VnReview
Hà Nội

Loài sâu sáp sẽ là vị cứu tính của rác thải ô nhiễm do con người gây ra?

Các nhà khoa học kì vọng phát hiện mới đây về sở thích ăn nhựa của một loài sâu sáp có thể giúp giải quyết cuộc khủng hoảng ô nhiễm rác thải làm từ nhựa đang khiến nhiều quốc gia đau đầu.

Theo Sky News, những người nuôi ong tại châu Âu thường căm ghét loài sâu sáp vì chúng hay phá hoại và đục thủng lỗ trên các tổ ong. Tuy nhiên, loài sâu sáp đáng ghét này lại có thể giúp chúng ta giải quyết được những núi rác thải làm từ nhựa đang ngày một cao thêm.

Cụ thể, Federica Bertocchini, một người nuôi ong kiêm nhà nghiên cứu khoa học tại Viện Công nghệ Sinh học tại Cantabria (Tây Ban Nha) đã vô tình phát hiện ra khả năng ăn rác thải làm từ nhựa vô cùng ấn tượng của loài sâu sáp. Trong quá trình chăm sóc tổ ong, cô Bertocchini đã bắt được một số con sâu sáp và bỏ chúng vào trong chiếc túi nhựa. Chỉ một thời gian ngắn sau, cô Bertocchini đã thấy chiếc túi nhựa của mình có nhiều lỗ thủng ;vì bị các con sâu sáp ăn.

Một bài kiểm tra tiếp theo đã được Đại học Cambridge (Anh) tiến hành bằng cách bỏ 100 con sâu sáp vào trong một chiếc túi siêu thị làm từ nhựa. Các nhà khoa học nhận thấy những lỗ thủng đã xuất hiện trên chiếc túi nhựa chỉ sau 40 phút và sau 12 giờ, 92 mg nhựa đã bị lũ sâu ăn hết.

So với vi khuẩn, hiệu suất tiêu hủy nhựa của loài sâu sáp ấn tượng hơn hẳn. Được biết, phải mất 1 ngày, các loài vi khuẩn mới tiêu hủy được 0,13 mg nhựa trên chiếc túi siêu thị.

Hiểu thêm về cách những con sâu sáp tiêu hóa nhựa có thể giúp chúng ta tìm ra được một biện pháp sinh học để giải quyết bài toán rác thải làm từ nhựa, nguồn ô nhiễm môi trường chính hiện nay. Hiện nay, 38% số lượng rác thải làm từ nhựa của châu Âu chỉ được xử lý bằng cách chôn lấp và có tới 8 triệu tấn rác thải làm từ nhựa được đổ thằng ra biển mỗi năm.

Paolo Bombeli, giáo sư tới từ trường Đại học Cambridge (Anh) cho biết, loài sâu sáp không hề ăn nhựa một cách máy móc. Những con sâu sáp đã sản xuất ra được một loại enzyme có thể phá vỡ liên kết hóa học của nhựa. Nhiều khả năng, loại enzyme này có trong tuyến nước bọt hoặc một loại vi khuẩn cộng sinh có trong ruột của sâu sáp.

"Các bước tiếp theo của chúng tôi là xác định quá trình phá vỡ liên kết hóa học của nhựa và tìm cách tách riêng ra loại enzyme đặc biệt của sâu sáp", ông Bombeli cho biết, "Nếu được, chúng tôi mong rằng có thể sản xuất loại enzyme này trên quy mô lớn bằng các phương pháp công nghệ sinh học".

Nguyễn Long

Chủ đề khác