VnReview
Hà Nội

"Trầm cảm sau khi sinh" là gì, nguy hiểm như thế nào?

Chỉ sau khi những sự việc đau lòng như ở Thạch Thất, Hà Nội xảy ra, chúng ta mới không khỏi bàng hoàng trước những hiểm họa mà bệnh trầm cảm có thể gây ra nếu không được ngăn chặn một cách kịp thời.

Cách đây vài ngày có một vụ án người mẹ trẻ (sinh năm 1998) tại Thạch Thất, Hà Nội đã tước đoạt mạng sống của đứa con mới 33 ngày tuổi của mình. Nguyên nhân ban đầu được xác định là do người mẹ bị mắc chứng trầm cảm sau khi sinh. Từ đây, dư luận có rất nhiều những phản ứng trái chiều về sự việc, nhưng chủ yếu được chia thành hai nhóm chính: những người kịch liệt lên án người mẹ cho rằng trầm cảm không phải là lí do chính đáng để một người mẹ có thể nhẫn tâm với con mình đến vậy, và những người đồng cảm với người mẹ vì chính họ cũng từng là nạn nhân của bệnh trầm cảm.

Không dễ đánh giá chuyện đúng sai của những luồng ý kiến này, bởi vì ai cũng có những lí lẽ riêng để bảo vệ quan điểm của mình. Tuy nhiên, có thể khẳng định rằng số người đồng cảm với người mẹ ấy không hề nhỏ một chút nào. Họ đã từng bị trầm cảm sau khi sinh, vượt qua nó và chia sẻ những kinh nghiệm của mình. Vậy chuyện gì sẽ xảy ra nếu có người không vượt qua được? Liệu có còn những đứa trẻ vô tội khác bị mất đi quyền được sống của mình hay không?

Theo nghiên cứu của các nhà khoa học, khoảng 40 đến 80% những người lần đầu tiên sinh con sẽ mắc phải hội chứng gọi là "baby blues". Những người mắc hội chứng này sẽ luôn trong tình trạng mệt mỏi, mất ngủ, lo lắng và nóng nảy. Nguyên nhân chủ yếu là do các hormone thai kì giảm xuống và cơ thể bắt đầu tiết sữa, cùng với sự suy giảm cả về thể lực lẫn tinh thần sau khi sinh. Thông thường, nó sẽ tự biến mất sau khoảng 1 đến 2 tuần. Tuy nhiên, nếu các triệu chứng vẫn tiếp tục tồn tại qua khoảng thời gian này, nhiều khả năng bạn đã mắc bệnh trầm cảm sau khi sinh (Postpartum Depression – PPD).

Trầm cảm sau khi sinh là gì?

Đôi khi, việc phân biệt bệnh trầm cảm lâm sàng với những căng thẳng bình thường là rất khó. Nhưng nếu những cảm giác buồn bã và tuyệt vọng của bạn mạnh mẽ đến nỗi bạn không thể làm được gì cả, kể cả những công việc thường ngày – chẳng hạn như tự chăm sóc bản thân và những người xung quanh – có thể bạn đã mắc PPD.

Khoảng 10% những người mẹ lần đầu sinh con mắc bệnh trầm cảm sau khi sinh, nhưng nhiều chuyên gia tin rằng con số này thậm chí còn lớn hơn, vì nhiều phụ nữ chọn cách chịu đựng thay vì đi điều trị ở các cơ sở y tế.

Theo Hiệp hội Tâm thần học Mỹ, trầm cảm sau khi sinh có thể bắt đầu từ những tuần đầu tiên sau khi đứa bé ra đời, hoặc thậm chí là khi đang mang thai. Khoảng 50% số người mắc bệnh PPD có những triệu chứng của bệnh khi đang mang thai.

Các triệu chứng của bệnh cụ thể ra sao?

Buồn bã và mệt mỏi là những triệu chứng rõ rệt nhất của bệnh trầm cảm

Bạn có thể đã mắc PPD nếu bạn trải qua ít nhất 5 biểu hiện trong số các biểu hiện dưới đây gần như mỗi ngày, trong vòng ít nhất là 2 tuần:

- ;       Cảm thấy vô cùng buồn bã, trống trải, tuyệt vọng.

-         Khóc nhiều

-         Mất đi sự hứng thú kể cả khi làm những việc mà bạn yêu thích

-         Khó ngủ, mất ngủ

-         Mất khẩu vị hoặc thèm ăn không kiểm soát được

-         Gặp khó khăn trong việc tập trung hay đưa ra quyết định

-         Cảm thấy mình không đáng sống

Ngoài ra còn có một số triệu chứng khác của bệnh trầm cảm, bao gồm:

-         Nóng nảy, dễ mất bình tĩnh

-         Trốn tránh bạn bè và gia đình

-         Cảm thấy chán ghét con của mình, hoặc không muốn chăm lo cho con mình

-         Mệt mỏi đến nỗi không thể rời khỏi giường trong hàng giờ đồng hồ

Trong một số trường hợp đặc biệt, người mẹ có thể bị ảo giác, dẫn đến những quyết định cực đoan tương tự như vụ án ở Thạch Thất mới đây.

Nguyên nhân gì dẫn đến bệnh trầm cảm sau khi sinh?

PPD là kết quả của sự kết hợp giữa các nội tiết tố, môi trường xung quanh, cảm xúc và di truyền. Một số người có thể cảm thấy rằng họ có trách nhiệm nào đó khi bị trầm cảm, nhưng thực ra thì sự xuất hiện của nó hoàn toàn không nằm trong tầm kiểm soát của bạn.

Bạn cũng nhiều khả năng bị mắc bệnh trầm cảm sau khi sinh nếu trong quá trình mang thai bạn thường xuyên phải lo lắng hay suy nghĩ quá nhiều. Các yếu tố khác tác động đến sự hình thành và phát triển của PPD còn có sự mệt mỏi về thể chất sau khi sinh, gánh nặng về cảm xúc khi phải bắt đầu làm cha mẹ và thiếu ngủ.

Đứa con ngây thơ cũng có thể trở thành cái gai trong mắt của người mẹ bị trầm cảm

Sự khác biệt giữa trầm cảm sau khi sinh và trầm cảm thông thường là gì?

Giống như cái tên của nó, điểm khác biệt lớn nhất của trầm cảm sau khi sinh và trầm cảm thông thường chính là thời điểm. PPD chỉ xảy ra trong thời gian mang thai và sau khi đẻ con. Không giống các trầm cảm khác, PPD có mối liên hệ chặt chẽ với các sự thay đổi của hormone xảy ra sau khi sinh. Các nhà nghiên cứu cho rằng sự thay đổi đột ngột về lượng hormone sau khi sinh con có thể gây trầm cảm ở những phụ nữ nhạy cảm với sự biến đổi về các nội tiết tố estrogen và progesterone.

Tôi có nguy cơ bị trầm cảm sau khi sinh hay không?

Câu trả lời là có. Bất kì phụ nữ nào cũng có thể là nạn nhân của PPD. Tuy nhiên, có một số yếu tố ảnh hưởng đến tỉ lệ mắc bệnh:

-         Có sự kiện đau buồn xảy ra trong thời gian mang thai hoặc sau khi sinh

-         Từng có kí ức không tốt về sinh đẻ trong quá khứ

-         Không có sự quan tâm của cộng đồng và những người thân xung quanh

-         Tiền sử mắc các bệnh trầm cảm

-         Sinh nhiều con cùng một lúc (sinh đôi, sinh ba,…)

-         Sinh con ngoài ý muốn (bị hiếp dâm, bị bạn đời bỏ rơi,…)

-         Thiếu thốn về mặt kinh tế

-         Sống độc thân

Hãy lưu ý rằng những yếu tố này không thực sự gây nên bệnh trầm cảm sau khi sinh. Nhiều phụ nữ có nhiều yếu tố kể trên thì không bị bệnh, trong khi có người chỉ cần có một (hoặc thậm chí không có) là đủ để bị PPD.

Việc chữa trị bệnh trầm cảm sau khi sinh ra sao?

Các chuyên gia tâm lý cho rằng nếu bạn nhận thấy mình có thể đã hoặc đang mắc bệnh trầm cảm sau khi sinh, hãy ngay lập tức tìm đến các bác sĩ và các cơ sở y tế có uy tín để tiến hành kiểm tra trước khi mọi chuyện trở nên quá muộn màng và gây ra những hậu quả không đáng có.

Văn Hoàn

Tổng hợp

Chủ đề khác