VnReview
Hà Nội

Trung Quốc có UAV chiến đấu đầu tiên?

Các bức ảnh nhiễu mờ được chụp từ xa dưới đây có thể là bằng chứng đáng tin cậy nhất về chiếc máy bay không người lái (UAV) chiến đấu đầu tiên của Bắc Kinh. Và người Mỹ nghi ngờ nó là sản phẩm "đi tắt đón đầu" một số nguyên mẫu của Mỹ.

Máy bay chiến đấu không người lái Trung Quốc

Theo tạp chí Wired của Mỹ, các bức hình này – trong đó có một bức đã được người dùng Internet cắt cúp và điều chỉnh chất lượng hình ảnh – lần đầu tiên xuất hiện trên diễn đàn web tiếng Anh Secretprojects.co.uk chiều thứ Năm vừa qua.

Các bức hình này xuất hiện tiếp sau các bức ảnh mờ nhiễu về hai nguyên mẫu máy bay chiến đấu tàng hình của Trung Quốc (hồi năm 2010 và năm 2012) và chiếc máy bay vận chuyển hạng nặng Trung Quốc chế tạo (năm nay). Một bức ảnh chụp từ xa, mờ và thậm chí không rõ ràng hơn về chiếc máy bay không người lái mới của Trung Quốc đã xuất hiện trên một website của Nga hồi tháng Ba năm nay.

Giới quan sát Trung Quốc đồng tình rằng vật thể trong những bức hình này chính là Lijian, có nghĩa là "Kiếm sắc", chiếc máy bay chiến đấu không người lái và là sản phẩm hợp tác giữa các công ty hàng không vũ trụ Trung Quốc là Shenyang và Hongdu. Được trang bị một động cơ phản lực và đặt trên bộ phận hạ cánh ba bánh, chiếc máy bay không người lái chiến đấu này dường như có hình dạng giống với một số nguyên mẫu máy bay chiến đấu không người lái của Mỹ.

Nền tảng cánh bay, cũng được sử dụng bởi máy bay ném bom tàng hình B-2 của Mỹ, là lý tưởng cho thiết kế tránh bị radar dò ra.

Ngoài hình dáng cơ bản và khả năng tránh bị radar dò ra, thông tin về chiếc UAV "Kiếm sắc" không có nhiều. Tuy nhiên, sẽ không có gì ngạc nhiên nếu nó có sự xuất hiện của robot. Trung Quốc đã ra mắt chiếc UAV vũ trang thô sơ.

Theo báo cáo thường niên của Lầu Năm Góc mới đây về năng lực quân sự của Trung Quốc phát hành hồi đầu tuần này, Mỹ dự đoán chiếc UAV chiến đấu tinh vi hơn của Trung Quốc sẽ sớm xuất hiện.

Điều đáng lưu ý là Trung Quốc là cường quốc hàng không vũ trụ cuối cùng cho ra mắt nguyên mẫu máy bay không người lái chiến đấu sử dụng động cơ phản lực, có khả năng tránh bị radar phát hiện. Mỹ là quốc gia dẫn đầu và từ cuối những năm 1990 đến nay đã cho bay thử nghiệm không dưới 5 mẫu UAV chiến đấu và thậm chí còn đưa chiếc RQ-170 ra mặt trận. Châu Âu đang phát triển các mẫu Neuron và Taranis. Còn Nga cũng đang triển khai một phiên bản của MiG Skat.

Như các nhà phát triển UAV trên toàn thế giới đã phát hiện ra, khung máy thường là phần dễ chế tạo nhất của hệ thống UAV. Phần khó khăn nhất là phần mềm, liên kết dữ liệu, hệ thống điều khiển và tải trọng để biến những gì trong một model máy bay lớn cơ bản thành vũ khí tự động hiệu quả. Và những hệ thống con chính yếu này sẽ khiến Trung Quốc gặp khó khăn nhất.

Trong báo cáo của Lầu Năm Góc đặc biệt chỉ ra danh sách "các bộ vi xử lý và điện tử thể rắn, hướng dẫn và kiểm soát hệ thống" là các công nghệ Bắc Kinh thấy họ có thể dễ dàng mua hoặc đánh cắp từ Mỹ, Âu và Nga hơn là tự phát triển. Các chuyên gia Mỹ lo ngại Trung Quốc có thể đã giành được quyền truy cập vào một số công nghệ máy bay không người lái của Mỹ thông qua RQ-170 – chiếc máy bay không người lái đã bị rơi ở Iran năm 2011.

Cho đến nay, Kiếm sắc mới chỉ được nhìn thấy khi đang chạy taxi trên đường băng trong các thử nghiệm trên mặt đất. Không rõ khi nào các nhà phát triển Kiếm sắc tiến hành bay thử đầu tiên. Thậm chí còn không rõ hơn nữa là liệu và khi nào chiếc UAV chiến đấu của Trung Quốc có thể sử dụng trên mặt trận.

Châu Giang

Chủ đề khác