VnReview
Hà Nội

Người ăn thuần chay hay ăn thịt đều có thể tăng cường cơ bắp như nhau

Một nghiên cứu mới đây của các nhà khoa học Brazil cho thấy, chế độ ăn thuần chay hoặc ăn tạp cả thịt lẫn thực vật đều giúp tăng khối lượng cơ như nhau.

Sau khi thử nghiệm trên người trưởng thành trẻ và khỏe mạnh của các nhà nghiên cứu tại Đại học São Paulo, họ đã phát hiện thấy mức độ hấp thụ protein phù hợp là chìa khóa để có được sức mạnh cơ bắp, bất kể nguồn cung protein cho cơ thể là gì.

Lượng protein quan trọng hơn nguồn protein nếu mục đích đặt ra là sức mạnh và khối lượng cơ bắp. Đây là phát hiện quan trọng trong một nghiên cứu so sánh tác dụng của việc rèn luyện sức khỏe ở những người tình nguyện theo chế độ ăn thuần chay hoặc ăn thịt. Theo đó những người này được ăn đầy đủ protein theo khuyến nghị.

Trong nghiên cứu, các nhà khoa học tại Đại học São Paulo (USP), Brazil đã tiến hành một số thử nghiệm và đánh giá trên 38 thanh niên khỏe mạnh. Một nửa trong số họ là người ăn chay và một nửa là người ăn thịt. Họ sẽ được theo dõi trong 12 tuần.

Ngoài việc thực hiện các bài tập để tăng sức mạnh và khối lượng cơ, các tình nguyện viên sẽ phải ăn theo chế độ ăn hỗn hợp gồm cả protein động vật và thực vật hoặc một chế độ ăn hoàn toàn từ thực vật. Như đã nói ở trên, cả hai nhóm người đều ăn đủ hàm lượng protein khuyến nghị (1,6 gram protein cho mỗi kg trọng lượng cơ thể mỗi ngày). Sau 3 tháng thử nghiệm, kết quả khá bất ngờ khi các nhà khoa học "không" phát hiện thấy bất kỳ sự khác biệt nào giữa người ăn chay và người ăn thịt khi xét đến sức mạnh cơ bắp và sự gia tăng khối lượng cơ.

Chế độ ăn giàu protein thực vật hay động vật không quyết định khối lượng cơ tăng thêm ở mỗi người?

Hamilton Roschel, một trong số tác giả của nghiên cứu cho biết: "Giống như bất kỳ loại protein nào khác trong cơ thể chúng ta, chẳng hạn như protein trong tế bào da và tóc, chúng chết đi và thay mới liên tục. Trong đó cơ bắp của chúng ta trải qua quá trình tổng hợp và phân hủy mỗi ngày. Chế độ ăn uống (lượng protein nạp vào) và tập thể dục là những yếu tố điều chỉnh cân bằng protein chính, giúp tổng hợp hơn là phân hủy". Roschel hiện là giáo sư tại Đại học São Paulo.

Nguồn protein đặc trưng là các axit amin thiết yếu, đặc biệt là leukin, đóng vai trò quan trọng trong việc kích thích đồng hóa cơ xương.

Đạm động vật có nhiều leukin hơn đạm thực vật. Leukin là một axit amin thiết yếu trong quá trình truyền tín hiệu kích thích đồng hóa. Chế độ ăn dùng đạm thực vật thường được cho cung cấp ít leukin hơn, dẫn tới ít kích thích hoạt động đồng hóa hơn, từ đó làm ảnh hưởng đến khả năng tăng khối lượng cơ của những người ăn chay trường.

Nhưng nghiên cứu trên đã có một chút đổi mới trong cách tiếp cận khi tiến hành phân tích lâm sàng tác động của chất lượng nguồn protein đối với sự thích nghi của cơ bắp ở người ăn chay so với người ăn thịt. Bởi lẽ hầu hết các nghiên cứu về chủ đề này cho đến nay đều tập trung vào phản ứng đồng hóa cấp tính của cơ bắp với lượng protein trong điều kiện phòng thí nghiệm chứ không phải trên khối lượng cơ thực tế.

Roschel chia sẻ: "Những phát hiện cho thấy, không có sự suy giảm khối lượng cơ bắp ở những người trẻ ăn chay trường, nếu họ ăn đúng lượng protein. Trên thực tế, kết quả của cả hai chế độ ăn kiêng đều giống nhau, xét về lượng protein nạp vào cơ thể".

Các nhà nghiên cứu nhấn mạnh rằng, lượng protein nạp vào cơ thể các tình nguyện viên là như nhau trong cả hai chế độ ăn. Người ăn thịt và người ăn chay trường hấp thụ nguồn protein huyết thanh từ sữa hoặc protein đậu nành tương ứng, phù hợp với nhu cầu và chế độ ăn uống của từng cá nhân và đạt được lượng protein theo khuyến nghị.

Roschel cho biết: "Trong thực tế lâm sàng, chúng tôi biết thực phẩm có nguồn gốc động vật thường có hàm lượng protein cao hơn. Ví dụ, thịt, sữa và trứng chứa nhiều protein hơn mỗi gram so với gạo và đậu. Trong một ứng dụng lâm sàng với thực phẩm có nguồn gốc thực vật là nguồn protein duy nhất, những người ăn chay trường sẽ cần ăn một lượng lớn thực phẩm để có được cùng một lượng protein. Trong một số trường hợp cụ thể, đây có thể là một thách thức lớn".

Nguồn protein từ chế độ ăn thịt và cả thực vật không có sự khác biệt, miễn là mỗi đối tượng nhận đủ lượng protein. Kết quả này chứng thực các dữ liệu trước đây nói chế độ ăn thuần chay sẽ hoàn hảo nếu được lên kế hoạch và thực hiện đúng cách. Các nghiên cứu trước đây chỉ ra, chế độ ăn thuần chay thậm chí còn tốt cho sức khỏe hơn chế độ ăn cả thịt và thực vật. Tuy nhiên đối với trường hợp này, người ăn phải được tư vấn và giáo dục dinh dưỡng thích hợp để lựa chọn nguồn thực phẩm từ thực vật phù hợp.

Một điểm khác được Roschel lưu ý là đối tượng trong nghiên cứu là thanh niên khỏe mạnh. Kết quả có thể khác đối với người lớn tuổi hoặc đối tượng có vấn đề về sức khỏe.

Nhà nghiên cứu Roschel cho biết: "Lão hóa kéo theo một hiện tượng gọi là kháng đồng hóa, có nghĩa là phản ứng đồng hóa dưới mức tối ưu đối với các kích thích do chế độ ăn uống và tập thể dục so với những người trẻ tuổi. Việc đáp ứng ở mức tối ưu chỉ có thể xảy ra ở người lớn tuổi nếu lượng protein mà họ cần cao hơn lượng protein của người trẻ khỏe mạnh. Vì vậy, chúng ta nên thận trọng trong việc khái quát hóa những phát hiện của mình cho tất cả mọi người".

Nghiên cứu được xuất bản trên tạp chí Sports Medicine mới đây.

Tiến Thanh

Chủ đề khác