VnReview
Hà Nội

Android - Từ khởi nghiệp lao đao đến nền tảng điện toán phổ biến nhất thế giới

Năm 2004, Andy Rubin thực hiện một gọi khẩn cấp cho bạn của mình, Steve Perlman.

Một bức vẽ về Andy Rubin

Android, "đứa con" khởi nghiệp của Rubin, khi ấy đang gặp rắc rối. Rubin không muốn phải hỏi đến chuyện tiền nong một lần nữa, nhưng tình hình lúc đó thật thảm hại.

Công ty sản xuất phần mềm di động Android rơi vào cảnh hết vốn trong khi các nhà đầu tư lại chẳng mấy mặn mà.

Perlman đồng ý chuyển một khoản tiền cho Rubin ngay khi có thể.

"Nếu có thể sớm hơn một chút thì thật tốt",;Rubin căng thẳng nói. Ông đã nhiều lần trì hoãn việc thanh toán tiền thuê văn phòng của Android và bị chủ nhà dọa đuổi.

Perlman đến ngân hàng rút 10.000 USD loại tiền 100 USD và giao lại Rubin. Ngày hôm sau, ông lại chuyển thêm một khoản tiền, con số chính xác không được tiết lộ, để thêm vào khoản vốn cấp cho Android.

"Tôi làm thế vì tôi tin và tôi muốn giúp Andy", Perlman chia sẻ với Business Insider.

Nhờ số tiền mới nhận được, Rubin đưa Android trở lại quỹ đạo hoạt động. Ông đảm bảo được nguồn vốn và chuyển nhóm của mình đến một văn phòng rộng hơn ở Palo Alto, California – một trung tâm công nghệ trên bờ Tây nước Mỹ.

Ngày nay, Android có mặt trên khoảng 85% tổng số điện thoại thông minh trên toàn cầu, trong khi iPhone chỉ chiếm 11%. Hãng có ý định "lấn sân" sang đồng hồ đeo tay, ô tô và TV. Không khó để tưởng tượng ra viễn cảnh khi Android sẽ hiện diện trong mọi thiết bị từ lò sưởi, bộ điều nhiệt cho đến chiếc bàn chải đánh răng.

Để chiếm được 85% thị trường điện thoại thông minh, Rubin đã phải đánh bại hai tập đoàn công nghệ có doanh thu và lợi nhuận cao nhất trong ngành là Microsoft và Apple. Ông còn phải cạnh tranh với các nhà mạng không dây bảo thủ, phải thuyết phục các nhà sản xuất điện thoại tin vào tầm nhìn của mình.

Rubin không phải làm việc đó một mình. Ông nhận được nhiều sự trợ giúp từ phía các nhà đầu tư trong đó có Perlman và sự hỗ trợ lớn từ Google.

Sau đây là câu chuyện về Android dựa trên những cuộc phỏng vấn mà trang Business Insider thực hiện đối với một số nguồn tin, là những người đồng hành cùng Android ngay từ những ngày đầu.

Một ý tưởng bất khả thi

Trong suốt sự nghiệp 29 năm của mình tại Thung lũng Silicon, Andy Rubin nổi tiếng là một thiên tài kỹ thuật, một doanh nhân tài giỏi và là một nhà lãnh đạo nhiệt huyết.

Trên hết, Rubin là một doanh nhân đam mê sáng tạo, dù là viết code hay chế tạo rô bốt.

Tài năng kỹ thuật của Rubin có thể dễ dàng được nhìn thấy tại Tòa nhà 44 thuộc khuôn viên Google, nơi Android phát triển. Ở đó, ông đã dành khoảng thời gian rảnh rỗi của mình vào việc lập trình cánh tay rô bốt "khổng lồ" để pha cà phê mỗi khi ông gửi tin nhắn tới. Cỗ máy được đặt tại tầng 2 của Tòa nhà 44 và nó đủ lớn để có thể nhấc bổng cả những chiếc xe, một cựu nhân viên Google cho biết.

Một trong những dự án khác của Rubin là chiếc máy bay trực thăng điều khiển từ xa đậu trên bãi cỏ của Google.

Sumit Agarwal, cựu Nhóm trưởng Quản lý Sản phẩm di động của Google, cho biết: "Chiếc trực thăng khổng lồ trị giá 5.000 USD. Rubin đã thử lái nó, cất cánh và ‘nhào lộn'. Tuy không phát nổ, nhưng chiếc trực thăng đã gãy nát trên bãi cỏ ngay trước Toà nhà 44".

Khá lâu trước khi Rubin có thể thoải mái tạo ra những chú rô bốt khổng lồ tại Google, ông phải chứng minh rằng mình có thể hiện thực hóa những ý tưởng điên rồ của mình. Một trong những ý tưởng ngông cuồng nhất là xây dựng một hệ điều hành cho điện thoại đầu những năm 2000.

Khi ấy, các nhà mạng kiểm soát tất cả mọi thứ, từ cách quảng bá điện thoại tới giá bán. Họ "chiếm thế thượng phong" và quyết tâm giữ vững vị thế  này. Các nhà mạng không muốn bất kỳ công ty nào – dù lớn hay nhỏ – động chạm đến lợi nhuận của họ và đó là lý do tại sao gần như cả ngành công nghệ đều nghĩ ý tưởng của Rubin là bất khả thi, theo những nguồn tin từng làm việc tại Google từ những ngày đầu Android phát triển.

Trong khi hệ thống của các nhà mạng thường đóng và tách biệt, Android là một phần mềm nguồn mở. Thuật ngữ "mã nguồn mở" có nghĩa là bất kỳ ai cũng có thể lấy mã nguồn gốc của Android và sử dụng trên các thiết bị của mình một cách miễn phí. Bất cứ ai cũng có thể thao tác trên code đó hoặc sửa đổi nó.

Ban đầu, Rubin thiết kế Android cho máy ảnh nhưng không thể lôi kéo các nhà đầu tư. Do vậy, ông đã hợp tác với Chris White, người trước đó thiết kế giao diện cho WebTV, và Nick Sears, cựu Giám đốc Tiếp thị của T-Mobile từng làm việc với ông khi ra mắt Danger Hiptop, hay T-Mobile Sidekick. Rubin giải thích ý tưởng của mình là tạo ra một hệ điều hành mã nguồn mở cho điện thoại. Rich Miner, người đồng sáng lập Android, người phụ trách nhóm đầu tư Bờ Đông tại Google Ventures, đã tham gia nhóm vào tháng 2/2004.

Chiếc T-Mobile Sidekick đầu tiên

Khi nhóm Android đưa ý tưởng tới các nhà đầu tư, kế hoạch kinh doanh ban đầu là cung cấp phần mềm miễn phí cho các nhà sản xuất điện thoại. Các nhà mạng sau đó có thể đặt hàng điện thoại từ các nhà sản xuất chạy phần mềm mở của Android và họ có thể đặt tên hoặc thay đổi cho phù hợp. Android, sau đó, bán "các dịch vụ giá trị gia tăng" cho các nhà mạng để toàn quyền sử dụng phần mềm đó, một nguồn tin nói.

Mô hình kinh doanh này được thiết kế nhằm thu hút sự quan tâm từ phía các nhà mạng. Tuy nhiên, vấn đề nằm ở chỗ rất khó để kinh doanh thành công sản phẩm di động bởi các nhà mạng không muốn từ bỏ sự kiểm soát của mình. Chiếc điện thoại đầu tiên của Rubin, T-Mobile Sidekick, thành công là nhờ T-Mobile đã đồng ý bán và thay đổi thương hiệu. Hầu hết các teen sở hữu Sidekick thậm chí còn không biết công ty Danger của Rubin là gì. Họ chỉ biết rằng mình chỉ có thể mua được điện thoại thông qua T-Mobile. Đối với những khách hàng muốn mua điện thoại thì đó là sản phẩm của T-Mobile hơn là của Danger.

Có một điều chắc chắn, đó là chính sách của Rubin cho phép các nhà mạng thoải mái quảng cáo các sản phẩm và dịch vụ của mình nhưng vẫn yêu cầu họ phải chia sẻ quyền lợi trên thị trường điện thoại di động cho Android. Và các nhà mạng không dễ dàng đồng ý với một ý tưởng như thế.

Môi trường "bất khả xâm phạm" đó có thể hạ gục bất kỳ một CEO nào – Rubin thì không.

"Ngay cả khi mọi chuyện trở nên thực sự tồi tệ, bạn cũng không bao giờ được bỏ cuộc", một nguồn tin mô tả phản ứng của Rubin khi đối mặt với những nhà mạng khó tính. "Đó là cách những người thành công làm việc".

Hầu hết mọi người đều nghĩ Rubin là kẻ điên rồ. Perlman, người quen Rubin khi cả hai đang làm việc tại Apple đầu những năm 1990, nhớ lại chuyện vô tình gặp một nhà đầu tư tại siêu thị Whole Foods năm 2003 và hỏi anh ta nghĩ gì về dự án nguồn mở của Rubin.

"Anh ta nói ‘Thôi nào, Steve. Anh ta phải bán ít nhất một triệu chiếc mới mong hòa vốn'", Perlman nhớ lại. ‘‘‘Anh ta chỉ đang cố đấm ăn xôi mà thôi'".

Năm 2014, các chuyên gia phân tích ước tính đã có hơn 1 tỷ điện thoại Android được bán ra.

Người đàn ông đứng sau ý tưởng

Andy Rubin

Rubin tốt nghiệp trường Cao đẳng Utica ở ngoại ô New York. Trước khi phát triển Android, ông đã có một sự nghiệp lâu dài trong lĩnh vực công nghệ, bắt đầu tại Carl Zeiss Microscopy, nơi ông làm việc với tư cách một kỹ sư phát triển khoảng 1 năm, từ 1986 đến 1987.

Theo tờ New York Times, sau khi rời khỏi Carl Zeiss, Rubin chuyển đến Thụy Sĩ và làm việc cho một công ty về khoa học người máy. Trong kỳ nghỉ tại quần đảo Cayman năm 1989, Rubin đã gặp một kỹ sư của Apple tên là Bill Caswell.

Rubin hầu như không biết Caswell, nhưng đã cho ông ta trú nhờ sau khi bị đuổi khỏi ngôi nhà tranh ven biển vì tranh cãi với bạn gái, tờ Times đưa tin.

Nhờ vậy mà Rubin nhận được việc tại Apple, nơi ông làm kỹ sư phần mềm từ năm 1989 đến 1992. Tình yêu dành cho rô bốt của Rubin cũng được biết đến tại Apple – ông thậm chí còn được đặt biệt danh là Android (một rô bốt có ngoại hình giống người), theo The Verge.

Khi ấy, Rubin còn là một người thích đùa cợt. Ông từng gây rắc rối khi lập trình hệ thống điện thoại nội bộ của Apple như thể vị CEO khi đó là John Sculley đang gọi cho đồng nghiệp của Rubin để thông báo về những khoản trợ cấp đặc biệt, The New York Times đưa tin.

Rubin và Perlman, lúc bấy giờ là Giám đốc điều hành của một công ty có tên Artemis Networks phát triển giải pháp thay thế mạng không dây truyền thống, sau đó đã rời Apple để làm việc cho General Magic – một công ty con tách ra khỏi Apple vào đầu những năm 1990. General Magic có danh tiếng nhờ tạo ra một máy tính cá nhân cầm tay từng được một số người gọi là tiền thân của điện thoại thông minh hiện đại.

Rubin làm việc tại General Magic từ năm 1995 đến 1997, đến khi ông rời đến WebTV (WebTV sau này đã được Microsoft mua lại và trở thành MSN TV). Perlman thành lập WebTV và cùng với Rubin đến làm việc tại Microsoft. Sau khi rời khỏi Microsoft vào năm 1999, Rubin thành lập công ty riêng có tên Danger, nơi phát minh ra T-Mobile Sidekick.

Rubin không biết đây là bước đột phá trong sự nghiệp của mình và mang đến cơ hội khởi nghiệp được Google hỗ trợ.

Google gõ cửa

Larry Page

Trong khi nhiều người cho rằng ý tưởng của Rubin đối với Android là điên rồ thì Larry Page lại là một trong những người ủng hộ ông từ những ngày đầu tiên.

Người đồng sáng lập Google đang là Chủ tịch phụ trách sản phẩm của hãng khi biết đến dự án Android của Rubin. Ông yêu cầu một nhân viên của Google liên hệ với Rubin và đây có thể được xem là cuộc gọi quan trọng nhất cuộc đời Rubin.

Google nói với Rubin là đã nghe đến Android và muốn "hỗ trợ". Page từng gặp ông khi tham gia hội đồng sinh viên tại Đại học Stanford.

Trong tuần đầu tiên tháng 1/2015, Rubin và Sears lái xe đến trụ sở chính của Google tại Mountain View. Họ ngồi với Page và người đồng sáng lập Google Sergey Brin và Georges Harik, một cố vấn của Google Ventures và một trong 10 nhân viên đầu tiên của công ty.

Page mặc một chiếc áo T-shirt và quần jean. Brin không mang giày nhưng lại đeo một chiếc đồng hồ Disney bằng nhựa trên cổ tay. Ông ngồi gần hai bình kẹo và bốc một nhúm cho vào miệng.

Page không lãng phí thời gian, ngợi khen những gì Rubin đã làm trước đây. Ông gọi T-Mobile Sidekick là một trong những chiếc điện thoại tuyệt nhất mình từng thấy.

Sergey Brin

Brin chen ngang với một vài câu nói đùa. Ông nói chuyện với Rubin về công nghệ tạo ra Sidekick.

Nhưng cuộc gặp này không chỉ để tán dương Rubin, Brin còn muốn thử ông. Brin không ngừng hỏi Rubin về những gì ông có thể làm để Sidekick tốt hơn và lý do tại sao ông lại chọn việc làm ra điện thoại theo cách mình đã làm.

Đây không phải là cuộc trò chuyện đơn thuần mà là cuộc thăm dò hợp tác.

Khi Rubin và Sears rời khỏi buổi gặp mặt, có một điều rõ ràng là Gooogle rất quan tâm đến Android nhưng lại không rõ vì sao.

Google là bạn hay thù? Liệu có phải họ đang phát triển phần mềm di động cho riêng mình và tìm cách học hỏi từ đối thủ?

45 ngày sau, khi Google gọi lại cho Rubin để thông báo về cuộc gặp mặt lần thứ hai, ý định của Page đã trở nên rõ ràng. Lần này, tất cả bốn nhà sáng lập Android đều tham gia và họ mang theo một phiên bản prototype của phần mềm.

Harik đi thẳng vào vấn đề: Google muốn mua Android.

Bốn nhà đồng sáng lập Android trở nên bất đồng quan điểm. Android đang rất cần tài trợ. Rubin, Chris White và Sears có chung ý kiến. Nhưng Rick Miner, người đồng sáng lập bây giờ đang làm việc tại Google Ventures lại không muốn thay đổi.

Cuối cùng, Android chấp nhận lời đề nghị của Google với mức giá được cho là 50 triệu USD. Khoảng 6 tháng sau buổi gặp đầu tiên với Google hồi tháng 1, nhóm Adroid chuyển tới Googleplex ngày 11/7/2005.

‘Mô hình mới'

Trụ sở của Android thuộc Toà nhà 44, là nơi nhóm nghiên cứu chuyển đến hồi tháng 4/2006 sau một thời gian làm việc ở Toà nhà 41, không giống các khu vực khác của Google. Một người ngoài hành tinh cylon trong phim Tử chiến liên hành tinh canh gác ở lối vào. Không gian làm việc gồm đầy những đồ đạc, linh kiện và rô bốt.

"[Android] có phần ‘không sẵn sàng' để trở thành một phần của Google", một nhân viên nói.

Google thường kiểm tra từng đoạn code trước khi đưa vào sản phẩm nhằm nâng cao chất lượng code. Thế nhưng Android lại phản đối ý tưởng đó. Phải mất 1 hoặc 2 năm team Android mới cho phép Google làm như vậy.

Một cựu nhân viên Google mô tả Android là một "hòn đảo" bên trong Google khi những ngày đầu tiên nhóm hoạt động kín đáo với văn hóa của riêng mình.

"Tôi không hề nhận ra Rubin đang khởi nghiệp bên trong Google. Thật sự là vậy", một nguồn tin làm việc cùng Rubin nói.

Android KitKat

Tại thời điểm đó, chiến lược của nhóm Android khá xa lạ với các nhân viên của Google. Nếu ai đó cố giải thích ý tưởng về Android cho những nhân viên khác của Google trong khoảng thời gian 2005-2006 thì phản ứng nhận được cũng sẽ là "Chúc may mắn".

Trước khi có Android, Google tập trung nguồn lực mảng di động cho mục tiêu đưa các ứng dụng của mình vào các dòng điện thoại khác như Nokia hay Blackberry. Tuy nhiên, ý tưởng với Android là tạo ra một hệ điều hành riêng cho Google để phân phối các dịch vụ, bên cạnh việc tạo ra những ứng dụng Google cho các nền tảng khác.

"Mô hình đấy cũ rồi. Chúng tôi mới là mới", một nguồn tin chia sẻ.

Nhưng để phân phối Android, nhóm nghiên cứu tại Google cần phát triển điện thoại chạy trên phần mềm này. Sau đó, họ sẽ phải tìm một nhà mạng chịu bán điện thoại đó.

"Nếu bạn cho rằng chỉ cần ‘đứng lên' và làm ra một chiếc điện thoại, thì đó mới là một vế", một nguồn tin trước đây từng làm việc với Rubin cho biết. "Đó là những gì Apple đã làm. Chúng tôi cũng ‘đứng lên' và làm điện thoại nhưng sau đó chúng tôi phải xây dựng cơ sở hạ tầng, liên minh và quan hệ đối tác".

Đó là hợp tác cùng các nhà sản xuất chip, các nhà sản xuất điện thoại thông minh và các nhà mạng không dây.

Một nguồn tin từng làm việc cùng Rubin cho hay: "Rubin biết cách làm việc khéo léo với các nhà sản xuất OEM. Thông thường, những người đã làm kỹ sư rồi thì sẽ không thể ngồi trong phòng họp, lắng nghe ý tưởng từ các CEO được. Nhưng ông ấy có cả hai".

Google và nhóm Android đã cơ bản xây dựng được mẫu POC của chiếc điện thoại đầu tiên, G1. Họ muốn các đối tác tiềm năng biết được những gì Android có thể làm khiến họ muốn sử dụng trên điện thoại của mình.

Chiếc điện thoại G1, còn có tên gọi là HTC Dream

Không một nhà mạng nào muốn hợp tác cùng Google để ra mắt chiếc điện thoại Android đầu tiên vào năm 2007. Verizon từ chối, Sprint không mấy quan tâm, AT&T thì không trả lời thẳng vào vấn đề. Ngay cả T-Mobile, nơi sau này đồng ý ra mắt G1, ban đầu cũng từ chối.

"Đó là khoảng thời gian không mấy tươi sáng trong lịch sử của Android", một nguồn tin nói.

Các nhà mạng muốn bán nội dung trên điện thoại và giữ lại mọi lợi nhuận cho mình, vì vậy họ không muốn làm việc trực tiếp với bất cứ công ty nào. Họ giống như những người gác cổng, "chặn" giữa công ty sản xuất điện thoại và khách hàng, lại không sẵn sàng thỏa hiệp.

Nhóm Android hiểu rằng T-Mobile là nơi tốt nhất để đặt cược ở thời điểm đó.

Sau khoảng 6 tháng Android cố gắng thương thuyết với T-Mobile, nhà mạng này đã liên hệ lại và nói không muốn hợp tác với Google, theo một nguồn tin cho hay.

Rubin là một trong số ít những người tại Google biết rằng phi vụ hợp tác với T-Mobile đã thất bại.

"Ông ấy rất thất vọng, nhưng Andy không phải loại người dễ dàng để cho người khác biết suy nghĩ của mình", một nguồn tin nói. "Cũng có những người không từ chối thẳng thừng chúng tôi. Rubin chắc chắn là không thích, ông ấy biết đó là hướng đi triển vọng nhất và chúng tôi đã dành rất nhiều thời gian vào đó".

T-Mobile cuối cùng cũng đồng ý – phần lớn là nhờ nhà đồng sáng lập Android - Nick Sears - từng làm Giám đốc Marketing của nhà mạng này và đã thuyết phục được CEO Robert Dodson đồng ý hợp tác, một nguồn tin cho biết.

Sự kiện bất ngờ ‘thay đổi cuộc chơi'

Google cuối cùng cũng vượt qua được một trong những rào cản lớn nhất của mình. Họ tìm thấy một nhà mạng đồng ý ra mắt chiếc điện thoại Android đầu tiên. Tuy nhiên, khi Google đang thực hiện những điều chỉnh cuối cùng trên chiếc G1 thì một sự việc đã xảy ra: Apple ra mắt điện thoại thông minh.

Fred Vogelstein viết trong cuốn sách Dogfight: How Apple And Google Went To War And Started a Revolution (tạm dịch: Cuộc chiến Apple – Google và khởi nguyên cho cuộc cách mạng công nghệ): "Khi đó, Rubin đã thật kinh ngạc trước những gì Jobs vừa ra mắt đến mức, khi đang trên đường đến một buổi họp, ông yêu cầu lái xe tấp vào lề đường để xem hết bản tin".

"Thật tồi tệ", Rubin nói với một đồng nghiệp của mình khi đang trên xe, theo những gì được mô tả trong sách của Vogelstein. "Tôi đoán là chúng ta sẽ chẳng thể ra mắt điện thoại rồi".

Rubin và nhóm của ông đã thay đổi kế hoạch và cuối cùng ra mắt một chiếc điện thoại với nhiều điểm khác biệt so với bản ban đầu. Phiên bản đầu tiên của G1 không có màn hình cảm ứng, thay vào đó là bàn phím trượt được đánh giá là hấp dẫn hơn đối với các fan của BlackBerry. Apple là công ty đầu tiên tuyên bố màn hình cảm ứng sẽ là cách thức tương tác với máy tính được ưa chuộng trong tương lai gần.

"Đó là một bước ngoặt thay đổi cuộc chơi", một nguồn tin mô tả luồng dư luận bên trong Google khi chứng kiến sản phẩm Apple ra mắt. "Nó khiến chúng tôi phải xem lại kế hoạch từ đầu và đánh giá lại: Chúng tôi có muốn ra mắt một sản phẩm không có cảm ứng không? Chúng tôi đã phải lùi lại một bước và đưa ra quyết định".

Steve Jobs ra mắt chiếc iPhone đầu tiên.

Một cựu nhân viên của Google lại mô tả sự việc theo một cách khác. Theo Sumit Agarwal, cựu Trưởng phòng quản lý sản phẩm của Google, công ty đã phát triển các tính năng như pinch-to-zoom (dùng 2 ngón tay để phóng to, thu nhỏ nội dung) cho các thiết bị màn hình cảm ứng từ rất lâu trước khi iPhone được ra mắt.

Agarwal nói: "Mọi người đều nghĩ đó là một khoảnh khắc mang tính lịch sử. Có một điều mà tôi có thể nói là bị ảnh hưởng trực tiếp từ Apple, đó là mọi người đều muốn chuyển hoàn toàn sang hướng màn hình cảm ứng. Ai cũng biết đấy mới là tương lai. Tôi nghĩ Apple đã khiến Android đi theo hướng đó nhanh hơn".

‘Cuộc chiến chống lại iPhone'

Mặc dù nhóm Android phải lùi lại một chút, nhưng iPhone đã góp phần vào thành công của Android theo một cách đặc biệt.

iPhone ra mắt là sản phẩm độc quyền của AT&T và những ồn ào xung quanh việc ra mắt cũng đủ thuyết phục cả thế giới về tương lai lớn mạnh của nó.

Đến năm 2009, thành công ngày càng lớn của iPhone lại trở thành vấn đề đối với Verizon, một cựu nhân viên Google thuộc nhóm Android cho biết. Công ty chưa có được một chiếc điện thoại thông minh nào để có thể cạnh tranh được với iPhone.

iPhone đã đẩy các nhà sản xuất điện thoại và các nhà mạng về cùng phe với Android.

Các nhà mạng xem iPhone là mối đe dọa lớn nhất đối với mô hình kinh doanh của họ. Nhờ iPhone, Apple sở hữu mối liên hệ với khách hàng, chứ không phải AT&T. Và khách hàng đang có xu hướng chuyển từ các nhà mạng khác sang AT&T để có thể mua iPhone.

Do vậy, khi iPhone ra mắt, Android dễ dàng ký hợp đồng với các nhà mạng hơn trước.

So với iPhone, Android mang đến cho các nhà mạng cơ hội hấp dẫn hơn nhiều. Rubin và nhóm của ông mô tả Android là nền tảng cho các nhà phát triển, chứ không phải cho người tiêu dùng, khiến các nhà mạng và các nhà sản xuất điện thoại cảm thấy thoải mái hơn.

"Chiến lược vào thời điểm đó là ‘trả miếng'", một nguồn tin từng làm việc trong bộ phận Android của Google, cho biết. "Hãy xem những gì Android có là công cụ để chống lại iPhone trong việc ‘tống cổ' [các nhà mạng] ra khỏi ‘bàn tiệc'... Hãy tìm các điều khoản mà các nhà mạng thấy yên tâm rằng đó là cách giúp họ trong cuộc chiến chống lại iPhone".

Các nhà mạng có thể thay đổi điện thoại và thêm thương hiệu của họ vào. Việc này cho phép họ kiểm soát sản phẩm ở mức nhất định.

Chiến thắng vang dội đầu tiên của Android

Điện thoại Motorola Droid đầu tiên

Cho dù BlackBerry đã rơi xuống đáy vực trong thị trường smartphone, nhưng đây lại là đối thủ "đáng gờm nhất" trong đầu những năm 2000. iPhone trở nên mạnh hơn sau khi ra mắt năm 2007, còn Android vẫn "chưa là gì".

Verizon nhìn thấy mối đe dọa này rất rõ ràng nhưng chưa có câu trả lời. Motorola thì có.

Motorola đã phát triển một chiếc điện thoại trên nền tảng Android. Chiếc điện thoại không có được kiểu dáng đẹp như iPhone, trông hơi thô và có bàn phím trượt. Tuy nhiên, nó là sản phẩm không-phải-iPhone tốt nhất trên thị trường ở thời điểm ra mắt vào năm 2009.

Verizon đầu tư 100 triệu USD để marketing cho điện thoại của Motorola, với cái tên Droid đã được George Lucas (Chủ tịch hãng phim Lucasfilm đã đăng ký sử dụng từ "droid" trong lĩnh vực kinh doanh điện thoại) cấp phép. Droid thua iPhone về doanh số nhưng cũng đủ thành công để làm cho cả thế giới bắt đầu chú ý đến Android.

Nền tảng của Rubin bứt phá lên hàng chủ chốt và cuối cùng cũng ngang đẳng cấp với iPhone.

Jonathan Matus, cựu nhân viên của Google, từng là trưởng nhóm tiếp thị sản phẩm cho Android những năm 2007-2010, chia sẻ với Business Insider: "Tôi vẫn nhớ cảm giác vui sướng, ăn mừng khi team họp kín trong phòng chiến lược, chăm chú theo dõi bảng điều khiển và chứng kiến doanh số bán hàng tăng đột biến ngay ngày đầu tiên".

Andy Rubin ‘thần thánh'

Nếu bạn muốn hỏi chính xác cái gì đã làm cho Android có được sự bứt phá ngoạn mục như ngày hôm nay, thì bạn sẽ không nhận được một câu trả lời thỏa đáng. Đó là sự kết hợp của nhiều thứ. Đầu tiên là Rubin biết cách tiếp cận các nhà mạng vào đầu những năm 2000. Ông biết họ sẽ không muốn từ bỏ quyền lợi của mình và ông cùng với những thành viên còn lại trong nhóm Android của Google đã thuyết phục họ rằng phần mềm của ông không bắt họ phải làm điều đó. Đồng thời, các nhà mạng cũng không còn kiểm soát mọi thứ. Lấy Droid phiên bản đầu tiên làm ví dụ, đó là sự hợp tác giữa Motorola, Google và Verizon. Mọi chuyện đều trở nên rõ ràng khi có sản phẩm cuối cùng.

"Nguồn mở là yếu tố quan trọng bởi nó cho phép các nhà mạng và nhà sản xuất niềm tin rằng Google không có quyền lực tối cao đối với nền tảng Android", một nguồn tin nói.

Đến nay, Rubin không còn có tiếng nói với Android nữa – Sundar Pichai của Google phụ trách cả Android, Chrome và hầu hết sản phẩm chính của Google. Pichai đã tiếp quản Android được gần 4 năm – tháng 3/2013, Rubin bàn giao lại bộ phận Android cho Google và quay về với tình yêu đầu tiên của mình: đó là rô bốt. Ông chịu trách nhiệm quản lý bộ phận người máy của Google đến khi ông rời công ty vào năm 2014 để tập trung vào "vườn ươm" khởi nghiệp Playground.global của mình.

Rubin là một doanh nhân thực thụ, ông biết chính xác cách xây dựng một công ty, tiên lượng được tất cả mọi khó khăn. Android là bằng chứng mạnh mẽ nhất cho điều đó.

Rubin là người đã khiến Google và ngành công nghiệp không dây tin rằng với Android, ông có thể làm những điều không tưởng.

"Và đó là sự thần thánh của Andy Rubin", một nguồn tin là đồng nghiệp thân cận với ông nói. "Khi ông kêu gọi, mọi người đều đóng góp. Và ông ấy còn có một tầm nhìn, rất thông minh. Ông ấy biết kết hợp hai điều này với nhau. Đó là tài năng hấp dẫn của ông ấy, nó giúp ông thu hút nhân tài và khiến mọi người tin tưởng vào con đường ông đi".

Đông Mai

Theo Business Insider

Chủ đề khác