VnReview
Hà Nội

Liên Hợp Quốc: Nếu virus không thể giết chúng ta thì biến đổi khí hậu sẽ làm điều đó

Trong bối cảnh đại dịch Covid-19 đang làm lu mờ mọi nỗ lực bảo vệ Trái Đất và chuyển sự quan tâm của con người khỏi các vấn đề biến đổi khí hậu, các quốc gia yếu thế ở ngoài kia vẫn đang khẩn thiết kêu gọi hành động của tất cả quốc gia.

Trong một năm đầy bất trắc như 2020, các nhà lãnh đạo thế giới tại cuộc họp thường niên của Liên hợp quốc (LHQ) diễn ra trong tuần này đang hướng tới tầm nhìn xa hơn và tiếp tục đưa ra những cảnh báo mới: "Nếu COVID-19 không giết chết chúng ta, biến đổi khí hậu sẽ làm điều đó".

Với việc Siberia chứng kiến ​​nhiệt độ ấm kỷ lục trong năm nay và những tảng băng khổng lồ ở Greenland và Canada trượt xuống biển, các quốc gia trên thế giới đang nhận thức sâu sắc một vấn đề rằng, không có bất kỳ một loại vắc xin nào chống được sự nóng lên toàn cầu.

Thủ tướng Frank Bainimarama của quốc đảo Fiji cho biết: "Chúng ta đã chứng kiến một phiên bản của trận chiến Armageddon về môi trường". Ông cũng trích dẫn các vụ cháy rừng ở miền Tây Mỹ và nhấn mạnh Greenland còn lớn hơn một số quốc đảo. Bainimarama nhìn nhận, 2020 là năm chúng ta cần chung tay bảo vệ hành tinh. Nhưng thay vào đó, đại dịch Covid-19 đã chuyển hướng mọi nguồn lực và sự chú ý trong cuộc họp mới nhất của Liên Hợp Quốc.

Đặc biệt, hội nghị thượng đỉnh về biến đổi khí hậu của Liên Hợp Quốc đã bị hoãn lại tới cuối năm 2021.

Nhưng điều đó không ngăn cản các quốc gia, từ các đảo quốc đang dần chìm dưới biến cho đến các quốc gia châu Phi khô cằn lên tiếng.

Liên minh các quốc đảo nhỏ và Nhóm các nước kém phát triển chia sẻ: "Trong vòng 75 năm nữa, nhiều thành viên có thể không còn giữ được chiếc ghế của mình tại Liên Hợp Quốc nữa nếu thế giới vẫn tiếp tục như hiện nay".

Mục tiêu chính của hiệp định khí hậu Paris năm 2015 là hạn chế sự gia tăng nhiệt độ toàn cầu lên 2 độ C so với thời kỳ tiền công nghiệp. Nhưng các nhà khoa học cho biết, thế giới đang trên đà vượt qua mức cam kết đó.

Một nghiên cứu mới cho thấy, nếu thế giới ấm thêm 0,9 độ C nữa, lớp băng ở Tây Nam Cực sẽ đạt đến điểm tan chảy và không thể đảo ngược. Lượng nước tan chảy này đủ để nâng mực nước biển toàn cầu tăng thêm 5 mét.

Một phần của thềm băng lớn nhất ở Bắc Cực bị vỡ ra và tan thành nhiều tảng băng trôi với tổng diện tích khoảng 125 km2.

Quốc đảo Palau ở Thái Bình Dương dù chưa có một ca nhiễm hay tử vong vì COVID-19 nào nhưng Tổng thống Tommy E. Remengesau Jr. cảnh báo, nước biển dâng sẽ khiến đất nước này biến mất trước khi dịch bệnh kịp làm gì người dân.

Ông khẳng định: "Lượng khí thải (carbon) giảm trong năm nay không tạo ra bất kỳ tác động nào trong tiến trình toàn cầu". Điều này càng dễ hiểu khi các biện pháp phong tỏa nhằm làm chậm sự lây lan của virus chỉ đóng góp một phần rất nhỏ trong cuộc chiến khí hậu. Tuy nhiên ô nhiễm đã tăng trở lại khi các biện pháp phong tỏa dần được dỡ bỏ.

Các quốc gia yếu thế và chịu ảnh hưởng trực tiếp của biến đổi khí hậu khẩn thiết yêu cầu sự đồng lòng của nhân loại

Trong bài phát biểu tại Liên Hợp Quốc, Thủ tướng của Tuvalu, Karors Natano mô tả một quốc đảo xinh đẹp có vùng nước xanh như ngọc và những chiếc lá đung đưa. Nhưng ông Natano khẳng định, dù đại dịch không thể chạm tới quốc đảo này nhưng họ vừa mới trải qua một cơn bão nhiệt đới và nó chắc chắn là hậu quả từ việc hành tinh ngày càng ấm lên.

Điểm cao nhất của Tuvalu chỉ cách vài mét so với mực nước biển. Natano cho biết, ảnh hưởng của đại dịch đối với việc vận chuyển hàng hóa đe dọa trầm trọng an ninh lương thực của quốc đảo này khi nền nông nghiệp địa phương gặp khó vì mực nước biển đang ngày càng dâng cao và chiếm mất đất sản xuất.

Ông nói: "Trong khi COVID-19 là cuộc khủng hoảng trước mắt của chúng ta, còn biến đổi khí hậu vẫn là mối đe dọa lớn nhất đối với sinh kế, an ninh và hạnh phúc của Thái Bình Dương và người dân ở đó về lâu dài".

Từ quần đảo Marshall, tổng thống David Kabua cũng lên tiếng kêu goi: "Thay đổi phụ thuộc vào việc bảo vệ những người dễ bị tổn thương nhất. Bởi những người ở tuyến đầu, dù là nhân viên y tế hay các quốc đảo nhỏ đang báo động về tình trạng biến đổi khí hậu đều rất quan trọng với sự sống còn của tất cả chúng ta".

Kabua nhấn mạnh thêm: "Các quốc đảo nhỏ và đảo san hô của tôi không có thời gian cho những lời hứa trên giấy".

Những lời khẩn cầu cũng đến từ Châu Phi, nơi ít góp phần vào sự nóng lên toàn cầu nhưng lại phải chịu đựng nhiều nhất.

Tổng thống Issoufou Mahamadou của Niger, một phần của khu vực Sahel phía nam sa mạc Sahara cho biết: "Chúng tôi ủng hộ các giải pháp dựa trên sự tôn trọng thiên nhiên và chúng tôi đang bảo vệ sức khỏe của người dân. Ngôi nhà của chúng ta với hàng triệu loài sinh vật do Chúa ban tặng, cả lớn và nhỏ đang dần chết đi".

Năm ngoái, Niger cũng là nước duy nhất ở Châu Phi đat được mục tiêu đạt được nguồn năng lượng tái tạo chiếm tới 75% tổng năng lượng của đất nước. Tuy nhiên vấn đề của Niger và các nước Châu Phi vẫn là tình trạng hạn hán nghiêm trọng và bài toán nguồn nước.

Tiến Thanh (Theo AP)

Chủ đề khác