VnReview
Hà Nội

Sẽ ra sao nếu bạn có thể "upload" tâm trí của mình vào máy tính?

Bạn sẽ trở nên bất tử, hay biến thành một con robot không hơn không kém?

Theo Quartz, sự bất tử đã trở thành một điều trần tục. Được lấy ra khỏi những câu chuyện về những vị thần và thiên sứ, bây giờ nó là một đề tài được đầu tư nghiêm túc – cả về trí thức lẫn tài chính – bởi các triết gia, các nhà khoa học và cả Thung lũng Silicon. Có hàng trăm người đã chọn cách để cơ thể được "bảo quản lạnh" khi chết, và khi khoa học trở nên tân tiến sẽ cho họ một cơ hội sống trên đời lần thứ hai. Nhưng nếu như chúng ta đối xử với cái chết như là một vấn đề (chứ không phải là lẽ tự nhiên), ý nghĩa về mặt đạo đức của những "giải pháp" đang được đưa ra là gì?

Tất nhiên, chúng ta hiện không có cách nào để có thể đạt được trạng thái bất tử ở thời điểm hiện tại, và cũng không có gì chắc chắn là chúng ta sẽ làm được trong tương lai. Tuy nhiên, có hai giả thiết đã thu hút được nhiều sự quan tâm và chú ý nhất: công nghệ trẻ hóa (rejuvenation technology) và tải lên tâm trí (mind uploading).

Giống như suối nguồn tươi trẻ trong truyền thuyết, công nghệ trẻ hóa hứa hẹn sẽ loại bỏ và đảo ngược những thiệt hại của sự lão hóa ở cấp độ tế bào. Các nhà lão khoa như Aubrey de Grey cho rằng sự lão hóa là một bệnh mà chúng ta có thể chữa trị bằng cách phá hủy hoặc thay thế và sửa chữa các tế bào trong một chu kì nhất định. Nói theo cách thực tế hơn, cứ mỗi vài năm bạn sẽ đi khám bác sĩ một lần, và họ sẽ không chỉ loại bỏ những tế bào bị nhiễm bệnh mà còn tạo ra những tế bào khỏe mạnh, giúp cơ thể tái tạo hiệu quả hơn và loại bỏ các chất thải dư thừa tích tụ lại. Công việc này sẽ "đảo ngược đồng hồ" có trên cơ thể bạn, khiến cho bạn trông trẻ hơn về mặt thể chất so với tuổi thực của mình. Tuy nhiên, bạn sẽ vẫn bị tổn thương bởi các chấn thương chí mạng – tai nạn, ngộ độc,... – như trước đây.

Công nghệ trẻ hóa có vẻ như là một giải pháp có độ nguy hiểm thấp, vì nó kéo dài và cải thiện khả năng tự chăm sóc bản thân vốn có của cơ thể. Nhưng nếu bạn thực sự muốn có một cuộc sống vĩnh cửu trong chỉ một cơ thể sinh học, nó phải là một cuộc sống thực sự an toàn. Bạn sẽ phải luôn trong trạng thái "nhìn trước ngó sau" để có thể duy trì cuộc sống bất tử, biến bạn trở thành một trong những người hay lo âu nhất trong lịch sử nhân loại.

Lựa chọn khác là tải lên tâm trí, trong đó não bộ của bạn sẽ được quét và sao chép kĩ thuật số vào máy tính. Phương pháp này giả định rằng ý thức hoạt động giống như phần mềm được ghi trên đĩa – những gì tạo nên con người bạn là tổng lượng các thông tin được lưu trữ trong hoạt động của não, nên nó sẽ có thể được truyền từ cơ thể này sang một cơ thể hay nền tảng khác. Đây vẫn là một lập luận gây nhiều tranh cãi, nhưng chúng ta sẽ tạm thời bỏ qua câu hỏi "bạn" sẽ tồn tại ở đâu, mà sẽ cho rằng một ngày nào đó trong tương lai, chúng ta sẽ có thể tái tạo lại não bộ dưới một hình thức kĩ thuật số nào đó.

Nếu có thể truyền tải ý nghĩ của mình sang cơ thể khác, bạn có làm không?

Không giống như trẻ hóa, việc tải lên tâm trí thực sự là một thứ gần giống với ý niệm bất tử mà chúng ta muốn. Cũng như cách chúng ta sao chép dữ liệu lên ổ gắn ngoài hay trên điện toán đám mây, tâm trí mà bạn đã tải lên có thể được sao chép vô số lần hay cất giữ ở những vị trí an toàn, do đó sẽ không có bất kì thảm họa thiên nhiên hoặc nhân tạo nào có thể phá hủy toàn bộ những bản sao của bạn.

Bất chấp ưu điểm to lớn này, việc tải lên tâm trí vẫn còn tồn tại một số vấn đề về đạo đức. Một vài nhà triết học, như ông David Chalmers, cho rằng việc tải lên tâm trí như vậy sẽ tạo ra một bản sao giống hệt bản gốc nhưng lại không có bất kì kinh nghiệm nhận thức nào về thế giới xung quanh. Bạn sẽ giống zombie hơn là một con người. Số khác, như ông Daniel Dennett, lại nhận định đây không phải là vấn đề to tát gì cả. Do bạn có thể rút gọn bản thân xuống chỉ còn các quy trình và nội dung của não bộ, một bản sao giống hệt cơ thể cũ – không cần biết nó chạy trên cơ địa nào – cũng sẽ chỉ có tầm nhận thức giống như chủ thể mà thôi.

Hơn nữa, chúng ta không thể dự đoán được điều gì sẽ xảy ra với cơ thể được truyền thông tin tới. Bạn sẽ cảm nhận được quá trình chuyển đổi, hay một thứ gì đó khác hoàn toàn? Sẽ ra sao nếu như sự tồn tại dưới dạng kĩ thuật số của bạn quá khác biệt với sự tồn tại về mặt sinh học, khiến cho bạn trở nên sợ hãi đến tột cùng? Trong trường hợp đó, nếu bạn không thể giao tiếp với người ngoài hay tự ngắt công tắc của bản thân thì sao? Sự bất tử bỗng trở thành tai họa, chứ không phải là phước lành, và cái chết sẽ còn nhẹ nhàng hơn. Nhưng một khi công nghệ này xuất hiện, có lẽ đó không còn là một sự lựa chọn của chúng ta nữa.

Một vấn đề nảy sinh khác trong viễn cảnh tải lên tâm trí trở thành hiện thực, đó là việc bản sao và bản gốc hoạt động cùng một lúc với nhau một cách độc lập. Trong triết học, việc bạn tồn tại là khi bạn còn là một người độc nhất, duy nhất trên đời – có nghĩa là sự phân tách cá thể (fission) cũng đồng nghĩa với cái chết. Ví dụ, nếu bạn phân chia thành hai phiên bản bạn1 và bạn2, thì "bạn" đầu tiên coi như đã không còn tồn tại nữa. Một số nhà tư tưởng, như ông Derek Parfit, lập luận rằng dù bạn không thể sống sót được sau quá trình phân tách, miễn sao mỗi phiên bản mới của bạn vẫn còn tồn tại một kết nối không thể bị phá vỡ với bản gốc, là bạn vẫn đang tồn tại rồi.

Vậy, lựa chọn nào có tính đạo đức hơn? Theo quan điểm của nhiều người, công nghệ trẻ hóa sẽ là một sự lựa chọn ít có vấn đề hơn. Đúng, loại bỏ đi cái chết cho toàn bộ loài người sẽ làm trầm trọng thêm các vấn đề hiện tại của thế giới, như dân số quá đông hay bất bình đẳng giai cấp – nhưng ít ra những vấn đề này có phần "quen thuộc" với mỗi chúng ta. Chẳng hạn, gần như chắc chắn rằng công nghệ trẻ hóa sẽ làm tăng sự chênh lệch giữa người giàu và người nghèo, buộc chúng ta phải đưa ra quyết định như việc sử dụng tài nguyên, kìm hãm sự phát triển dân số và hơn thế nữa.

Mặt khác, việc tải lên tâm trí sẽ mở ra rất nhiều những quan ngại đạo đức hoàn toàn mới mẻ và lạ lẫm. Tâm trí được tải lên có thể tạo thành một phạm vi cơ quan đạo đức mới. Ví dụ, chúng ta thường xem xét khả năng nhận thức để quyết định tình trạng đạo đức của một cá thể nhất định (giống như việc chúng ta coi mạng người quý hơn mạng của muỗi). Nhưng sẽ rất khó để nắm được khả năng nhận thức của những bộ não được tăng cường bởi sức mạnh của máy tính, khi chúng giao tiếp với nhau ở tốc độ ánh sáng, và kể cả những con người thông minh nhất cũng không thể nào sánh ngang với chúng. Như nhà kinh tế học Robin Hanson đã từng lập luận trong The Age of Em (2016), chúng ta sẽ phải tìm ra cách đề điều chỉnh sự tương tác giữa thế hệ cũ và thế hệ mới – giữa con người với những bản sao, và giữa những bản sao với nhau. Hơn nữa, sự phát triển nhanh chóng của các hệ thống kĩ thuật số cũng đồng nghĩa với việc chúng ta có rất ít thời gian để quyết định cách áp dụng các quy tắc, kể cả những điều tối giản nhất.

Còn những hậu quả về sự lựa chọn bất tử của bạn thì sao? Giả sử bạn bằng cách nào đó có thể tồn tại được đến thời điểm mà công nghệ trẻ hóa và tải lên tâm trí đã xuất hiện, sự lựa chọn của bạn sẽ phụ thuộc vào việc có bao nhiêu rủi ro – và loại rủi ro nào – mà bạn sẵn sàng chấp nhận. Trẻ hóa có vẻ là sự lựa chọn tốt nhất, mặc dù nó khiến bạn phải "nâng như nâng trứng" cơ thể mong manh của bạn. Việc tải lên tâm trí sẽ khiến cho bạn khó bị phá hủy hơn, ít nhất là về mặt thực tế, nhưng liệu bạn có còn thấy cuộc sống còn ý nghĩa không, sau khi đã sao chép cơ thể nhiều lần? Đây là một rủi ro lớn hơn rất nhiều so với trẻ hóa. Tuy nhiên, viễn cảnh được giải phóng khỏi những mối nguy hại đến bản thân là một thứ có sức cám dỗ rất lớn – và nếu chúng ta được lựa chọn, dù cách này hay cách khác, nhiều người sẽ cho rằng những lợi ích của việc bất tử sẽ đủ lớn để che đi những nguy hiểm còn tồn đọng.

Văn Hoàn

Chủ đề khác