VnReview
Hà Nội

Tại sao thứ Sáu ngày 13 lại đáng sợ đến thế?

Hôm nay là thứ Sáu ngày 13, và có hàng triệu người đang lo lắng, sợ hãi ra một tai họa nào đó xảy ra với bản thân hay thậm chí tác động đến cả toàn cầu – như là bị gãy chân, thị trường chứng khoán sụp đổ...

Vì sao mọi người lại lo lắng? Theo các chuyên gia, nói một cách ngắn gọn là bởi vì nỗi sợ hãi này đã ăn sâu trong nền văn hóa phương Tây.

"Nếu không ai nói với chúng ta về những điều mê tín cấm kỵ tiêu cực trong thứ Sáu ngày 13, chúng ta có thể sẽ sống tốt hơn", Stuart Vyse, một giáo sư tâm lý học tại trường Đại học Connecticut ở New London cho biết.

Bức tranh miêu tả Bữa tiệc cuối cùng

Những người tin về điều mê tín trong thứ Sáu ngày 13 có thể mắc chứng sợ hãi mang tên triskaidekaphobia, tức là luôn ám ảnh, sợ con số 13 và thường truyền niềm tin này cho con cái. Nỗi ám ảnh về thứ Sáu ngày 13 còn được truyền tụng qua các bộ phim kinh dị, giúp cho câu chuyện sống lâu hơn.

Mặc dù những điều mê tín này hầu như không có căn cứ - như là nỗi lo sợ các bậc thang hoặc những con mèo đen – song "một khi chúng đã thâm nhập vào nền văn hóa, chúng ta thường có xu hướng sợ hãi chúng", Thomas Gilovich, giáo sư tâm lý tại Đại học Cornell ở Ithaca, New York, nói.

Bắt nguồn từ tôn giáo

Những lo lắng xung quanh thứ Sáu ngày 13 bắt nguồn từ các niềm tin tôn giáo về vị khách thứ 13 tại Bữa tiệc cuối cùng. Đó là Juda - tông đồ được cho là đã phản bội Chúa Jesus. Cùng với đó là ngày Chúa Jesu bị đóng đinh diễn ra vào thứ Sáu – ngày đó được gọi là ngày treo cổ và đã trở thành một nguồn lo lắng, giáo sư Vyse nói.

Hai nỗi lo sợ trên kết hợp lại thành nỗi lo của thứ Sáu ngày 13.

Những điều cấm kỵ đối với con số 13 đã lan truyền trong các khu vực đạo Cơ-đốc giáo và ngoài Cơ-đốc giáo. Nó trở nên phổ biến rộng rãi thông qua thế giới Âu-Mỹ, và thấm nhuần trong nền văn hóa, vô cùng bền bỉ.

Theo Phillips Stevens Jr, giáo sư nhân chủng học tại Đại học Buffalo ở New York, điều thú vị hơn nữa là lý do mọi người kết hợp bất kỳ thứ Sáu ngày 13 nào với điềm đen đủi. Câu trả lời nằm ở các nguyên tắc "suy nghĩ ma thuật" có trong các nền văn hóa trên thế giới.

Một trong những nguyên tắc này liên quan đến những thứ hoặc những hành động - nếu chúng "giống với những thứ khác theo bất kỳ phương thức nào như hình dạng, âm thanh hay hương vị, màu sắc, và mọi người thường có xu hướng nghĩ những thứ đó có liên quan đến nhau và theo quan hệ nhân quả", ông giải thích.

Ở đây, đã có 13 người có mặt tại Bữa tiệc cuối cùng, vì thế bất kỳ cái gì liên quan đến số 13 đều bị xem là điểm xấu.

Thomas Fernsler, một nhà khoa học chính sách liên kết trong Trung tâm Toán học và Tài nguyên Giáo dục Khoa học tại Đại học Delaware ở Newark, cho biết con số 13 còn "chịu khổ" vì vị trí của nó đứng sau số 12.

Theo Fernsler, các nhà logic số xem 12 là con số "đầy đủ". Có 12 tháng trong năm, 12 cung hoàng đạo, 12 vị thần của Olympus, 12 lao động của thần Hercules (trong thần thoại Hy Lạp), 12 bộ tộc của Israel, và 12 tông đồ của Chúa Jesus.

Sau đó, đến ngày thứ Sáu. Không chỉ Chúa Jesus bị đóng đinh vào ngày hôm đó, mà một số học giả tin rằng Eva đã cám dỗ Adam bằng trái cấm vào ngày thứ Sáu. Nhưng có lẽ quan trọng nhất là niềm tin rằng Abel đã bị giết bởi anh trai Cain (đều là con trai của Adam và Eva) vào thứ Sáu ngày 13.

Những việc thường làm trong thứ Sáu ngày 13

Vào thứ Sáu ngày 13, một số người còn sợ đến nỗi họ tự nhốt mình ở trong nhà; một số không còn sự lựa chọn nào ngoài việc nghiến răng và lo lắng tụ họp cùng nhau qua ngày này.Tuy nhiên, nhiều người lại từ chối bay máy bay, mua nhà hoặc mua một cổ phiếu nóng vào ngày này. Ước tính nền kinh tế Mỹ mất 800 triệu hoặc 900 triệu USD vào ngày này vì mọi người sẽ không bay hoặc hoạt động kinh doanh như ngày thường họ vẫn làm.

Để vượt qua nỗi sợ hãi này, mọi người thực hiện các hoạt động nhỏ để thư giãn, chẳng hạn họ có thể rời khỏi nhà và tụ họp với người bạn thân tại một quán cà phê ấm cúng.

"Hãy cố gắng làm những việc nho nhỏ mà mọi người cảm thấy miễn cưỡng khi làm vào những ngày thường và hy vọng sẽ không có gì khủng khiếp xảy ra trong ngày hôm đó, và mọi thứ sẽ lại tiếp tục khi ngày này qua đi", Vyse nói.

Hoàng Lan

Theo National Geographic

Chủ đề khác