VnReview
Hà Nội

Nóng cuộc đua công nghệ máy ảnh trên smartphone

Cảm biến 41 megapixel, ống kính zoom quang học 10x là những dấu hiệu khởi đầu cho cuộc chạy đua về công nghệ chụp ảnh giữa các nhà sản xuất điện thoại thông minh.

600x417

Trước đây camera chính 3.2 megapixel đã từng được xem là một bước tiến lớn của công nghệ máy ảnh trên điện thoại. Tuy nhiên, giờ đây thì các nhà sản xuất như Nokia và Samsung đang tiến tới một nấc thang mới của công nghệ chụp ảnh trên điện thoại với mục đích đưa các tính năng hiện đại của máy ảnh compact lên điện thoại thông minh.

Nokia sản xuất Lumia 1020 với cảm biến hình ảnh lên tới 41 megapixel cùng với bộ phần mềm cho phép lưu trữ hình ảnh có độ nét cao nhưng vẫn đảm bảo tiết kiệm không gian lưu trữ. Trong khi đó, gã khổng lồ điện tử Hàn Quốc cũng đã cho ra mắt chiếc Galaxy S4 Zoom, smartphone đã gần như bị "nhồi nhét" vô số tính năng của một chiếc máy ảnh compact với ống kính zoom quang học 10x.

Hai ví dụ của những chiếc điện thoại cao cấp kể trên cho thấy tính năng chụp ảnh hiện đã vượt ra ngoài những trải nghiệm cũng như khả năng xử lý hình ảnh thông thường của một chiếc điện thoại. Trong tương lai, công nghệ máy ảnh trên điện thoại hứa hẹn sẽ phát triển mạnh mẽ hơn nhiều, một kỷ nguyên mới của những chiếc điện thoại máy ảnh với hàng loạt công nghệ mới là điều mà giới công nghệ hoàn toàn có thể dự đoán được.

Cảm biến 55 megapixel

Vào thời điểm hiện tại, hầu hết điện thoại thông minh trên thị trường có camera với độ phân giải từ 5 đến 13 megapixel, nhưng một ngày không xa người sử dụng có thể sẽ được sở hữu một chiếc điện thoại với máy ảnh 55 megapixel.

600x427

Lumia 1020-"quái vật" thực thụ với cảm biến 41 MP

Tuy nhiên, thay vì đơn thuần đua về độ phân giải như các năm trước, chỉ trong nửa đầu năm 2013, một số hãng đã tìm ra những điểm mới để khiến sản phẩm của mình trở nên nổi bật và khác lạ. Trong công nghệ máy ảnh thì thấu kính quang học và cảm biến hình ảnh đóng một vai trò rất lớn, nhưng những yếu tố khác đằng sau đó như chip xử lý hình ảnh và tốc độ ghi cũng như truy xuất hình ảnh cũng không kém phần quan trọng.

Ví dụ như bộ vi xử lý Snapdragon 800 của Qualcomm đang bắt đầu được tích hợp trong những chiếc smartphone cao cấp mới xuất xưởng như Galaxy S4 phiên bản Hàn Quốc, Sony Xperia Z Ultra, hay chiếc LG G2 vừa ra mắt. Snapdragon 800 sử dụng hai bộ vi xử lý tín hiệu hình ảnh (ISP) vào chipset. Tất cả các điện thoại thông minh sử dụng bộ vi xử lý này trên lý thuyết đều có khả năng hỗ trợ xử lý hình ảnh lên đến 55 megapixel - tất nhiên là với phần cứng và phần mềm cần thiết trên điện thoại thì mới có thể làm điều đó.

Nokia là nhà sản xuất đầu tiên mở đầu cho xu hướng công nghệ này với chiếc Lumia 1020 cảm biến 41 megapixel của mình, và trước đó là chiếc 808 PureView chạy trên nền tảng Symbian, nhưng số "chấm" rất cao này mới chỉ là ngoại lệ mà chưa phải là tiêu chuẩn có thể được áp dụng chung đối với bất kì nhà sản xuất nào.

600x427

Công nghệ chụp ảnh thông minh sẽ tiếp tục khiến kích thước của các tập tin hình ảnh ngày càng lớn hơn, nhưng bên cạnh đó chúng ta cũng sẽ được thấy một "ngã rẽ" khác, đó là công nghệ giúp ghi lại hình ảnh có dung lượng lớn rõ nét đến từng chi tiết nhưng được lưu lại với kích thước chỉ tương đương với các bức ảnh 4, 5 và thậm chí 6 megapixel, điển hình như công nghệ "Ultrapixel" của HTC, giúp chia sẻ và tải ảnh lên mạng xã hội dễ dàng.

Thêm số lượng camera trước và sau trên cùng một smartphone

Ngoài việc quyết định kích thước của các tập tin hình ảnh, bộ vi xử lý của điện thoại thông minh còn quyết định số lượng camera mà các nhà sản xuất có thể lắp ráp trên một chiếc smartphone. Chip snapdragon 800 mạnh nhất hiện nay có khả năng hỗ trợ đến bốn máy ảnh trên một thiết bị có nghĩa là điện thoại trong tương lai có thể có thêm nhiều camera ở phía trước và phía sau hơn là việc đơn thuần chỉ có một ở trước và một cái ở sau như hiện nay.

Tất nhiên, việc có thể hỗ trợ bốn camera như của Snapdragon 800 không nhất thiết báo hiệu sự trở lại của những chiếc điện thoại có khả năng chụp ảnh 3D như LG Thrill hoặc HTC Evo 3D, mặc dù chắc chắn đó cũng là một tính năng hoàn toàn có thể có.

Hai camera ở mặt trước có thể được sử dụng để ghi lại những cử chỉ giúp bạn có thể điều khiển giao diện của điện thoại, và nếu kết hợp với tính năng điều khiển bằng bằng giọng nói thì người dùng sẽ hoàn toàn có thể điều khiển thiết bị của mình mà không cần chạm vào màn hình.

Nhiều máy ảnh hoặc thậm chí là một mảng các ống kính trên cùng một mô-đun máy ảnh (như trên công nghệ của Pelican), có thể giúp thu thập nhiều thông tin về thế giới xung quanh. Theo dõi khuôn mặt, ánh mắt và một bản đồ phác thảo đường nét trên khuôn mặt tốt hơn có thể cải thiện những tính năng như tập trung và chỉnh sửa tự động dựa trên cấu trúc khuôn mặt thay vì chỉ dựa vào chuyển động từ hai mắt.

Công nghệ Ultra HDR

Chế độ HDR trên điện thoại thông minh nhằm mục đích cân bằng ánh sáng tại các vùng chụp có độ sáng tối khác nhau, để chắc chắn rằng không một vùng nào trong tấm hình bị thiếu sáng hay thừa sáng. HDR đặc biệt hữu dụng khi quay/chụp ở các điều kiện ngược sáng.

Nhưng mới đây, công ty như Rambus đang tiến hành những dự án phát triển để đưa công nghệ HDR lên một tầm cao mới. Công nghệ mới được gọi là Ultra HDR, phiên bản kế tiếp của tính năng này sẽ giúp lấy lại các chi tiết thường bị mất khi chúng ta chụp hình trong bóng tối.

499x398

Chụp HDR với công nghệ Binary Pixel của Rambus

HDR hiện tại mới chỉ là một chế độ riêng biệt mà người sử dụng có thể bật thông qua phần cài đặt của ứng dụng máy ảnh mặc định hoặc một ứng dụng của bên thứ ba - và hiện nó cũng đã có mặt trên tất cả các nền tảng di động.

Tính năng HDR ngày nay thường hoạt động bằng cách kết hợp hình ảnh được chụp ở ba mức độ ánh sáng khác nhau vào một hình ảnh duy nhất. Thế hệ tiếp theo của HDR sẽ được xây dựng thành một bộ cảm biến CMOS, vì vậy nó sẽ được tích hợp luôn vào thành tính năng mặc định của máy ảnh trong tương lai - mặc dù vậy người dùng cũng như nhà sản xuất vẫn có thể thiết lập HDR hoặc tắt tính năng này thông qua phần mềm.

Ultra HDR cũng sẽ hoạt động trong thời gian thực với chỉ một lần chụp duy nhất mà không cần chụp ba hình ảnh khác nhau để kết hợp lại nữa. Rambus hy vọng kiến ​​trúc Ultra HDR của họ dành cho cảm biến máy ảnh trên điện thoại sẽ được đưa vào các smartphone trong nửa đầu của năm 2015.

Trang bị nhiều hiệu ứng "khủng" hơn

Những chiếc điện thoại thông minh hàng đầu như HTC One, Samsung Galaxy S4, và LG Optimus G Pro đều tích hợp các tính năng "khủng" như cho phép ghép tất cả các hành động của chủ thể chuyển động vào trong một khung hình duy nhất hoặc xóa các hình ảnh không mong muốn ra khỏi khung hình.

600x335

Chế độ Drama trên Galaxy S4

Tuy nhiên vấn đề nằm ở chỗ là những công cụ này có thể khá phiền phức, và thường không đem lại hiệu quả cao như người dùng mong đợi. Các tính năng này yêu cầu người dùng phải "dàn dựng" cũng như sắp xếp các vị trí của chủ thể trước khi chụp, thay vì ghi lại các khoảnh khắc một cách tự nhiên. Và nếu các hiệu ứng đặc biệt này không làm việc, không phải lúc nào cũng có thể hủy bỏ hiệu ứng để lưu lại ảnh chụp ban đầu.

Nắm bắt thực tế này, các nhà sản xuất hứa sẽ tiếp tục cải tiến những hiệu ứng cao cấp để sớm tới tay người dùng, và tất cả công nghệ xử lý hình ảnh mới sẽ được áp dụng quy trình quy trình máy tính điện toán. Phần "hậu kì" để tạo ra các bức ảnh toàn cảnh panorama, HDR thông thường, và cân bằng sáng tự động cho ảnh và video,... tất cả đều thuộc công nghệ máy tính điện toán này, và số lượng hiệu ứng đặc biệt như thế sẽ được tăng lên sau mỗi năm.

Nâng cấp công nghệ chụp 3D

Các máy ảnh DSLR cao cấp thường không cần nhiều ống kính để có thể chụp ảnh 3D, và trong tương lai, điện thoại thông minh cũng sẽ làm được điều đó. Hiệu ứng này còn có thể áp dụng cho video và ảnh toàn cảnh trên điện thoại thông minh.

Chất lượng hình ảnh trên điện thoại thông minh đã được cải thiện rất nhiều nhờ vào các tính năng và công nghệ giống với các dòng máy ảnh chuyên dụng. Bên cạnh đó, các nhà phát triển cũng đang hướng tới phát triển các công cụ tăng cường khả năng tương tác cũng như trải nghiệm của người dùng đối với máy ảnh trên điện thoại thông minh. Và dù bằng cách nào đi nữa, người sử dụng vẫn mong muốn các smartphone snhững tấm hình ngày càng chân thực, sắc nét và hỗ trợ nhiều hiệu ứng ấn tượng hơn.

Tiến Tùng

Chủ đề khác