VnReview
Hà Nội

Cách chống dịch của Thụy Điển đã thất bại ngay từ trước khi có đại dịch Covid-19

Nhiều quốc gia đã chỉ trích chính phủ Thụy Điển vì chậm trễ trong việc phong tỏa và giãn cách xã hội. Nhưng thực tế sai lầm chết người của Thụy Điển liên quan đến chăm sóc người già và phân cấp giám sát sức khỏe cộng đồng trước cả khi dịch Covid-19 tới đây.

Thế giới từ lâu đã nhìn vào Thụy Điển như một xã hội kiểu mẫu. Đất nước 10 triệu dân nằm ở Bắc Âu này được biết đến là một quốc gia có phúc lợi tốt, công dân được hưởng mức sống cao, bình đẳng và an sinh xã hội tốt.

Trong vài thập kỷ qua, Thụy Điển cũng nổi lên là một quốc gia nhân đạo khi từ những năm 1990 tới nay, họ đã chấp nhận khoảng 100 ngàn người tị nạn chạy trốn khỏi Balkan và Syria.

Nhưng những hình ảnh đẹp ấy của Thụy Điển đã biến mất trong mắt cộng đồng quốc tế suốt nhiều tháng qua. Thụy Điển là một trong những quốc gia ngoại lệ và khác biệt trên thế giới khi "phớt lờ" lời kêu gọi phong tỏa và giãn cách xã hội để chống Covid-19.

Trong khi nước Ý phong tỏa gần như toàn bộ đất nước để tránh lây lan dịch bệnh hay người Pháp phải xin giấy phép để chạy bộ thì tại Thụy Điển, người dân vẫn ngồi uống bia, dạo chơi và học sinh vẫn đến trường học như bình thường.

Khi ngày càng có nhiều quốc gia áp đặt lệnh phong tỏa, nhiều chuyên gia y tế cho rằng, Thụy Điển đang ưu tiên kinh tế hơn là bảo vệ mạng sống của người dân.

Theo Foreignpolicy, chính quyền Thụy Điển đã nhiều lần tranh cãi về những chỉ trích đó và cho rằng, mục tiêu của đất nước này không khác gì các quốc gia khác, cụ thể là đảm bảo hệ thống chăm sóc sức khỏe của họ không bị quá tải. Tuy nhiên điều đáng nói là chính phủ Thụy Điển chỉ đưa ra các khuyến nghị và không hề có các biện pháp mang tính bắt buộc nào để phòng ngừa và kiểm soát dịch bệnh.

Những lời chỉ trích đối với cách làm của Thụy Điển đang ngày nặng nề hơn khi mới tuần trước số ca tử vong vì Covid-19 tại nước này đã lên tới 5 ngàn người, vượt xa các nước láng giềng. Thậm chí nhiều quốc gia láng giềng đã đưa Thụy Điển vào danh sách cấm khách du lịch dù Na Uy hay Thụy Điển đã mở cửa du lịch từ giữa tháng 6.

Sai lầm của Thụy Điển càng thể hiện rõ hơn khi phần lớn các ca tử vong tại nước này đều là người già, dù đây là nhóm được ưu tiên bảo vệ hàng đầu. Nói cách khác, chiến lược miễn dịch cộng đồng của Thụy Điển đã thất bại một cách thảm hại.

Nhà dịch tễ học Thụy Điển thừa nhận chiến lược chống Covid-19 của nước này "hoàn toàn sai lầm"

Trước đó, nhà dịch tễ học hàng đầu Thụy Điển đã thừa nhận, chiến lược chống dịch Covid-19 theo kiểu "miễn dịch cộng đồng" của nước này hoàn toàn sai lầm và đã dẫn đến nhiều cái chết vô tội.

Miễn dịch cộng đồng được hiểu là khi một quần thể được bảo vệ trước khi tất cả các thành viên trong đó đều miễn dịch. Điều này thường đạt được khi những người bị nhiễm ở xung quanh những người đã có kháng thể và miễn dịch với căn bệnh này nhờ tiêm chủng hoặc có kháng thể tự nhiên.

Anders Tegnell chia sẻ trong một cuộc phỏng vấn với Swedish Radio: "Nếu chúng ta gặp phải căn bệnh tương tự và với cùng sự hiểu biết hiện tại, tôi nghĩ rằng phản ứng của chúng ta sẽ giống như phần còn lại của thế giới làm thôi".

Tegnell là một trong những người chủ trương cách tiếp cận gây tranh cãi của Thụy Điển. Tuy nhiên sau đó, Thụy Điển đã phải thay đổi cách tiếp cận "miễn dịch cộng đồng" vì những hậu quả mà nó để lại quá lớn.

Tại thời điểm thế giới đang gồng mình chống dịch, Thụy Điển và Anh vẫn đang chọn lối đi riêng. Mặc dù Thụy Điển đã cấm tình trạng tụ tập hơn 50 người ở nơi công cộng. Nhưng nước này không có lệnh phong tỏa hoặc giãn cách xã hội. Người dân vẫn có thể tự do đi nhà hàng, mua sắm, tập gym hoặc gửi trẻ dưới 16 tuổi đến trường.

Tegnell ban đầu cho rằng, bản chất lâu dài của đại dịch Covid-19 đòi hỏi phải có một phản ứng mang tính bền vững hơn là phong tỏa đột ngột. Bất chấp những lời chỉ trích từ truyền thông quốc tế, Tegnell vẫn giữ quan điểm về chiến lược miễn dịch cộng đồng và nhận được sự ủng hộ rộng rãi của chính phủ Thụy Điển.

Nhưng khi nhiều quốc gia EU đã và đang bắt đầu gỡ bỏ lệnh phong tỏa, kiểm soát được dịch và dần khôi phục lại nền kinh tế, Thụy Điển lại đang là quốc gia bị bỏ lại phía sau. Thậm chí các công dân Thụy Điển có thể phải chịu thiệt thòi khi nhiều quốc gia Châu Âu vẫn giữ quy định hạn chế các công dân đi từ vùng có nguy cơ cao, ngay cả khi họ thuộc các nước EU.

Ngay từ đầu chiến lược của Thụy Điển vẫn là ưu tiên kinh tế và bỏ mặc các biện pháp cách ly xã hội. Bộ trưởng tài chính của Thụy Điển, Magdalena Andersson cảnh báo, nền kinh tế nước này đang phải đối mặt với cuộc khủng hoảng kinh tế tồi tệ nhất kể từ thế chiến thứ hai. GDP của Thụy Điển dự kiến sẽ giảm 7% trong năm 2020 này.

Nhưng rốt cuộc, cái giá mà Thụy Điển đang phải trả hiện nay là thiệt hại cả về kinh tế lẫn con người. Chính phủ nước này đang dần lo ngại về những sai lầm khi quyết định áp dụng cách chống dịch chẳng giống ai của mình.

Vẫn còn đó làn sóng lây nhiễm thứ hai dù các nước có phong tỏa hay không

Johan Giesecke, cựu nhà dịch tễ học Thụy Điển và là cố vấn của Cơ quan Y tế cộng cộng nước này chia sẻ trên tờ The Lancet cho biết:

"Có rất ít cơ hội để chúng ta có thể ngăn chặn đại dịch lây lan. Phong tỏa có thể trì hoãn số ca nhiễm trong một thời gian dài. Nhưng một khi các hạn chế được nới lỏng, các ca nhiễm sẽ tăng trở lại. Tôi hy vọng rằng khi chúng ta đếm số người chết vì Covid-19 ở mỗi quốc gia trong 1 năm kể từ bây giờ, các số liệu sẽ tương tự nhau, bất kể các biện pháp được thực hiện như thế nào".

Quan điểm trên thoạt nghe có vẻ rất kỳ quặc vì rõ ràng, phong tỏa đã giúp nhiều nước hạn chế được một lượng lớn số người nhiễm và tử vong. Nhưng giống như cách Giesecke lập luận, phong tỏa chỉ có tác dụng trong thời gian ngắn.

Tara Smith, nhà dịch tễ học và giáo sư tại Đại học Y tế công cộng thuộc Đại học Quốc gia Kent khẳng định: "Hầu hết những gì chúng ta biết về các biện pháp phong tỏa và giãn cách xã hội, đó là từ dịch cúm năm 1918. Thời điểm đó, các biện pháp như đóng cửa nhà hàng, các cuộc tụ tập đông người đã giúp giảm tỷ lệ tử vong ở hầu hết các thành phố lớn".

Mặc dù vậy chưa có một dữ liệu nào thống kê về tỷ lệ tử vong trong một thời gian dài sau khi các lệnh hạn chế được dỡ bỏ. Ngoài ra các biện pháp theo dõi, xét nghiệm và điều trị bệnh dịch trước đây của các đã có sự tiến triển đáng kể từ sau thế chiến thứ 1 tới nay.

Lập luận của Thụy Điển là nếu một quốc gia có thể duy trì khả năng chăm sóc sức khỏe toàn diện trong suốt cuộc khủng hoảng, lợi ích duy nhất của việc phong tỏa chỉ là trì hoãn số ca tử vong vì đường cong số ca chết của họ sẽ ngang bằng với các quốc gia khác theo thời gian. Hay nói cụ thể, các nước dù áp dụng lệnh phong tỏa vẫn sẽ phải đối mặt với làn sóng lây nhiễm thứ hai.

Ngày 29/4, một nghiên cứu từ Cơ quan Y tế Công cộng Thụy Điển ước tính, hơn nửa triệu người ở hạt Stockholm, chiếm khoảng 20-25% dân số nước này đã bị nhiễm Covid-19. Sau đó kết quả xét nghiệm kháng thể công bố hôm 20/5 cho thấy, chỉ có 7,3% người có kháng thể trong người sau khi nhiễm.

Và dù sự phát triển của kháng thể có khác nhau tùy người nhưng rõ ràng con số này vẫn thấp hơn đáng kể so với dự đoán của cơ quan y tế Thụy Điển.

Theo một cuộc thăm dò được công bố mới đây của hãng nghiên cứu Ipsos cho thấy, sự tin tưởng vào khả năng chống dịch của chính phủ Thụy Điển đã giảm mạnh. Trong số 1.191 người tham gia khảo sát, chỉ có 45% người có niềm tin vào khả năng xử lý dịch bệnh của chính quyền Thụy Điển. Con số này thấp hơn đáng kể so với 56% trong khảo sát tương tự thực hiện vào tháng Tư.

Bên cạnh đó chỉ có 57% người tham gia khảo sát có niềm tin với Cơ quan y tế cộng cộng Thụy Điển, giảm từ mức 69% hồi tháng Tư. Đặc biệt tỷ lệ ủng hộ thủ tướng Stefan Lofven cũng giảm từ 49% xuống 39% vì cách chống dịch không giống ai của nước này.

Tiến Thanh

Chủ đề khác