VnReview
Hà Nội

Sợ niềm kiêu hãnh bị sứt mẻ, Trung Quốc cấm livestream trận đấu của kì thủ Ke Jie với AlphaGo

Chính phủ nước này đã cấm các đài phát thanh, truyền hình và các cá nhân, tổ chức livestream về trận đấu mà kì thủ cờ vây số một thế giới Ke Jie đã đại bại trước trí tuệ nhân tạo AlphaGo.

Ke Jie đã không thể đáp ứng được sự kì vọng của cả nhân loại khi đã tiếp tục để thua ván thứ 2, qua đó chính thức thất bại;trước trí tuệ nhân tạo AlphaGo của Google.

Theo Guardian, cuộc so tài giữa AlphaGo, "siêu kì thủ" của Google và kì thủ số một thế giới người Trung Quốc Ke Jie đang là chủ đề nóng nhất trong những ngày vừa qua. Tuy nhiên, phần lớn người Trung Quốc thậm chí còn không được xem trận đấu một cách trực tiếp.

Chính phủ Trung Quốc đã đưa ra một thông báo kiểm duyệt tới các đài phát thanh, truyền hình và xuất bản trực tuyến, cảnh báo họ không livestream về trận đấu hôm thứ Ba vừa qua, theo China Digital Times. Nội dung thông báo có đoạn:

"Tất cả các website, không có ngoại lệ, không được phép phát sóng trực tiếp các ván đấu giữa Ke Jie và AlphaGo. Nếu đã đăng lên, xin vui lòng gỡ xuống ngay lập tức",  Không chỉ vậy, các tổ chức không được tường thuật trực tiếp dưới bất kỳ hình thức nào: bình luận bằng text, qua mạng xã hội hay đài phát thanh và truyền hình.

Có vẻ như chính phủ lo ngại rằng thất bại của Ke Jie sẽ gây ra tổn thất nặng nề đến niềm kiêu hãnh của quốc gia, nơi cờ vây được dành sự tôn trọng tuyệt đối.

Sau khi chính thức thất bại trước AlphaGo, Ke Jie có nói: "Trận hôm nay quá khác với trận đầu tiên. AlphaGo đã có những nước đi trái với dự đoán của tôi về cách mà nó giành chiến thắng. Tôi đã nghĩ mình sẽ nắm chắc phần thắng khi đấu đến giữa trận, nhưng đó không phải là điều AlphaGo nghĩ. Tôi hơi buồn và nuối tiếc vì nghĩ mình đã chơi thực sự tốt".

 

Ván đấu thứ hai giữa Ke Jie và AlphaGo, được đăng tải trực tiếp tại kênh Youtube của Deepmind

Trong ván đấu này, Ke Jie là người đã liên tục gây sức ép, nhưng AlphaGo đều đã hóa giải một cách xuất sắc toàn bộ các đòn tấn công của kì thủ số một thế giới, dần dần phá vỡ thế trận và buộc đối thủ của mình phải chấp nhận thua cuộc.

Hồi năm 2016, khi AlphaGo đánh bại kỳ thủ Hàn Quốc Lee Se-dol, Ke Jie – một trong những đối thủ mạnh nhất của Lee Se-dol trong một trả lời phỏng vấn đã nói rằng anh "sốc, không nói nên lời". Kỳ thủ 19 tuổi này đã công khai thách đấu với chương trình máy tính của Google trên mạng xã hội Weibo của Trung Quốc. "Ngay cả AlphaGo có thể hạ Lee Se-dol thì nó cũng sẽ không thắng nổi tôi".

Cờ vây kể từ khi ra đời tại Trung Quốc 700 năm trước Công nguyên, là một trong bốn nghệ thuật mà bất kì một quý ông uyên bác người Trung Quốc nào cũng phải thành thạo, đó là: cầm, kì, thi, họa.

Cờ vây được chính thức công nhận tại Nhật Bản, khi nó xuất hiện ở thế kỉ 7. Đất nước này đã phát triển một hệ thống đào tạo nhân tài cờ vây, và trong hàng trăm năm liền các kì thủ sẽ so tài với nhau để có được vinh dự chơi cờ với sự hiện diện của các Shogun (Đại tướng quân, người nắm quyền cao nhất trong chính quyền Nhật Bản lúc bấy giờ).

Ở Hàn Quốc, kể từ thế kỉ 5, khi trò chơi bắt đầu xuất hiện tại quốc gia này, các kì thủ cờ vây cấp cao đều được coi như những người nổi tiếng và được dành sự tôn trọng nhất định. Nhưng khác Trung Quốc, Chiến thắng của AlphaGo trước Lee Sedol, người được mệnh danh là "Roger Federer của cờ vây" đã được các phương tiện truyền thông đồng loạt đưa tin khắp cả khu vực.

Bất chấp lệnh cấm, một số trang web của Trung Quốc vẫn tìm cách tường thuật lại trận đấu, bằng cách này hay cách khác, nhưng chủ yếu là mô phỏng các nước đi dựa theo diễn biến của trận đấu. Tuy nhiên, việc đăng tải các hình ảnh trực tiếp từ trận đấu là điều bất khả thi.

DeepMind, công ty con của Google, chủ sở hữu của AlphaGo có truyền hình trực tiếp các trận đấu trên trang Youtube của mình, nhưng trang này cũng đã bị chính phủ Trung Quốc chặn lại, cùng với những dịch vụ khác của Google.

Văn Hoàn

Chủ đề khác