VnReview
Hà Nội

Cách mạng trí tuệ nhân tạo sẽ tác động thế nào đến tương lai của lực lượng lao động? (phần 1)

Một hội nghị về trí tuệ nhân tạo gần đây đã đưa ra những quan điểm trái ngược so với ý kiến ở nhiều hội nghị công nghệ khác. Trong mắt các chuyên gia kinh tế và công nghệ hàng đầu thì cuộc cách mạng trí tuệ nhân tạo sẽ tác động như thế nào đến việc làm trong tương lai?

Mời bạn đọc theo dõi loạt bài 3 phần lược dịch từ PC Mag, do VnReview chuyển ngữ.

<;Giải mã 5 suy nghĩ sai lầm về AI

Trí tuệ nhân tạo (AI) đang kiểm soát chúng ta như thế nào? 

PHẦN 1: CÁCH MẠNG AI: THỜI CƠ, Ý NGHĨA VÀ TIỀM NĂNG

Trí tuệ nhân tạo sẽ có tác động sâu sắc đến cách chúng ta làm việc và dĩ nhiên cũng ảnh hưởng tới phân phối thu nhập, số công việc có sẵn. Tại hội nghị về trí tuệ nhân tạo và công việc trong tương lai (AI and the Future of Work) hồi đầu tháng 11 vừa qua ở Mỹ, các chuyên gia cho rằng thay đổi sẽ đến, tuy không nhanh hay khác biệt như số đông thường nghĩ.

Đó là một hội nghị tập hợp các nhà lãnh đạo hàng đầu về kinh doanh, kinh tế, công nghệ, kiến tạo tầm nhìn... do 2 tổ chức trực thuộc học viện công nghệ Massachusetts (MIT) trình bày: phòng thí nghiệm trí tuệ nhân tạo (CSAIL), Sáng kiến về Kinh tế Số. Mục đích cuối cùng của sự kiện quan trọng này, theo website hội nghị, là một lời kêu gọi hành động để chúng ta đưa ra những lựa chọn khôn ngoan hơn, tạo ra nhiều cơ hội công việc tận dụng được các công nghệ thông minh cho nền kinh tế.

Khai mạc hội nghị, chủ tịch MIT Rafael Reif phát biểu: dù thấy rõ một thay đổi lớn đang diễn ra nhưng hầu hết mọi người vẫn mơ hồ về cách ứng phó với thay đổi này. Theo Reif, đã có những CEO đang sa thải hàng trăm người làm những công việc bị tự động hóa thay thế, đồng thời họ cũng có hàng trăm công việc khác không thể lấp đầy vì không tìm được người có kỹ năng phù hợp. Reif cho rằng, nếu chúng ta muốn các tiến bộ công nghệ đem lại lợi ích cho mọi người, chúng ta phải sáng tạo lại tương lai việc làm một cách thấu đáo.

Chủ đề đầu tiên được PC Mag tường thuật là vì sao cuộc cách mạng AI lại diễn ra vào lúc này và nó có ý nghĩa gì trong tương lai.

(từ trái sang: John Markoff, Erik Brynjolfsson, Kai-Fu Lee, James Manyika, Mona Vernon)

Giám đốc Sáng kiến về Kinh tế Số của MIT Erik Brynjolfsson đã nói về "thời đại máy thứ hai" cho phép chúng ta tăng thêm cơ bắp lẫn não bộ, một bước ngoặt trong lịch sử nhân loại.

Đi cùng với bước tiến này là "sự phân chia lớn", tình trạng năng suất lao động đã đạt mức kỷ lục nhưng thu nhập bình quân từ những năm 1990 vẫn không tăng (ảnh dưới). Điều này không thuộc về trách nhiệm của công nghệ mà nằm ở cách chúng ta sử dụng công nghệ, theo Brynjolfsson.

The Great Decoupling-"Sự phân chia lớn", tình trạng năng suất lao động đã đạt mức kỷ lục nhưng thu nhập bình quân từ những năm 1990 vẫn không tăng

Một trong những nhà sáng tạo về AI hàng đầu Trung Quốc, Kai-Fu Lee, CEO Sinovation Ventures (một trong ba tập đoàn công nghệ lớn nhất Trung Quốc) là người lạc quan nhất về sự hủy diệt công việc.

Kai-Fu Lee nói về bốn làn sóng công nghệ dẫn tới 4 loại công ty khác nhau: dữ liệu internet và những gã khổng lồ giàu sụ như Google và Facebook; dữ liệu thương mại, nhận dạng hình ảnh y khoa và phát hiện lừa đảo; "thế giới thực được số hóa" và các thiết kế ở trung tâm mua sắm, sân bay như máy ảnh, Amazon Echo; tự động hóa hoàn toàn như robot và các thiết bị tự điều khiển.

Theo Lee, làn sóng thứ nhất đã không có nhiều ảnh hưởng đến công việc, nhưng các làn sóng thứ hai và thứ ba đã loại bỏ nhiều công nhân cổ trắng và làn sóng thứ tư chủ yếu đánh vào các công nhân cổ xanh. Vì vậy, ông kỳ vọng là các công nhân cổ trắng sẽ là bộ phận đầu tiên bị xáo trộn, điển hình như nhiều công ty Trung Quốc, trong đó có phần mềm nhận dạng gương mặt Face++ của Megvii' sẽ thay thế 911 nếu được triển khai rộng rãi. Hay Yibot, một chatbot thay thế các công nhân dịch vụ khách hàng. Rồi Yongqianbao, một ứng dụng cho vay tài chính thông minh sẽ thay thế các nhân viên cho vay.

Tuy vậy, nhìn chung cách mạng AI sẽ làm sụt giảm chứ không thay thế các công việc, vì vậy chúng ta phải giải quyết nạn thất nghiệp do AI gây ra. Các giải pháp mà Lee đề nghị là: xóa bỏ đói nghèo, sáng tạo lại giáo dục để tập trung vào các "công việc bền vững", là các công việc có tính sáng tạo và dịch vụ xã hội mà AI không thể thay thế, tạo thêm các công việc định hướng xã hội và chăm sóc, đưa "đạo đức công việc thời công nghiệp" về hưu.

Với James Manyika, chủ tịch học viện McKinsey toàn cầu thì AI và tự động hóa đem lại lợi ích khổng lồ cho các doanh nghiệp, nền kinh tế và xã hội nhưng tác động của chúng đến công việc thì chưa chắc chắn.

Theo một nghiên cứu gần đây về tự động hóa của McKinsey, phân tích các nhiệm vụ liên quan cho thấy chỉ có 5% công việc là có thể tự động hóa gần như 100%, khoảng 60% công việc có thể tự động hóa 30%. Kết quả là sẽ có một số việc biến mất và nhiều công việc khác trải qua các thay đổi lớn. Vấn đề mà James đặt ra là liệu có đủ số lượng công việc không, và các công việc này sẽ thay đổi như thế nào?

Còn giám đốc công nghệ Thomson Reuters Labs (phòng thí nghiệm của một trong những công ty truyền thông hàng đầu thế giới) Mona Vernon nói về việc trao "siêu quyền lực" cho các luật sư và nhà báo. Theo bà, chúng ta làm điều đó bằng việc sáng tạo các phần mềm vượt trội hơn các đồ thị kiến thức khổng lồ. Bà cho rằng AI đang thay đổi "kiến trúc của công ty" khi chúng ta làm cho nó có thể trả lời những câu hỏi mà nó không thể làm được ở thời điểm 10 năm trước. Mona cũng lưu ý là chúng ta cần một cú nhảy lớn để có thể đi từ các lý giải AI "nghệ thuật khả thi" sang việc thực thi ở cấp độ sản xuất.

Điều phối viên John Markoff (cựu phóng viên nhiều năm kinh nghiệm ở New York Times và là đồng sự ở trung tâm nghiên cứu khoa học hành vi cao cấp tại Stanford) đặt vấn đề: nếu công nghệ quá tốt như thế thì vì sao ngày nay vẫn có quá nhiều công việc?

Trả lời câu hỏi này, giám đốc Brynjolfsson cho rằng chúng ta đã tạo ra nhiều công việc trong 40 năm trở lại đây. Tuy nhiên đó không phải là những công việc tốt và thu nhập bình quân không tăng, vì vậy"sau cùng thì chúng ta không nên tự mãn" về chúng. Ông không tin vào chủ nghĩa tất định công nghệ (triết lý cho rằng công nghệ là cái tất yếu đã được định sẵn, không chịu sự chi phối của ý chí tự do). Theo giám đốc Brynjolfsson, chúng ta cần có những chính sách đúng đắn trong các lĩnh vực giáo dục và khởi nghiệp.

Đón xem phần 2: Ảnh hưởng của tự động hóa đến số lượng việc làm và các giới hạn về khả năng của AI

 

Steve Trần

Chủ đề khác