VnReview
Hà Nội

Trẻ em chính là chìa khóa của một bí ẩn triết học kéo dài tới 2000 năm

Bạn đã bao giờ tự hỏi, vì sao chúng ta có thể nhận thức được những gì xung quanh chúng ta hay chưa?

Nhà tâm lý học phát triển Alison Gopnik đã công bố vô số các nghiên cứu của mình trên những tạp chí có uy tín. Những gì bà làm bao gồm việc làm thế nào trẻ em lại cởi mở hơn người lớn (và thường học hỏi tốt hơn) và cách chúng tiếp cận với thế giới (giống như cách của các nhà khoa học). Mỗi phát hiện đều có ý nghĩa riêng của mình, nhưng nói chung, bà đang tìm cách để giải quyết "câu hỏi lớn nhất, sâu sắc nhất trong triết học".

Theo Quartz, câu hỏi đó, về cơ bản, là làm thế nào chúng ta có thể nhận thức được những gì ở xung quanh chúng ta. Đối với một người bình thường, câu trả lời có vẻ rất hiển nhiên: Chúng ta có các giác quan để nhìn, nghe và cảm nhận. Nhưng các giác quan của chúng ta cung cấp các thông tin bị giới hạn và không hoàn hảo. Chúng ta thường cho rằng những gì chúng ta thấy là sự phản chiếu chính xác của thực tế, bởi vì chúng ta chỉ có thể chứng kiến thế giới qua đôi mắt của mình. Nhưng điều này cũng có nghĩa là chúng ta bị hạn chế bởi chính tầm nhìn của mình.

Chúng ta cũng có "kiến thức trừu tượng", một sự hiểu biết về các khái niệm mà không phụ thuộc vào các chủ thể vật lý, như số "5" vậy. Chúng ta có thể chỉ ra 5 cái bút chì và cộng chúng lại với nhau, nhưng chúng ta không cần phải đề cập đến 5 đối tượng nhất định để hiểu khái niệm "5". Các đối tượng trừu tượng khác bao gồm hình dáng, bản chất của màu sắc, và các ý tưởng vô định hình như công lý và nhân loại. Bách khoa toàn thư Stanford đã liệt kê thêm một vài thứ nữa: "tốt, đẹp, sự bình đẳng, sự giống và khác nhau, sự tương đồng, thay đổi …"

Bà Gopnik nói: "Tất cả những gì đưa chúng ta đến với thế giới là một loạt các photon va vào võng mạc của chúng ta. Làm thế nào để chúng ta biến những thông tin hỗn loạn, không đầy đủ này thành những vật cụ thể và có ý nghĩa?" Làm thế nào chúng ta có thể hiểu được rất nhiều thông tin bị hạn chế đến với chúng ta bằng các giác quan? Các triết gia đã cố gắng giải quyết vấn đề này trong hơn 2000 năm, bắt đầu với Plato và Aristotle.

Nói một cách khái quát, Plato lập luận rằng chúng ta có kiến thức về những vật thể trừu tượng này độc lập với các trải nghiệm cảm giác. (Do vậy, chúng ta biết rằng có 5 chiếc bút chì vì chngs ta hiểu được khái niệm trừu tượng "5"). Trong khi đó, Aristotle lại thấy chúng ta không được sinh ra với những hiểu biết như vậy, và tất cả kiến thức của chúng ta đều xuất phát từ kinh nghiệm. Theo ông, chúng ta chỉ có kiến thức trừu tượng về "5" sau khi đã nhìn thấy đủ các ví dụ về 5 đối tượng cụ thể. Bà Gopnik chia sẻ: "Hai cách tiếp cận từ trên xuống dưới so với từ dưới lên trên, chủ nghĩa tự nhiên so với thực nghiệm để trả lời câu hỏi này đã vang vọng xuyên suốt chiều dài lịch sử".

Plato và Aristotle

Thay vì tập trung vào việc người lớn hiểu thế giới như thế nào, bà tin rằng câu trả lời nằm ở cách trẻ em tìm hiểu về thế giới. Theo nhiều cách, có vẻ như chúng được sinh ra với một lượng lớn kiến thức. Tuy nhiên, chắc chắn là chúng sẽ mắc các sai lầm, và tìm ra các cách giải quyết nhờ vào trải nghiệm cảm giác. Theo bà, "Không phải những gì trẻ đang làm chỉ đơn giản là đưa các chi tiết vào những giả thiết mà chúng đã biết từ trước. Nó giống như kiểu chúng đang thực sự học hỏi về thế giới. Nhưng nó cũng giống như thể chúng có các kiến thức trừu tượng về thế giới từ thời điểm chúng được sinh ra, hoặc ít nhất là từ khi chúng còn rất nhỏ".

Các nghiên cứu của bà đã cho thấy được bản năng của bà, cho thấy rằng trẻ sơ sinh biết nhiều điều từ rất sớm (ví dụ, khi được 18 tháng tuổi, các em bé sẽ hiểu được rằng chúng ta không phải ai cũng muốn những thứ giống nhau), nhưng đồng thời thì chúng cũng thay đổi suy nghĩ của mình dựa trên kinh nghiệm. Các nghiên cứu của Gopnik cũng đã làm tăng trọng lượng của "thuyết giả thuyết", rằng trẻ học hỏi về thế giới giống như cách các nhà khoa học tạo ra các khám phá mới: Bằng cách phát triển các giả thuyết và điều chỉnh chúng dựa trên những kinh nghiệm mới.

Tuy nhiên, điều này đặt ra câu hỏi về cách trẻ phát triển các giả thuyết này ngay từ đầu. Gopnik tin rằng thời kỳ thơ ấu vô cùng đặc biệt của chúng ta, với gần như không có bất kì trách nhiệm nào cả, là chìa khóa để con người phát triển và thử nghiệm những ý tưởng mới.

Có một sự căng thẳng trong cuộc đời của người lớn, giữa việc thử nghiệm những thay đổi cấp tiến (nếu thú vị) với hành vi tìm kiếm một giải pháp thông minh hơn, và cố gắng tiếp cận với những sự thay đổi một cách an toàn hơn. Tuổi ấu thơ là lúc chúng ta có thể khám phá tất cả các giả thuyết mà không phải chịu gánh nặng của việc đưa ra quyết định; người lớn sẽ theo dõi để đảm bảo mọi thứ không bị sai sót. Bà Gopnik khẳng định: "Sự thật là thời thơ ấu chính là một trong những cách giải quyết sự căng thẳng giữa lý thuyết của Plato và Aristotle".

Điều này cho thấy trẻ em được sinh ra với một số kiến thức trừu tượng cơ bản và dựa vào kinh nghiệm để kiểm tra một lượng lớn các lý thuyết, đồng thời xây dựng kiến thức về các khái niệm trừu tượng khác.

Câu hỏi làm thế nào tri thức được hình thành cũng có liên quan đến trí tuệ nhân tạo. Bà Gopnik chia sẻ rằng các nhà khoa học máy tính từ DeepMind của Google và đội ngũ AI của Uber đã từng đến nói chuyện với bà và các nhà tâm lý học phát triển khác để xem liệu hai lĩnh vực này có thể hợp tác với nhau hay không, và máy tính có thể bắt chước các mô hình mà trẻ em sử dụng hay không.

Cách tốt nhất để tạo ra AI là khiến nó suy nghĩ giống như trẻ em

Nếu chúng ta muốn tạo ra các máy móc với sự thông minh giống như con người, Gopnik nhận định các máy tính sẽ phải được lập trình để suy nghĩ giống như trẻ em. Tầm quan trọng của trẻ em với AI cũng đã được ghi nhận trong bài báo nổi tiếng của Alan Turing năm 1950 về sự thông minh của máy móc. Ông viết: "Thay vì cố gắng tạo ra một chương trình để mô phỏng trí óc của người lớn, tại sao không thử tạo ra một mô hình mô phỏng của trẻ nhỏ?"

Gopnik cũng đã quen với việc tầm quan trọng của trẻ em bị gạt bỏ. Bà nói: "Bất kì ai làm nghề tâm lý học phát triển, đặc biệt nếu bạn là phụ nữ, đều đã từng trải qua cảm giác đó. Việc bạn làm không khác gì một giáo viên mẫu giáo vậy". Trong buổi review cuốn sách The Philosophical Baby của bà với trang New York Times, nhà phê bình đã từng nói "có lẽ trẻ em bị gạt bỏ khỏi triết học đơn giản là vì về mặt tổng thể, chúng không thực sự liên quan". Hoặc như bà Gopnik lập luận: "Các triết gia hầu như đều là nam giới và đa số đều độc thân".

Gopnik bắt đầu sự nghiệp của mình ở lĩnh vực triết học trước khi chuyển sang tâm lý học, và bà nói rằng bà sẽ không bao giờ có thể thực sự chắc chắn rằng bà không rời bỏ triết học, vì nó bác bỏ cả trẻ em và phụ nữ.;"Có lẽ những gì bạn nên làm là lấy lại tất cả những điều mà trước đây đã từng bị đối xử với thái độ khinh thường chỉ vì nó có liên quan đến phụ nữ, như cảm xúc và thời thơ ấu, nói rằng chúng cũng nghiêm trọng và cho chúng ta biết thêm về tình trạng của con người".

Văn Hoàn

Chủ đề khác