VnReview
Hà Nội

Cô gái Việt chế tạo “chim cánh cụt biết bay”

Phải thi Đại học đến 3 lần, mỗi lần thi là một lần thay đổi trường thi, khối thi, nhưng cựu sinh viên Khoa Mỹ thuật công nghệ (ĐH Kiến trúc, TP. HCM), Đặng Thị Thu Hiền đã sáng chế chiếc xe dành cho người khuyết tật không tay. Tác giả của sáng chế đặt tên cho sản phẩm của mình là "Chim cánh cụt biết bay".

Thủ khoa lận đận con đường học hành

Với sáng kiến của mình, đồ án tốt nghiệp của Hiền đạt được 8,56 điểm, giúp cô trở thành thủ khoa của Khoa Mỹ thuật công nghệ, ngành Tạo dáng năm 2012. Tuy nhiên, con đường học hành của cô thủ khoa cũng khá lận đận, với 3 lần liên tục thi Đại học.

"Mỗi năm em đăng ký 1 trường và thay đổi khối thi liên tục do lúc đó em không xác định được hướng đi của mình", Hiền chia sẻ.

Năm thứ 3 thi đại học, Thu Hiền đã quyết định thi vào Trường Đại học kiến trúc TP. HCM. Nơi đây đã truyền lửa để Hiền thực hiện sáng chế chiếc xe dành cho người khuyết tật không tay.

Nói về sáng chế không chỉ hữu ích đối với người khuyết tật 2 tay, mà còn khá thẩm mỹ của mình, Hiền kể: "Hình như việc làm của hôm nay là cái duyên của ngày hôm qua. Lúc em còn nhỏ, khi đi đường, em hay quan sát những người khuyết tật. Em thấy rằng người khuyết tật ở chân vẫn có thể điều khiển xe nhưng với người khuyết tật không có tay thì dường như đó là ước mơ xa vời".

Sau này, khi học tại Trường Đại học kiến trúc TP. HCM, ý tưởng ngày ấy của Thu Hiền lại trỗi dậy. Từ ý tưởng đó, Thu Hiền tìm đến một số mái ấm, cơ sở khuyết tật tìm hiểu, tham khảo những người khuyết tật tay để thực hiện thiết kế chiếc xe cho người không tay cho đồ án tốt nghiệp của mình.

Trên cơ sở tìm hiểu các loại xe dành cho người khuyết tật, phân tích điểm yếu, thế mạnh của người khuyết tật tay, Hiền với cùng với một kỹ sư mày mò bắt tay thực hiện chiếc xe đạp bẻ lái bằng lưng. Thu Hiền cũng thực hiện cuộc khảo sát thị trường. Kết quả cho thấy hiện nay xe cho người khuyết tật tại Việt Nam chỉ chiếm một thị phần rất nhỏ, nhưng lại rất cần thiết.

Ngoài một số công ty chuyên sản xuất dòng xe cho người khuyết tật thì hầu hết là những cơ sở nhỏ lẻ cho ra lò những sản phẩm "tự chế", không thể phủ nhận tính hữu dụng của các loại xe này, nhưng việc kiểm định chất lượng cho các loại xe này hầu như tiến hành sơ sài hoặc không qua kiểm định, nhất là xe giành cho người khuyết tật tay thì hầu như không có sản phẩm chính thức được kiểm định trên thị trường.

Chính vì vậy, việc thiết kế một sản phẩm đơn giản, hiệu quả và có tính ứng dụng cao là điều rất cấp thiết cho người khuyết tật tay.

Thu Hiền trao đổi với một em bé không tay về chiếc xe đặc biệt này.

Xe dành cho người khuyết tật không tay

Xe được cấu tạo 3 bánh, hai bánh trước gắn bàn đạp. Bộ phận điều khiển xe nằm ở phần yên có điểm tựa lưng. Xe cũng được thiết kế đầy đủ phanh còi.

Để hoàn thành được sản phẩm này, Thu Hiền đã phải: "Ròng rã hơn 40 ngày, không nhớ bao nhiêu lần bọn em lắp vào rồi lại gỡ ra vì không được như ý. Chiếc xe dành cho đối tượng khuyết tật nên đòi hỏi phải vừa đơn giản, gọn nhẹ nhưng phải rất linh động", Hiền kể.

Ngoài ra, trong quá trình hoàn thiện chiếc xe, Hiền đã đến gặp em Hồ Hữu Hạnh (ở Định Quán, Đồng Nai), cậu bé 12 tuổi không có tay để nhờ em lái thử xe. Ấn tượng với biệt danh "Chim cánh cụt" của Hạnh, Thu Hiền quyết định chọn tên đồ án của mình là "Chim cánh cụt biết bay".

Theo Hiền thì tên gọi này mang ý nghĩa động viên, khích lệ người khuyết tật tay. Từ đó, Hiền đã chỉnh sửa thêm hình thức chiếc xe cho giống với hình ảnh của chú chim cánh cụt, đưa lại cảm giác thân thiện và tự tin hơn cho người điều khiển.

Sau khi chiếc xe hoàn thành, Hiền đã gặp cậu bé không tay Vũ Minh Hùng (ở Q.2, TPHCM). Khi ngồi trên chiếc xe của Hiền mang đến, chỉ cần một cái lắc vai, qua trái, qua phải, cậu bé đã có thể điều khiển xe dễ dàng, Hùng vẫn khó tin vào sự thật mình có thể lái một chiếc xe vì nó chẳng khác nào một giấc mơ.

Tuy nhiên, tác giả của sáng chế này cũng cho biết phạm vi giới hạn của đề tài này là: loại xe chỉ giành cho một người ngồi và điều khiển, cũng như không dùng để chở vật nào khác; xe dùng trong giao thông, nghĩa là chức năng quan trọng nhất là di chuyển trên đường bộ, chứ không hỗ trợ thêm chức năng phụ khác như thay đổi kết cấu để chơi thể thao, leo núi..

Hiện tại, Thu Hiền đang làm các thủ tục để đăng ký quyền Sở hữu trí tuệ với sản phẩm của mình.

Chủ đề khác