VnReview
Hà Nội

Con người đã tạo ra 9 tỷ tấn nhựa nhưng mới chỉ 9% được tái chế

Hiện nay trong số gần 9 tỷ tấn nhựa do con người từng sản xuất, chỉ có 9% được tái chế và số còn lại đều được tiêu hủy bằng nhiều hình thức có hại cho môi trường. Đây là con số đáng báo động.

Một nghiên cứu gần đây khẳng định, kể từ khi sản xuất nhựa hàng loạt (những năm 1950-2015), con người đã tạo ra khoảng gần 9 tỷ tấn nhựa. Con số thực tế hiện là 8,3 tỷ tấn. Và con người chỉ mất 13 năm để tạo ra hơn một nửa con số đó. Đây cũng là phân tích toàn cầu đầu tiên về các sản phẩm nhựa mà con người đã sản xuất.

Theo LiveScience, số lượng nhựa này tương đương với khoảng 85.567 chiếc siêu máy bay vận chuyển, ví dụ như chiếc USS Gerald R. Ford hiện nay của không quân Mỹ có trọng lượng khoảng 107 ngàn tấn. Ngoài ra, con số này cũng bằng khoảng 822 ngàn tháp Eiffel, 25 ngàn tòa tháp Empire State, 80 triệu con cá voi xanh và khoảng 1 tỷ con voi.

Nhóm nghiên cứu khẳng định, tính đến năm 2015, có khoảng gần 7 tỷ tấn nhựa bỏ đi, trong đó chỉ có 9% được tái chế, 12% bị đốt và 79% trong các bãi chôn lấp. Nếu không thay đổi, con số này sẽ là 13,2 tỷ tấn nhựa vào năm 2050.

Trong một infographic của ĐH. Georgia, Mỹ, tổng lượng nhựa sản xuất vào năm 2050 có thể chạm mốc 34 tỷ tấn. Trong đó, lượng nhựa bỏ đi có thể lên tới 12 tỷ tấn.

Roland Geyer, giáo sư bộ môn sinh thái học công nghiệp tại ĐH. California đã dành khá nhiều thời gian nghiên cứu việc sử dụng vật liệu và năng lượng của xã hội. Trong nhiều năm, Geyer đã tập trung nghiên cứu các xã hội sử dụng kim loại như thép và đồng, nhưng cách đây 10 năm, ông đã chuyển sang nghiên cứu về nhựa.

Sản xuất nhiều, ô nhiễm nhiều

Ngoài nghiên cứu về số lượng nhựa trên toàn cầu, Geyer cũng tìm hiểu và ước tính lượng nhựa gây ô nhiễm trên đại dương. Trong kết quả đăng tải trên tạp chí Science vào năm 2015, nhóm nghiên cứu tính toán, đã có khoảng 5-14 triệu tấn nhựa tràn ra đại dương vào năm 2010.

Đây là một con số đáng chú ý trong thời điểm bấy giờ, khiến Geyer có cái nhìn toàn diện hơn về cách con người đang sử dụng và xử lý nhựa. Tuy nhiên đến thời điểm hiện tại, con số đã khá khủng khiếp và không thể kiểm soát. Thậm chí, Geyer không còn ngạc nhiên trước số lượng nhựa khổng lồ đang trôi dạt trên biển.

Hiện nay, thế giới đang sản xuất khoảng 440 triệu tấn nhựa/năm. Trong đó, số lượng nhựa trôi dạt trên biển chỉ chiếm khoảng 1-2% trong tổng số đó.

Liệu có cách nào để kiểm soát số lượng nhựa đang ngày càng tăng?

Để có được những kết quả trên, nhóm nghiên cứu của Geyer đã thu thập dữ liệu, bao gồm công khai và bí mật của nhiều tổ chức và hiệp hội sản xuất nhựa PE, PS, PVC, PET, PUR. Nghiên cứu đã loại bỏ các loại chất dẻo sinh học, hoặc có thể phân hủy sinh học. Ước tính có 4,4 tấn nhựa sinh học được sản xuất mỗi năm.

Ban đầu, các nhà nghiên cứu tập trung xác định các loại nhựa được sử dụng hàng ngày như bao bì, đồ gia dụng, phụ tùng xe hơi, điện tử…Tuy nhiên sau đó, các nhà nghiên cứu đã quyết định lựa chọn các loại nhựa bao gồm: sợi plastic dùng trong dệt may như lông cừu và polyester dùng trong sản xuất quần áo, thảm, rèm và đồ đạc.

Số lượng thực tế khiến Geyer rất ngạc nhiên. Trong năm 2015, con người đã sản xuất tới 66 triệu tấn xơ sợi tổng hợp, tương đương với lượng nhôm được tạo ra cùng năm đó.

Khi xem xét vòng đời của các loại nhựa, nhóm nghiên cứu nhận thấy, có tới 60% các loại nhựa đều được tiêu hủy bằng hình thức chôn lấp. Nhựa làm từ nhiên liệu hóa thạch, và không thể phân hủy sinh học. Mặc dù vậy, nhựa có thể dễ dàng bị phá hủy thành các hạt nhựa nhỏ và trôi nổi trên biển. Chúng dễ dàng gây ô nhiễm nguồn nước, và thâm nhập vào cơ thể của nhiều loài động vật biển.

Ông tin rằng, việc giải quyết vấn đề rác thải nhựa cần tới một giải pháp vượt ngoài khuôn khổ cách tái chế truyền thống. Thay vào đó, Geyer mong muốn tìm ra một giải pháp quản lý vật liệu bền vững hơn, không chỉ tập trung tái chế mà còn tìm kiếm các loại vật liệu thay thế, giảm lượng vật liệu sản xuất và xây dựng. Và để làm được điều này, không chỉ có các nhà khoa học mà còn cần tới các chính phủ và các nhà sản xuất trên toàn cầu đồng lòng ủng hộ.

Được biết, nghiên cứu của Roland Geyer đã xuất bản trên tạp chí Science Advances hôm 19/7 vừa qua.

Mai Huyền

Chủ đề khác