VnReview
Hà Nội

5 câu hỏi quanh vụ tàu khu trục USS John S. McCain bị tàu hàng đâm ngoài khơi Singapore

Vụ va chạm giữa tàu khu trục Mỹ USS John S. McCain được trang bị thiết bị tối tân và một tàu chở dầu ngoài khơi Singapore hôm thứ Hai khiến 10 thuỷ thủ mấy tích đã buộc Hải quân Mỹ phải tạm dừng hoạt động để điều tra và tập trung vào an toàn.

USS John McCain

Tàu USS John S. McCain đi vào hoạt động từ năm 1994 và được đặt tên theo cha và ông nội của thượng nghị sĩ John McCain. Vết thủng trên tàu McCain sau khi va chạm vào tàu chở dầu chạy với tốc độ khoảng 20km/h vào sáng sớm thứ Hai tuần này.

Theo báo Singapore Straits Times, tàu khu trục đã bị thủng mạn tàu bên trái, gây nước tràn vào làm ngập các khoang, bao gồm các khoang ngủ nghỉ, máy móc và phòng thông tin liên lạc bị hư hại. Các nguồn tin cho biết thi thể của 3 trong số 10 thuỷ thủ bị mất tích đã được tìm thấy và đang chờ nhận diện. 5 thuỷ thủ khác bị thương.

Đây là vụ tai nạn mới nhất của hải quân Mỹ. Trước đó, hồi tháng Sáu đã xảy ra vụ va chạm khi tàu khu trục USS Fitzgerald đâm vào một tàu chở hàng ngoài khơi Nhật Bản làm 7 thuỷ thủ Mỹ thiệt mạng.;

Hai vụ va chạm gần đây nhất của chiến hạm Mỹ với các tàu chở hàng thương mại đã khiến cộng đồng hàng hải quốc tế ngạc nhiên. Các vụ va chạm chết người giữa các tàu chở hàng lớn là cực hiếm, thậm chí thực tế trên đại dương số lượng tàu chở hàng và chở dầu trên biển lớn hơn rất nhiều so với tàu hải quân.

Dưới đây là một số câu hỏi được băn khoăn nhất về nguyên nhân dẫn đến tàu USS John S. McCain được trang bị thiết bị tối tân bị tàu chở hàng đâm thủng.

1. VỤ TAI NẠN DO LỖI CỦA CON NGƯỜI HAY KỸ THUẬT?

Một đánh giá sơ bộ của hải quân Mỹ về vụ va chạm hồi tháng Sáu của tàu khu trục USS Fitzgerald cho rằng có nhiều lỗi cá nhân. Hàng tá thuỷ thủ đã bị kỷ luật, bao gồm hai quan chức cấp cao và một thuỷ thủ nghĩa vụ ngay cả khi cuộc điều tra đang diễn ra.

Trong số các nguyên nhân khác có việc chỉ huy tàu Fitzgerald đã không có mặt trong buồng lái khi vụ tai nạn xảy ra, mặc dù theo quy định thuyền trưởng phải có mặt khi các tàu khác đang đi ngang qua.

Theo thống kê của hãng bảo hiểm Allianz, hơn ¾ số vụ tai nạn hàng hải là do lỗi của con người. Các vụ va chạm thường liên quan đến tổng hợp nhiều yếu tố như thiết bị hỏng hóc và mất liên lạc giữa các cán bộ của tàu.

Trong trường hợp của tàu USS McCain, một quan chức hải quân Mỹ trả lời phỏng vấn hãng CNN rằng con tàu này đã bị "hỏng bánh lái" khi nó bắt đầu tiến vào eo biển Malacca, dẫn đến va chạm với tàu chở dầu hôm thứ Hai vừa qua.

Vị quan chức này nói vẫn chưa rõ tại sao thuỷ thủ đoàn không thể tận dụng hệ thống bánh lái dự phòng để duy trì kiểm soát con tàu.

Trước đó, một quan chức Hải quân Mỹ khác nói với CNN rằng có những dấu hiện cho thấy tàu khu trục hiện đại này đã bị mất lái ngay trước khi vụ va chạm xảy ra, nhưng sau đó đã giành lại được kiểm soát.

Đô đốc Scott Swift, chỉ huy hạm đội US Pacific Fleet, tại cuộc họp báo hôm qua ở Singapore nói rằng không có dấu hiệu của các vụ tấn công mạng trong vụ việc.

2. CÓ PHẢI BÓNG ĐÊM VÀ LƯU LƯỢNG HÀNG HẢI ĐÔNG ĐÚC LÀM CHO MỌI THỨ TRỞ NÊN TỒI TỆ HƠN?

Giống như Fitzgerald, tàu McCain đang di chuyển trong một vùng biển đông đúc trong bóng đêm khi vụ tai nạn xảy ra, khiến cho khả năng lỗi do con người cao hơn.

Vùng biển nơi vụ việc xảy ra – eo biển Singapore, một dải rộng 10 dặm với đông đúc tàu di chuyển giữa Ấn Độ Dương và biển Đông – là một khúc ngoặt tiềm tàng và yêu cầu phải  có sự cảnh giác cao độ.

Thuyền trưởng Rahul Khanna, người đứng đầu bộ phân tư vấn rủi ro hàng hải của Allianz trong trả lời báo Washington Post cho rằng vùng biển ngoài Singapore đặc biệt đông đúc và khó định vị với các luồng tàu liên tục chờ ngoài khơi để bốc dỡ hàng và đi ngang qua sau khi tiếp nhiên liệu.

"Đây là một môi trường rất động. Đây là những khu vực có rất nhiều tàu thuyền qua lại", ông Khanna, người đã có kinh nghiệm hai năm làm thuyền trưởng tàu chở dầu nói. "Nó đòi hỏi mức độ nhận thức tình huống cao nhất khi đi qua và mọi thuỷ thủ đều biết điều đó".

Các tàu thường không ở lại trong các khu vực giao thông được chỉ định. Vào buổi tối, nhiều tàu hàng sáng đèn trên boong tàu để cảnh giác cướp biển địa phương, nhưng ánh sáng chói loà cũng có thể làm giảm tầm nhìn của các thuỷ thủ quan sát các tàu đang đến gần, theo New York Times.

Vụ va chạm hôm thứ Hai diễn ra lúc 5h24p sáng.

3. THUỶ THỦ ĐOÀN ĐÃ ĐƯỢC HUẤN LUYỆN TỐT ĐỂ ĐỐI PHÓ VỚI TAI NẠN?

Để đối phó với những thách thức này, những thuỷ thủ bổ sung được chỉ định như những người quan sát và những thuỷ thủ khác được bổ sung dưới boong để hỗ trợ trong trường hợp lái hoặc động cơ gặp vấn đề.

Sĩ quan chỉ huy, quản lý hoặc hoa tiêu của tàu thường ở trong buồng lái trong suốt hải trình. Nhóm hoa tiêu thường xuyên tổ chức các cuộc trao đổi nhanh trước khi tiến vào vùng nước hẹp.

Các sĩ quan vận hành radar và thông tin chiến đấu cũng theo dõi các tàu qua lại.

"Anh phải cẩn thận hơn. Nhóm buồng lái của anh phải vận hành cực tốt. Họ phải được huấn luyện đủ tốt để đối phó với mọi tình huống", ông Khanna nói.

Đô đốc John Richardson, chỉ huy các hoạt động hải quân Mỹ nói cuộc điều tra sẽ kiểm tra việc làm việc nhóm và kỹ năng thuỷ thủ cơ bản.

Một cuộc đánh giá rộng hơn của Hạm đội 7 đóng tại Nhật Bản sẽ xem xét tốc độ hoạt động của tàu, các vấn đề về tính sẵn sàng, gồm bảo dưỡng, thiết bị và cá nhân thuỷ thủ; và liệu hạm đội có huấn luyện sĩ quan và thuỷ thủ phù hợp chưa?

Ba trong số bốn tàu hải quân liên quan đến tai nạn kể từ đầu năm nay dưới sự chỉ huy của Hạm đội 7.

Hàng loạt vụ va chạm của hải quân Mỹ trong năm nay, trong bối cảnh an toàn hàng hải đã được cải thiện, cho thấy hải quân Mỹ có lẽ cần phải làm nhiều hơn để huấn luyện sĩ quan trong buồng lái, theo thuyền trưởng Harry Bolton, giám đốc các chương trình hàng hải của học viện Hàng hải thuộc Đại học California.

4. CÓ PHẢI HẢI QUÂN VÀ THUỶ THỦ MỸ BỊ QUÁ TẢI?

Các nhà phân tích nói rằng các vụ va chạm dấy lên một loạt câu hỏi về liệu hải quân Mỹ có bị quá tải ở châu Á do phải đối phó với sự hung hăng của Trung Quốc ở biển Đông và tham vọng hạt nhân của Bắc Triền Tiên, theo hãng tin AFP.

Tàu McCain đang tiến về trạm dừng thường lệ ở Singapore sau khi tiến hành "hoạt động tự do hàng hải" hồi đầu tháng Tám trên biển Đông gần rặng đá ngầm Mischief ở quần đảo Trường Sa đang có tranh chấp.

Trong một bài đăng trên blog hôm qua, 22/8, tờ National Interest của Mỹ nói rằng thực tế hải quân Mỹ đang buộc hạm đội của họ phải làm việc nhiều hơn với số tàu ít hơn để thực hiện sứ mệnh toàn cầu có thể góp phần vào hai vụ tai nạn gần đây nhất.

"Hạm đội chiến đấu của Mỹ đã quá tải rồi", ông Seth Cropsey, giám đốc Trung tâm American Seapower của Học viện Hudson nói.

Do hạm đội này bị thúc ép quá nên Hải quân có thể đang sử dụng thời gian trên biển của họ để huấn luyện trong khi triển khai hoạt động, theo ông Jerry Hendrix, Giám đốc Chiến lược quốc phòng và Chương trình Đánh giá tại Trung tâm An ninh Mới của Mỹ.

Trong một bài xã luận gay gắt, tờ Global Times của Trung Quốc cho hay các tàu chiến Mỹ thường xuyên tuần tra ở khu vực châu Á Thái Bình Dương và các vụ va chạm giữa các tàu chiến Hoa Kỳ với tàu buôn là một lời cảnh báo với người Mỹ rằng họ nên kiềm chế bản thân.

Nhưng đô đốc Swift, phản hồi câu hỏi liệu vụ va chạm có phản ánh rằng thuỷ thủ Mỹ làm việc quá sức và không được huấn luyện thích hợp, đã nói rằng: "Tôi không khi đó là nguyên nhân. Tôi ở trên tàu John S. McCain, nhìn vào mắt của từng thuỷ thủ. Thậm chí sau những nỗ lực anh hùng, tôi không thấy có sự mệt mỏi, kiệt sức".

5. TẠI SAO TÀU CHỞ DẦU KHÔNG BỊ HỀ HẤN GÌ?

So với tàu McCain, tàu chở dầu mang cờ Liberia có tên là Alnic MC chở gần 12.000 tấn dầu từ Đài Loan tới Singapore hầu như không bị tổn hại gì. Không thuỷ thủ nào bị thương và dầu trên tàu không bị tràn ra ngoài.

New York Times đưa tin các tàu hải quân dễ bị tổn hại một cách bất bình thường nếu chúng bị dính vào các vụ va chạm và những điểm yếu này có thể giải thích tại sao có rất nhiều thuỷ thủ thiệt mạng hoặc biến mất trong hai vụ tai nạn vào mùa hè này.

Các thủy thủ của tàu hải quân có giường ngủ gần mực nước, do đó các giường này có thể bị ngập nhanh chóng sau vụ va chạm.

Ngược lại, thuỷ thủ của các tàu hàng thường ngủ trên cabin gần lưng tàu, phía trên hàng hoá và động cơ, xa với mực nước biển.

"Kiến trúc của các tàu này là rất khác nhau", theo Basil M. Karatzas, một nhà môi giới tàu lâu năm ở New York.

Các nhà thiết kế quân đội đã cố giữ bí mật tàu hải quân nhất có thể để tránh là mục tiêu của súng, hoả tiễn, máy bay của kẻ thù, và đã tránh đặt khu vực nghỉ ngơi của thuỷ thủ trên cao so với mặt nước.

Hầu như tất cả các tàu chở dầu đều có thân tàu đôi, cũng như khoảng 1/3 khoang vận tải khô, chuyên chở hàng hoá như ngô và quặng sắt. Những chiếc tàu này có một khoảng không gian giữa thân tàu bên trong và bên ngoài đóng vai trò đệm trong những vụ va chạm nhỏ và điều này đã làm cho dầu mỏ tràn lan trong những năm gần đây ít khi các tàu chở dầu chạm vào các tàu khác.

Tuy nhiên, tàu quân sự ít khi có không gian rỗng rộng như vậy bởi vì chúng được thiết kế để chạy trơn tru và nhanh.

Minh Hương

Chủ đề khác