VnReview
Hà Nội

Câu chuyện của những nhà phát minh nông dân và bài toán nhân rộng sáng kiến nhà nông (phần 2)

Đất nước châu Á có dân số cao thứ hai thế giới, nơi nổi tiếng với nhiều sáng kiến xanh sạch rẻ dành cho người nghèo đã quản lý các sáng kiến nhà nông của mình như thế nào? Mời bạn đọc đến với phần 2 của loạt bài nhiều kỳ về các nhà phát minh nông dân tài năng do VnReview tổng hợp: Các mạng lưới sáng kiến ở Ấn Độ.

< Những nhà phát minh nông dân và bài toán nhân rộng sáng kiến nhà nông (phần 1)

Phần 2: Các mạng lưới sáng kiến ở Ấn Độ

(Ảnh: Thomson Reuters Foundation)

Một mô hình lưu giữ sáng kiến tiêu biểu của Ấn Độ là Mạng Ong Mật (Honey Bee Network), một cơ sở dữ liệu nguồn mở chia sẻ miễn phí các sáng chế, sáng kiến, những kinh nghiệm truyền thống từ nguồn tri thức chưa được khai thác trong nhân dân. Ong Mật được hình thành từ năm 1989, đứng đầu bởi giáo sư Anil Gupta đến từ Học viện Quản lý Ấn Độ (IIM), một trong những trường kinh doanh hàng đầu Ấn Ðộ có trụ sở tại Ahmedabad.

Giáo sư Anil Gupta có bằng đại học về nông nghiệp, thạc sĩ về di truyền hóa sinh và bằng tiến sĩ về quản lý. Ông nhận chức giáo sư tại trung tâm quản lý nông nghiệp ở IIM từ năm 1981. Sáng lập Ong Mật cùng một số chuyên gia công nghệ, Anil Gupta đã đi tiên phong ở Ấn Độ trong việc tạo ra những thay đổi đời thường trong dân chúng bằng cách khai thác sự giàu có kiến thức từ những khu vực yếu hơn về mặt kinh tế trong xã hội, theo Asia Times Online.

"Nghèo đói về kinh tế không có nghĩa là nghèo kiến thức. Nhưng người nghèo ở đáy của kim tự tháp kinh tế cũng thường bị xem là đứng ở đáy của kim tự tháp kiến thức. Không gì có thể xa rời sự thật", giáo sư chia sẻ.

Giáo sư Anil Gupta, người sáng lập mạng lưới sáng kiến Ong Mật (Ảnh: TED blog)

Để chứng minh sự thông thái không dựa trên bằng cấp, mạng Ong Mật đã xây dựng được cơ sở dữ liệu lớn chưa từng có, bao gồm 140.000 sáng kiến của nông dân, dân làng và nhiều nhà sáng chế ở các thị trấn nhỏ Ấn Ðộ (số liệu trong 21 năm từ 1989-2010).

Gần 200 ngàn sáng kiến bền vững và sẵn sàng để đặt hàng trong mạng Ong Mật được chia thành 34 loại: từ các công cụ và kỹ thuật nông nghiệp, bảo tồn nguồn nước, các sáng kiến về giáo dục và y tế, thực phẩm và dinh dưỡng, các phương thuốc truyền thống và đồ dùng gia dụng và công nghiệp.

Các phát minh của nông dân Ấn Độ cũng có điểm chung với sáng kiến của nông dân Việt Nam, đó là nhiều tác giả của chúng không được học hành tử tế, cũng không qua đào tạo kỹ thuật bài bản mà hầu hết đều tự mày mò nghiên cứu từ thực tiễn sản xuất: Nông dân Mansukh Jagani chế ra một chiếc máy cày điều khiển bằng xe máy trên các cánh đồng khô hạn, nơi người nghèo không mua nổi máy cày hay trâu; Uttam Patil làm ra diêm từ xơ tự nhiên nguồn gốc từ chất thải nông nghiệp. Hay Bachu Thesia nghĩ ra bóng đèn tiết kiệm điện chống trộm, bên trong bóng kính có đặt một miếng giấy ghi tên chủ nhà giúp nhận diện bóng đèn bị đánh cắp trong nhà và trên cánh đồng.

Hoạt động của Ong Mật dựa trên sự trợ giúp của các tình nguyện viên, các viện sĩ, nhà khoa học, doanh nhân, nhà hoạch định chính sách cùng tham gia thu thập, khảo sát, khuếch trương và chia sẻ hiểu biết từ mạng lưới. Ngoài ra, Ong Mật cũng có một nhóm các chuyên gia khoa học kỹ thuật hỗ trợ các sáng chế của nông dân.

Không chỉ vậy, Ong Mật còn kết hợp với các tổ chức hỗ trợ liên quan khác ở Ấn Ðộ như Quỹ sáng kiến quốc gia (NIF), Hiệp hội nghiên cứu và sáng kiến vì các công nghệ và thể chế bền vững (SRISTI), Mạng lưới tăng cường sáng kiến người dân (GIAN), Câu lạc bộ sáng kiến và Mạng lưới trường đại học nông thôn. Các tổ chức xuyên liên kết này giúp người dân kiểm tra phát kiến, sáng chế, làm hồ sơ cấp bằng sáng chế, tìm nhà đầu tư để phát triển, sản xuất và đưa ra thị trường các sản phẩm mới giá rẻ, thân thiện môi trường. Những nhà phát minh nhỏ cũng có cơ hội kiếm tiền từ các sáng chế của họ. "Nếu cần, chúng tôi sẽ giúp các nhà sáng chế nộp hồ sơ cấp bằng sáng chế cho những sáng kiến có khả năng thương mại hóa", giáo sư Gupta cho biết.

(Ảnh: Rediff)

Các nhà sáng tạo tham gia vào Ong Mật cũng có thể xin cấp bằng ở Mỹ với những quy định nghiêm ngặt, điều đó cho thấy sáng chế của người dân bình thường cũng có chất lượng kỹ thuật không thua kém các nhà khoa học được đào tạo bài bản.

Mạng Ong Mật hiện có mặt tại 75 quốc gia với mục đích lưu giữ phát kiến của các nhà phát minh ở nông thôn và thị trấn nhỏ, ngăn ngừa việc khai thác kiến thức truyền thống, các tập đoàn công nghệ sinh học đa quốc gia bị cáo buộc đăng ký sáng chế kiến thức y khoa truyền thống Ấn Độ.

"Ong Mật, đúng với ý nghĩa ẩn dụ của nó, là nguồn thụ phấn và kết hợp thụ phấn cho các ý tưởng, sự sáng tạo và thiên tài bình dân, mà không bao giờ lấy đi hạt phấn từ hoa", theo bài giới thiệu trên website Ong Mật.

Hoạt động của Ong Mật và những tổ chức liên quan ở Ấn Độ như SRISTI, GIAN và NIF đã được nhiều báo đài quốc tế đưa tin.

Clip của đài France24 về mạng lưới sáng kiến Ong Mật

Hàng nghìn những ý tưởng và những sản phẩm sáng tạo như ở Mạng Ong Mật cũng có mặt trong những mạng lưới sáng kiến khác ở khắp Ấn Độ, ví dụ như cơ quan "Hỗ trợ kinh doanh và công nghệ nông thôn" của Viện Công nghệ Ấn Ðộ (IIT) ở Chennai. Hay Digital Green là một dự án nghiên cứu của Microsoft Research India có mục tiêu giúp đỡ nông dân nhỏ ở các nước đang phát triển gia tăng năng suất bằng biện pháp trao đổi thông tin với chi phí thấp, ví dụ các tương tác cá nhân giữa nông dân với nhau và với các chuyên gia. Digital Green sẽ ghi băng những sáng kiến, cải tiến nông nghiệp của nông dân trong làng và chia sẻ với các làng khác. Tại Digital Green, các chuyên gia trình độ cao và nông dân cùng chia sẻ lợi ích khi làm việc chung. Người điều hành Digital Green ở Bangalore là Rikin Gandhi, thạc sĩ công nghệ hàng không ở Mỹ là một đại diện cho làn sóng di cư ngược về Ấn Độ để giúp đỡ những người dân bình thường.

Một mạng lưới sáng kiến nông thôn khác là Villagro cũng ở Chennai đã đặt cho mình sứ mệnh trở thành "phong trào chuyển hóa lớn với mục đích duy nhất là xây dựng Ấn Ðộ nông thôn thịnh vượng, tất bật với các ý tưởng tăng trưởng và thay đổi đời sống nông thôn qua những sáng kiến". Villagro cho biết, tổ chức này đã có gần 1.500 sáng kiến đem lại lợi ích cho hơn 130.000 người ở nông thôn Ấn Ðộ trong giai đoạn 2001-2010.

Theo giáo sư Gupta, một trong những thách thức quan trọng trong việc tạo ra sự thay đổi là thuyết phục được các công ty lớn đầu tư cho nghiên cứu phát triển các sáng kiến của người dân để thu lợi từ chúng. Xin dẫn lại một minh họa thành công trong vấn đề này từ Asia Times: công ty sản xuất dầu dừa Marico với nhãn hiệu Parachute nổi tiếng có trụ sở ở Mumbai tìm được một người nông dân ở miền Nam Ấn Độ sáng chế ra một thiết bị giúp hái dừa nhanh chóng và an toàn hơn. Người điều hành Marico đã hợp tác với Ban Phát triển Dừa Ấn Độ cùng thương mại hóa sáng kiến này và phân phối loại máy mới tới hàng trăm đại lý dầu dừa trong mạng lưới của Marico. Nhờ đó, năng suất dầu dừa tăng lên, và lợi nhuận của Marico cũng gia tăng, từ 12,6 triệu USD năm 2005 lên 40,6 triệu USD năm 2010.

Clip một số sáng kiến ở nông thôn Ấn Độ trên Discovery

Linh Trần (tổng hợp)

(còn tiếp)

Chủ đề khác