TS. Phạm Khánh Phong Lan, trưởng Ban Quản lý (BQL) VSATTP TP.HCM cho biết: Việc áp dụng kit test nhanh để phát hiện thực phẩm bẩn trên thực tế chỉ phù hợp cho các cơ quan chức năng trong các chiến dịch thanh tra, truy quét thực phẩm bẩn. Do đó, mặc dù rất ủng hộ việc người dân tự kiểm tra thực phẩm nhưng TS. Lan cho rằng điều đó là bất khả thi cả về mặt kinh tế lẫn trình độ chuyên môn.

TS. Lan nhấn mạnh thêm rằng, kit test nhanh chỉ là một trong các biện pháp để phát hiện thực phẩm bẩn. Đây chỉ là một công cụ bổ trợ mang tính sàng lọc, định tính chứ không có khả năng định lượng một cách chính xác xem nồng độ hoá chất đã vượt ngưỡng an toàn hay chưa. Quá trình phân tích muốn đảm bảo chính xác buộc phải nhờ tới các phòng thí nghiệm uy tín như CASE. Lấy ví dụ vụ nước mắm nhiễm Asen thì hầu như sản phẩm nào cũng sẽ phát hiện ra Asen, nhưng là Asen vô cơ hay hữu cơ; nồng độ có nguy hiểm hay không thì các kit này không phản ánh chính xác được.

Chống thực phẩm bẩn bằng... thực phẩm sạch

Nói rộng hơn về công tác phòng chống thực phẩm bẩn, trưởng BQL VSATTP nhấn mạnh rằng , người dân không nên chỉ quan tâm tới thực phẩm bẩn, mà quan trọng hơn, hãy tìm cách nhận biết đâu là thực phẩm sạch. Vì khi người dân chỉ tiêu thụ thực phẩm sạch thì thực phẩm bẩn nghiễm nhiên sẽ không tồn tại được. "Nhiệm vụ của ngành là phải chống phải chặn, phải cho thanh tra đi xử lý thực phẩm bẩn. Nhưng bên cạnh đó cũng phải khuyến khích thực phẩm sạch và chỉ ra cho người dân. Về phía Ban, chúng tôi sẽ tăng cường công tác truyền thông, trên trang web sẽ có công bố danh sách những chuỗi thực phẩm an toàn", TS. Lan nói về nhiệm vụ chính của Ban.

PGS TS. Phạm Khánh Phong Lan chia sẻ các vấn đề trong công tác VSATTP

Về việc rượu nhiễm methanol, TS. Hùng cho biết CASE đã và đang kiểm tra hàm lượng methanol trong các mẫu rượu do khách hàng mang đến. Tuy nhiên, hiện chưa có cách nhận biết các sản phẩm có nồng độ methanol vượt mức. Chỉ có thể kiểm tra methanol bằng các phương pháp sắc ký hiện đại hoặc chọn nhãn hiệu tin cậy. Hiện tại chưa có kit test nhanh cho việc xác định methanol trong rượu.

Chia sẻ về vấn đề này, bà Lan đề nghị nên tăng cường tuyên truyền cho người dân bỏ rượu. Vì ngoài những mẫu rượu đã được thanh tra, kiểm định đạt chuẩn, đa phần người dân vẫn sử dụng rượu tự pha chế vốn không đảm bảo các nguyên tắc VSATTP. Thậm chí hiện trạng rượu làm giả làm nhái cũng rất nhiều vì lý do lợi nhuận. Theo bà, tốt nhất không nên uống rượu vì các lợi ích mà mặt hàng này đem lại quá nhỏ bé so với các thiệt hại không chỉ về kinh tế, sức khoẻ mà còn dẫn tới nhiều mối lo khác về trật tự an toàn xã hội.

Theo KhamPha.vn

Chủ đề khác