VnReview
Hà Nội

Tất cả chúng ta đều mang đột biến

DNA vẫn là điều bí ẩn với con người. Việc áp dụng di truyền học trong xét nghiệm y học không phải lúc nào cũng mang lại đáp án, đôi khi xét nghiệm di truyền chỉ mang lại sự nghi ngờ.

AnneMarie Ciccarella, 57 tuổi nghĩ rằng mình hiểu rất rõ về ung thư vú. Không chỉ mẹ bà mà nhiều người họ hàng khác cũng mắc phải căn bệnh này. Khi các bác sĩ nghi ngờ một khối u trong ngực AnneMarie Ciccarella có thể phát triển thành ung thư, ngay lập tức bà đã đi xét nghiệm để tìm đột biến trong hai gen BRCA (sự đột biến trong các gen này là nguyên nhân gây bệnh của khoảng 20% các gia đình có tiền sử bệnh ung thư vú).

Ciccarella hy vọng kết quả sẽ tốt đẹp nhưng thực tế lại không như vậy. Thay vào đó, xét nghiệm chỉ xác định một biến thể chưa rõ hoặc không chắc chắn (VUS) trong cả BRCA1 và BRCA2. Không giống như các đột biến đã được biết đến là gây bệnh hoặc lành tính, vẫn chưa có đầy đủ thông tin về những biến thể này để xác định có gây bệnh ung thư vú hay không.

Bà cho biết: "Tôi nghĩ chúng ta đều có thể bị đột biến gen hoặc không, và với tiền sử bệnh ung thư của gia đình mình, tôi tin mình bị đột biến. Tôi không nghĩ là các biến thể loại thứ ba lại nhiều đến thế. Tôi không nhận được bất kỳ thông tin nào, giống như lãng phí rất nhiều máu xét nghiệm để cuối cùng chỉ nhận được một câu hỏi lớn".

Hàng ngàn người đã đi xét nghiệm gen BRCA để xác định nguy cơ di truyền bệnh ung thư vú, buồng trứng, tuyến tiền liệt và các bệnh ung thư khác. Khoảng 5% nhận kết quả có biến thể chưa xác định. Con số này thậm chí cao hơn đối với các gen khác: trong một nghiên cứu, gần 20% các xét nghiệm di truyền cho kết quả các biến thể chưa rõ.

Theo Robert Klitzman, một nhà nghiên cứu sinh học tại Đại học Columbia ở New York (Mỹ) xét nghiệm di truyền học có rất nhiều điều chưa chắc chắn. Mọi người muốn kết quả xét nghiệm giống như thử thai. "Bạn có thể nhận được kết quả có thai hoặc không. Nhưng xét nghiệm di truyền lại như dự báo thời tiết". Và hầu hết mọi người chưa sẵn sàng để đối mặt với những xác suất và những điều không chắc chắn.

Khi các nhà khoa học khảo sát một nhóm phụ nữ thời điểm một năm sau khi họ nhận được kết quả xét nghiệm gen BRCA, những người có kết quả không chắc chắn hoặc không đủ thông tin cảm thấy căng thẳng và lo lắng hơn nhiều những người có kết quả rõ ràng là đột biến gây bệnh hoặc không. Một nghiên cứu tiếp theo cho thấy càng những người nghĩ rằng chắc chắn kết quả có nhiều nguy cơ mắc bệnh, thì nhiều khả năng họ càng phải chịu mệt mỏi trầm trọng trong thời gian dài.

Thậm chí trước khi có kết quả trình tự gen, Ciccarella vẫn quyết định phẫu thuật cắt bỏ hai bên vú vì lo sợ tiền sử ung thư vú của gia đình. Đối với Ciccarella, câu hỏi liệu bà có bị ung thư vú một ngày nào đó đã có đáp án, và là kết quả xấu nhất. Nhưng bà vẫn muốn biết liệu hai người con của mình có bị di truyền gen gây bệnh ung thư hay không. Giống các gia đình khác, họ đang dần nhận ra kết quả trình tự di truyền sẽ không mang đến câu trả lời cho tất cả mọi người.

Tất cả chúng ta đều mang đột biến. Đoạn DNA 3bn chịu trách nhiệm tạo nên sự khác biệt con người từ lâu được cho là không đổi đã có những biến đổi rất nhỏ tại nhiều vị trí. Sự đột biến DNA từng được các nhà khoa học tin rằng rất có hại.

Cuối thập niên 1990 và đầu những năm 2000, khi trình tự đầu tiên của bộ gen người được xác định, các nhà nghiên cứu nhận thấy quan điểm của họ về đột biến hoàn toàn thay đổi. Những đột biến hiếm thấy từng được xem là gây bệnh, thì hiện tại lại tạo ra bộ gen người. Con người trung bình mang khoảng 400 đột biến duy nhất, và hầu hết chúng đều không gây bệnh.

Điều này đối lập với một số nguyên lý cơ bản của di truyền học, cũng như cách thức mà các nhà khoa học và bác sĩ giải thích các xét nghiệm di truyền.

Robert Resta là một cố vấn di truyền học của Trung tâm Y tế Thụy Điển tại Seattle (Mỹ). Ông bắt đầu kiểm tra các kết quả xét nghiệm di truyền vào cuối những năm 1980. Tuy nhiên, ông chỉ có thể xác định được những bất thường về nhiễm sắc thể hoặc những thay đổi của một lượng lớn ADN. Khi các loại xét nghiệm di truyền khác được sử dụng, như xét nghiệm phát hiện đột biến trong gen CFTR gây xơ nang, cách giải thích vẫn còn khá đơn giản. Vì phần lớn những người có trình tự gen CFTR có dấu hiệu lâm sàng của bệnh xơ nang nên Resta tin rằng một đột biến được theo dõi trong gen CFTR gây nên căn bệnh này. Tuy nhiên, trong vài năm qua, giá xét nghiệm trình tự di truyền đã giảm đáng kể, và các bác sĩ ngày càng yêu cầu xét nghiệm DNA sớm hơn trong quá trình chẩn đoán. Khi có nhiều dữ liệu hơn được thu thập, vai trò của một số lượng lớn đột biến trong cơ thể chúng ta trở nên quan trọng.

"Sự đột biến lại trở thành một tiêu chuẩn. Bạn mong đợi tìm thấy đột biến trong một gen. Đó là một cách suy nghĩ rất khác biệt về bộ gen người. Nếu không thấy đột biến, máy móc xét nghiệm của bạn hẳn là có vấn đề về kỹ thuật", Resta cho biết thêm.

Colleen Caleshu, cố vấn di truyền của Trung tâm di truyền bệnh tim tại Đại học Stanford cho biết, khi các nhà khoa học kiểm tra một số lượng lớn gen trong một lần xét nghiệm duy nhất, được biết đến là bảng gene (gene panel) gần như chắc chắn luôn tìm thấy ít nhất một đột biến chưa xác định có gây bệnh hay không. "Càng xem xét nhiều gen, bạn càng tìm thấy nhiều biến thể hơn. Tất cả chúng ta đều mang trong mình rất nhiều biến thể gen, phần lớn là loại cực kỳ hiếm và không thể giải thích được". Hay nói cách khác không có đủ dữ liệu để biết mình đang xem xét điều gì.

Nguồn: Catherine Losing/Hattie Newman

Sự không rõ ràng ngày càng tăng lên khi việc xét nghiệm trình tự DNA thế hệ tiếp theo dẫn đến việc sử dụng ngày càng nhiều bảng gen để tìm các đột biến trong một loạt các gen có thể liên quan đến các triệu chứng của bệnh nhân. Resta cho biết trong ba kết quả đột biến gây bệnh, lành tính hoặc không rõ gây bệnh, nhiều khả năng bạn sẽ nhận được kết quả chưa rõ nguyên nhân.

Nếu các bác sỹ lâm sàng gặp khó khăn khi giải thích kết quả xét nghiệm di truyền thì việc giải thích cho bệnh nhân càng khó khăn bội phần. Yvonne Bombard đã dành nhiều năm trong nghề để nghiên cứu dịch vụ sức khỏe bộ gen tại bệnh viện St Michael ở Toronto và công việc của bà là nghiên cứu cách các gia đình hiểu ý nghĩa kết quả xét nghiệm di truyền.

Bà khẳng định có rất ít nghiên cứu về tác động của các kết quả chưa xác định lên các gia đình, khi mà công nghệ trên còn quá mới mẻ.

Một nghiên cứu quy mô nhỏ về tâm lý học liên quan đến bệnh ung thư khảo sát 24 phụ nữ bị ung thư vú hoặc ung thư buồng trứng đã nhận được kết quả xét nghiệm di truyền có biến thể chưa xác định. Nhiều người trong số họ đã hiểu sai về ý nghĩa của kết quả. Mặc dù 2/3 người được khảo sát nhớ chính xác ba năm sau đó các biến thể được phát hiện thông qua xét nghiệm không được phân loại, 79% cho rằng kết quả mình nhận được có nguy cơ di truyền cao hơn dẫn đến bệnh ung thư. 1/3 phụ nữ đã trải qua chữa trị y tế quan trọng chỉ dựa trên các kết quả xét nghiệm mà Resta và Caleshu không hề khuyến cáo.

Caleshu cho biết gia đình các trẻ em nghi ngờ bệnh di truyền cũng gặp những vấn đề tương tự. Các bậc cha mẹ có xu hướng nghĩ bất kỳ biến thể nào không được phân loại là "lành tính" là nguyên nhân gây bệnh cho con mình. Nhưng Caleshu thông cảm với cách nghĩ này, đặc biệt là khi các gia đình đã tìm kiếm câu trả lời trong suốt thời gian dài.

Các gia đình có thể thất vọng với các cơ sở y tế khi những nơi này thường bỏ mặc các bệnh nhân từ chối chẩn đoán và không có câu trả lời dứt khoát. Do vậy họ rất dễ tin các kết quả biến thể từ xét nghiệm có thể không đúng. Công việc chính của Caleshu là đưa ra tư vấn trước xét nghiệm để bệnh nhân hiểu được những rủi ro và những hạn chế của xét nghiệm. Bà cho biết mình và các đồng nghiệp đã thay đổi cách thông báo kết quả để bệnh nhân và bác sĩ không quá tin vào các biến thể chưa xác định. Thậm chí ngay cả khi tư vấn di truyền có đúng đi chăng nữa, kết quả không chắc chắn vẫn khiến tâm lý bệnh nhân nặng nề.

Ciccarella phải chứng kiến mẹ mình chịu đựng quá trình hóa trị và chính bản thân bà cũng phải trải qua phương pháp chữa trị mệt mỏi này. Nếu có được thông tin di truyền có thể giúp con mình và bất kỳ thế hệ tương lai nào tránh được sự đau đớn đó thông qua sàng lọc, kế hoạch sinh sản và điều trị phòng ngừa cắt bỏ vú tốt hơn, thì Ciccarella sẽ theo các phương pháp này.

Ciccarella quyết định đến một phòng thí nghiệm khác để đánh giá lại kết quả xét nghiệm di truyền, và yêu cầu dữ liệu từ công ty Myriad Genetics chuyên thực hiện các xét nghiệm trình tự gen. Tuy nhiên công ty này từ chối. Vì sở hữu bằng sáng chế hai gen BRCA, không ai khác ngoài công ty này có được dữ liệu di truyền.

Vì vậy, Ciccarella theo dõi một vụ kiện của Liên minh Tự do Dân sự Mỹ (ACLU) về bằng sáng chế di truyền của Myriad, với niềm hy vọng nếu ACLU thắng kiện, bà có thể nhận được lời tư vấn khác về các biến thể không được phân loại của mình. Năm 2013, tòa án tối cao Hoa Kỳ tuyên bố ACLU thắng kiện, và bằng sáng chế của Myriad mất hiệu lực. Tuy nhiên, Myriad vẫn từ chối đưa ra dữ liệu trình tự ban đầu, và cho biết việc tiết lộ sẽ vi phạm Đạo Luật về Trách Nhiệm Giải Trình và Cung Cấp Thông Tin Y tế năm 1996 (Hipaa).

Ciccarella đã hợp tác với ACLU và ba người khác muốn tiếp cận dữ liệu trình tự đầy đủ để chuẩn bị một vụ kiện chống lại Myriad vào năm 2016, với lập luận Hipaa thực sự bảo đảm cho bệnh nhân quyền dữ liệu. Ngày 18/5, một ngày trước khi vụ kiện được đưa ra, Myriad đã thay đổi lập trường và công bố dữ liệu trình tự cho Ciccarella và những người khác. Bà phát hiện Myriad đã phân loại lại một trong các các biến thể chưa xác định của bà là lành tính, nhưng khi kiểm tra, bà thấy kết luận này đối lập với cơ sở dữ liệu công khai của các biến thể di truyền.

"Vậy rốt cuộc ai đúng? Vấn đề là có hai ý kiến tư vấn khác nhau. Tôi đang mắc kẹt ở giữa khi con gái tôi vừa được chuẩn đoán có một khối u đáng ngờ", Ciccarella cho biết thêm.

Vụ kiện của Ciccarella đã được giải quyết bên ngoài tòa án, nhưng một trường hợp khác cho thấy những cuộc chiến pháp lý về kết quả xét nghiệm di truyền không rõ ràng mới chỉ bắt đầu. Tháng 2/2016, Amy Williams đệ đơn kiện Athena Diagnostics, ADI Holdings và Quest Diagnostics (công ty mẹ của Athena) vì liên quan đến cái chết của con trai bà, Christian.

Ngày 23/8/2005, bé Christian chào đời khỏe mạnh. Ngay trước lễ Giáng sinh năm đó, lần đầu tiên bé lên cơn động kinh nặng và nhiều cơn động kinh xuất hiện liên tiếp sau đó. Mặc dù đã dùng nhiều thuốc và trải qua các cuộc xét nghiệm, không ai có thể tìm ra nguyên nhân gây ra những cơn động kinh không ngừng của bé. Christian được xét nghiệm rất nhiều lần vào đầu năm 2007, bao gồm xét nghiệm trình tự một gen có tên SCN1A. Công ty Athena đã thực hiện các xét nghiệm di truyền, và thông báo cơ thể bé Christian có một biến thể gen chưa phân loại. Vì không có câu trả lời rõ ràng về mặt di truyền, các bác sĩ đã điều trị cho bé bệnh rối loạn ty thể không được chẩn đoán. Tuy nhiên, phương pháp điều trị này gần như không có tác dụng gì với các cơn động kinh liên tục của bé.

Ngày 5/1/2008, Christian đi ngủ sau khi cùng gia đình trải qua ngày lễ Giáng sinh muộn. Những video quay ngày hôm đó không chỉ ra bất kỳ dấu hiệu nào bé sẽ chết vào sáng ngày hôm sau. Nguyên nhân chính thức của cái chết được đưa là do động kinh.

Sáu năm sau, với dự định làm mẹ một lần nữa, Williams muốn biết trình tự DNA của chính mình và liệu căn bệnh đã cướp Christian có ảnh hưởng đến bất cứ người con nào tiếp theo không. Một lần nữa, cô lại đến công ty Athena, nhưng cô không chỉ yêu cầu kết quả của mình mà cả báo cáo xét nghiệm năm 2007 của Christian. Báo cáo đã được sửa đổi, Athena đã phân loại lại biến thể chưa rõ của Christian là một đột biến gây bệnh, cho thấy bé có một dạng động kinh ở trẻ em gọi là hội chứng Dravet (bệnh động kinh giật rung cơ (myoclonic) trầm trọng ở giai đoạn sơ sinh). Nhiều loại thuốc dùng để điều trị chứng động kinh ở trẻ nhỏ, bao gồm Christian, độc hại đối với trẻ em mắc Dravet và có thể làm tăng nguy cơ tử vong.

Williams tin rằng qua phân loại này phương pháp điều trị của Christian chỉ làm cho mọi thứ tồi tệ hơn. Điều mà cô muốn biết từ Athena là khi nào và tại sao công ty này lại phân loại lại biến thể. Williams còn phát hiện biến thể SCN1A tương tự của Christian được xác định trong một gia đình tại Úc vào năm 2006 trước khi DNA của Christian được xét nghiệm. Điều đáng lo ngại là một tài liệu bằng sáng chế về gen SCN1A liệt kê đột biến này (sự thay đổi trong một amino acid đơn trong gen) là tác nhân gây bệnh. Vì Athena từ chối trả lời, Williams đã khiếu kiện công ty này.

Trong cáo buộc của Williams, Athena đã có đủ thông tin để phân loại lại đột biến của Christian trước khi xét nghiệm, và nếu công ty làm như vậy, chẩn đoán và điều trị của Christian đáng lẽ đã thay đổi. Cái chết của bé do một cơn động kinh liên quan đến hội chứng Dravet có thể đã tránh được.

Athena và hai công ty khác bác bỏ cáo buộc, và cho rằng nên loại bỏ đơn kiện này. Các công ty trên cho biết báo cáo năm 2007 của phòng thí nghiệm đã nhấn mạnh đến sự không chắc chắn của kết quả xét nghiệm, và Dravet có thể là nguyên nhân gây ra cơn động kinh của Christian mà không liên quan đến thuốc chữa trị, nên cần phải xét nghiệm thêm (đặc biệt là xét nghiệm bố mẹ, không bao gồm phí bổ sung nhưng đã không được thực hiện), và một chẩn đoán có kết luận rõ ràng chỉ có thể đạt được bằng cách xét nghiệm bổ sung. Quest, công ty mẹ, từ chối bình luận về vụ kiện đang diễn ra này, nhưng vụ việc đã khiến nhiều người trong cộng đồng trình tự di truyền nhận thấy cần có sự thay đổi trong tương lai.

Vụ kiện trên cho thấy sự không chắc chắn của xét nghiệm di truyền hiện đại, và hậu quả về mặt tâm lý mà nó gây ra cho bệnh nhân và gia đình họ. Nó cũng phản ánh sự gia tăng nghiên cứu của các phòng thí nghiệm trình tự di truyền lâm sàng, cách chia sẻ dữ liệu biến thể và diễn giải dữ liệu này. Các nhà quản lý, nghiên cứu, bệnh nhân và các phòng thí nghiệm sẽ phải hợp tác để cải thiện các quy trình này.

Tess Bigelow, 7 tuổi là một cô bé sôi nổi có mái tóc nâu và cặp kính hồng nhạt. Một vài tháng sau khi Tess được sinh ra, bố mẹ cô bé, Bo và Kate, nhận thấy có điều gì đó không ổn. Cô bé không đạt các mốc phát triển bình thường như những bé sơ sinh khác. Đến tháng 6/2010, họ nhận ra có một điều gì đó rất không ổn.

"Con bé không giao tiếp với người khác. Chỉ là giống như con bé đang lơ đãng. Chúng tôi biết con bé ở đó nhưng không thể nào hiểu được nó", cha Tess chia sẻ.

Khi lớn lên, Tess không nói chuyện hoặc giao tiếp, và gặp khó khăn khi đi lại và đứng lên. Một cuộc kiểm tra chẩn đoán tổng thể không mang lại thông tin gì, vì vậy các chuyên gia về di truyền học ở Boston, và Maine (quê hương của gia đình Bigelow) đã khuyên bố mẹ cô bé nên xét nghiệm trình tự tất cả gen của Tess. Nhóm nghiên cứu hy vọng xét nghiệm sẽ mang lại đáp án, tuy nhiên họ cũng cảnh báo gia đình Bigelow không nên quá hy vọng. Trình tự bộ gen của Tess cho thấy có một đột biến trong một gen USP7, nhưng không ai có thể xác định đây có phải là nguyên nhân gây bệnh cho cô bé hay không.

"Cho dù họ nói với bạn bao nhiêu điều đi nữa, bạn vẫn tin rằng mình sẽ nhận được câu trả lời. Thật khó chấp nhận kết quả lại thành ra thế này", Bo Bigelow cho biết.

Bo Bigelow bắt đầu tìm hiểu mọi thứ trong khả năng về USP7. Không có nhiều thông tin. Các nhà nghiên cứu chỉ mới bắt đầu nghiên cứu về tác động của gen, và ông không tìm thấy bất kỳ gia đình nào khác mang đột biến USP7. Vì vậy, ông quyết định để những gia đình đồng cảnh ngộ khác biết đến mình. Trong một bài đăng trên Facebook vào cuối tháng 8/2015, Bigelow mô tả các triệu chứng của con gái, cùng với các kết quả trình tự gen của cô bé.

Bài đăng nhanh chóng được chia sẻ rộng rãi. Một người đã chia sẻ nó trên mạng xã hội Reddit và thu hút sự chú ý của Christian Schaaf, một nhà di truyền học tại Đại học Y Baylor ở Houston, Texas. Ông đang nghiên cứu USP7 và các gen khác có mối liên hệ với điều kiện di truyền giống hội chứng Prader-Willi.

USP7 đóng vai trò trong bộ máy tái chế protein của tế bào, đảm bảo cơ chế loại bỏ rác thải của các tế bào được thực hiện đúng cách, ngăn sự tích tụ protein hỏng hoặc không còn cần thiết, nhưng không nhanh đến mức loại bỏ các protein lành mạnh. Nghi ngờ có lỗi trong USP7 có thể gây bệnh, Schaaf đã tìm kiếm các cơ sở dữ liệu trình tự di truyền của Baylor cũng như các kho dữ liệu gen khác và tìm thấy 7 trường hợp lâm sàng khác cũng mang đột biến ở USP7.

Sau khi chia sẻ trên Facebook, cuối ngày hôm đó Bigelow nhận được một email từ Mike Fountain, đồng tác giả với Schaaf về bài báo nghiên cứu các đột biến USP7 và mối liên hệ gây bệnh. Trao đổi qua điện thoại vào sáng hôm sau, Fountain đã chia sẻ hàng loạt các triệu chứng mà bảy đứa trẻ khác gặp phải và tất cả đều giống Tess. Có thể họ đã tìm ra bằng chứng, nhưng cần nhiều hơn nữa kết quả nghiên cứu từ các thí nghiệm mới có thể quyết định đây có phải là nguyên nhân gây ra tình trạng của bé Tess hay không.

Nguồn: Catherine Losing/Hattie Newman

Cũng như nhiều bố mẹ khác có con mắc bệnh hiếm gặp và cần chăm sóc đặc biệt, Bigelow phải sống chung với các kết quả mơ hồ. Nhưng cùng các bậc cha mẹ và bệnh nhân khác, họ bắt đầu chia sẻ dữ liệu di truyền của mình thông qua các cổng thông tin như MyGene2 để giúp đỡ những người khác. MyGene2 cho phép mọi người chia sẻ kết quả trình tự riêng với hy vọng hỗ trợ nghiên cứu và tìm kiếm các gia đình khác có các vấn đề tương tự. Ngày càng có nhiều sáng kiến, và các nhà nghiên cứu hy vọng có thể giảm bớt sự không chắc chắn vẫn đang tiếp diễn trong trình tự di truyền.

Heidi Rehm là nhà di truyền học lâm sàng của Viện Broad tại Cambridge, Massachusetts. Bà là trưởng nhóm nghiên cứu tại Viện Y tế Quốc gia Hoa Kỳ và sáng lập hai cơ sở dữ liệu giúp nâng cao việc chia sẻ và kiểm soát các dữ liệu di truyền. ClinVar, ra mắt vào năm 2012, liên kết biến thể di truyền với các triệu chứng. ClinGen, đưa vào hoạt động trong năm 2013, được mô tả là "xây dựng một tài nguyên tập trung xác thực định nghĩa sự liên quan lâm sàng của gien và các biến thể trong y học và nghiên cứu chính xác". Các phòng thí nghiệm trình tự gen ở cả khu vực thương mại và nghiên cứu có thể kết hợp chuyên môn của mình với hai nguồn dữ liệu này, từ đó cung cấp cho bệnh nhân những mô tả chính xác nhất về ý nghĩa của các biến thể di truyền.

Việc truy cập vào kết quả các nghiên cứu trình tự gen lớn, như cơ sở dữ liệu Exome Aggregation Consortium tại Viện Broad, hứa hẹn sẽ tăng tính chắc chắn của các kết quả xét nghiệm gen. Theo Rehm, thành công bước đầu của sáng kiến là phân loại lại các biến thể chưa rõ. Sau khi được phân loại lại, hầu hết các biến thể chưa xác định đều là biến thể không gây bệnh - một dấu hiệu cho thấy rất nhiều biến thể và đột biến bình thường vốn có trong tất cả các bản đồ gen của chúng ta.

Tại Viện Nghiên cứu Ung thư ở Luân Đôn, Nazneen Rahman đang chủ trì Sáng kiến Y học về Chuyển đổi gen nhằm xử lý nhiều vấn đề liên quan đến việc đưa di truyền học vào y học. Khi đề cập tới việc quản lý tính không chắc chắn trong kiểm tra di truyền, bà cho biết chúng ta cần thay đổi cách nghĩ về các biến thể chưa phân loại và các biến thể hiếm gặp nói chung.

Theo Rahman, mặc dù các biến thể gây bệnh rất hiếm nhưng phần lớn các biến thể hiếm gặp không phải là tác nhân gây bệnh. Chuối có màu vàng nhưng không phải tất cả các thứ màu vàng đều là chuối. Thay vì coi một biến thể di truyền là tác nhân có hại (trừ khi được chứng minh là lành tính), chúng ta nên xem xét tất cả các biến thể di truyền là vô hại trừ khi được chứng minh là gây bệnh. Ví dụ, nên đánh giá phụ nữ có đột biến gen BRCA như những phụ nữ khác có các biến thể đã được biết đến là vô hại.

Các nhà khoa học cần phải sắp xếp trình tự gen hàng chục triệu người để giải quyết tốt hơn tất cả các biến thể người. Và cách duy nhất có được cơ sở dữ liệu lớn như vậy chính là chia sẻ dữ liệu. Nhưng dù cơ sở dữ liệu đó có tốt như thế nào, và có bao nhiêu bộ gen người đã được sắp xếp trình tự, kết quả chưa chắc chắn trong xét nghiệm di truyền sẽ vẫn luôn tồn tại.

Mỗi lần tế bào của chúng ta phân chia và sao chép DNA của chính nó, các đột biến được sinh ra. Sự không chắc chắn này có thể gây phẫn nộ cho các bệnh nhân đang tìm kiếm câu trả lời, nhưng nó đã đánh dấu trong bản đồ gen của con người như chính bản thân cấu trúc chuỗi xoắn kép của ADN.

Quỳnh Mai

Theo The Guardian

Chủ đề khác