VnReview
Hà Nội

Bão Hải Diêm có thể là cơn bão lớn nhất hành tinh

Siêu bão Haiyan (Hải Diêm) mạnh cấp 17 đang tiến dần vào vùng phía Đông biển Đông sẽ là một trong những cơn bão mạnh nhất trong lịch sử thế giới với sức gió cao nhất lên tới 315 km/giờ, giật 380 km/giờ. Trưởng bộ phận dự báo thời tiết của CNN, Chad Myers, cho biết đây có thể là một trong những cơn bão lớn nhất mà hành tinh chúng ta từng chứng kiến.

Bão Hải Diêm

Ảnh chụp vệ tinh khi bão Hải Diêm đổ bộ Philippines hôm 7/11.

Hồi chiều qua, 7/11, bão Haiyan, có tên ở Philippines là Yolanda, đã đạt tới sức gió tối đa 315 km/giờ (195 dặm/giờ) và giật trên 380 km/giờ (220 dặm/giờ), một tốc độ hiếm thấy trong các cơn bão đổ bộ vào đất liền. Từ năm 1969, chỉ có ba cơn bão đã duy trì sức gió gần cường độ này - bão Camille năm 1969, Siêu bão Tip năm 1979, và cơn bão Allen vào năm 1980. Chưa từng có cơn bão nào ở Đại Tây Dương mạnh hơn Haiyan, theo kênh The Weather Channel của Mỹ.

Haiyan có khả năng gây thiệt hại nghiêm trọng ở miền Trung Philippines và hiện tại đã bắt đầu gây ảnh hưởng đến quốc đảo này.

Theo tin trên Huffington Post, Trung tâm cảnh báo bão của Hải quân Mỹ dự báo bão Haiyan vượt qua miền Trung Philippines ở mức độ siêu bão cấp 4 hoặc 5 (Category 4 or 5 Super Typhoon), trước khi đổ bộ vào Việt Nam ở cấp 3 vào ngày 10/11.

Dự báo đường đi của Hải Diêm khi đổ bộ vào Việt Nam.

Dự báo đường đi của bão Hải Diêm khi đổ bộ vào Việt Nam.

Ryan Maue, một nhà khí tượng học tại WeatherBELL Analytics, nói rằng Haiyan dường như là cơn bão mạnh nhất kể từ Siêu bão Tip hồi năm 1979. Maue cho biết cơn bão này đã tránh được những trục trặc điển hình mà các cơn bão lớn khác thường gặp, chẳng hạn như các chu kỳ thay thế mắt bão, nơi mà trung tâm của cơn bão được sắp xếp lại và thay đổi. Những chu kỳ như vậy có thể khiến một cơn bão cấp 5 suy yếu thành cấp 3 hoặc 4 trước khi được tăng cường trở lại. Tuy nhiên, bão Haiyan vẫn duy trì sức gió ở mức cao trong hơn 24 giờ, đó là điều bất thường, và thậm chí nó còn mạnh thêm lên vào sáng thứ Hai tuần tới. Chiều cao cột sóng có thể lên tới 7 mét.

Philippines được xem là một nam châm hút các cơn bão nhiệt đới. Haiyan là cơn bão thứ tư đổ bộ vào Philippines trong năm nay, nhưng các cơn bão khác thường đánh các đảo phía Bắc, chứ không phải là khu vực miền Trung và miền Nam mà bão Haiyan nhắm đến lần này. Năm ngoái, Siêu bão Bopha tấn công vào hòn đảo Mindanao phía nam của Philippines, giết chết gần 2.000 người, và Haiyan có thể là cơn bão mạnh nhất từng tấn công Philippines.

Hiện tại, tin từ Trung tâm dự báo Khí tượng Thủy văn Việt Nam cho biết, siêu bão Haiyan mạnh hết cấp dự báo, khi vào bờ sẽ tiếp tục lan theo hướng bắc ven biển miền Trung, gây mưa lớn đến cả khu vực Hà Nội.

Dự báo lượng mưa kèm theo bão Hải Diêm

Dự báo mưa kèm theo bão Hải Diêm với lượng mưa có thể lên đến 400mm

Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Trưởng ban Phòng chống lụt bão TW Cao Đức Phát nhấn mạnh, siêu bão Haiyan là cơn bão mạnh nhất trong vòng 10 năm gần đây. Bão đang ở cấp 17 và di chuyển rất nhanh. Dự báo sẽ đổ bộ vào đất liền các tỉnh miền Trung trong khoảng thời gian từ tối mùng 10 đến rạng sáng 11/11 với ở cấp 12 - 13, giật cấp 14 - 15.

Theo tin trên VTCNews, dự báo trong 24 giờ tới, bão di chuyển nhanh theo hướng giữa Tây và Tây Tây Bắc, mỗi giờ đi được khoảng 30 - 35km. Đến 13h ngày 08/11, vị trí tâm bão ở vào khoảng 11,5 độ Vĩ Bắc; 123,4 độ Kinh Đông, trên khu vực miền Trung Philippines. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 16, cấp 17 (tức là từ 184 đến 221 km một giờ), giật trên cấp 17.

Trong khoảng 24 đến 48 giờ tiếp theo, bão tiếp tục di chuyển nhanh theo hướng giữa Tây và Tây Tây Bắc, mỗi giờ đi được khoảng 35km. Đến 13h ngày 09/11, vị trí tâm bão ở vào khoảng 13,1 độ Vĩ Bắc; 114,5 độ Kinh Đông, cách đảo Song Tử Tây (thuộc quần đảo Trường Sa) khoảng 200km về phía Bắc. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm bão mạnh cấp 14, cấp 15 (tức là từ 150 đến 183 km một giờ), giật trên cấp 17.

Dự báo của Việt Nam vênh với thế giới?

Thông tin từ các trang báo quốc tế lớn và thông tin từ báo Việt Nam cho thấy, sức gió bão Haiyan theo dự báo của Việt Nam chỉ khoảng 183 km/giờ, nhưng dự báo quốc tế cho rằng sức gió có thể lên tới 315 km/giờ và sức giật là 380 km/giờ.

Được biết, Việt Nam đo sức gió theo thang sức gió Beaufort, trong đó có thể tính gần đúng vận tốc gió theo km/giờ bằng cách lấy bình phương của cấp gió (ví dụ cấp 10, vận tốc gió 100 km/h, cấp 8 vận tốc gió 64 km/h, cấp 1 đến cấp 5, vận tốc gió từ 4 đến 36 km/h (bình phương của số cấp cộng 1). Như vậy, với cấp gió 15 thì vận tốc gió ước đạt khoảng 225 km/giờ, và nếu tính theo cấp 17 thì vận tốc gió đạt khoảng 289 km/giờ - mạnh hết cấp dự báo của Việt Nam nhưng vẫn thấp hơn dự báo của quốc tế.

Theo các kênh dự báo thời tiết quốc tế, bão Haiyan được xếp vào siêu bão cấp 5 theo thang bão Saffir-Simpson. Đây là thang phân loại bão được sử dụng cho các xoáy thuận nhiệt đới ở Tây bán cầu có cường độ vượt quá cường độ của các áp thấp nhiệt đới và các trận bão nhiệt đới. Thang này chia các cơn bão thành 5 cấp được phân biệt theo cường độ sức gió kéo dài của nó.

Để phân loại như là một cơn bão, một xoáy thuận nhiệt đới phải có sức gió kéo dài tối đa ít nhất là 74 dặm trên giờ (33 m/giây; 64 knot hay 119 km/giờ). Cao nhất trong thang bão này là cấp 5 là các cơn bão có sức gió trên 155 mph (69 m/giây; 136 knot; 249 km/giờ). Bão Haiyan như vậy cũng đã vượt trên cấp 5 theo thang bão Saffir-Simpson.

Một lưu ý khác là, hiện nay một số báo Việt Nam dịch lầm tên bão Haiyan thành bão Hải Yến, Hải Âu, trong khi từ Haiyan dịch sang tiếng Việt là Hải Diêm, tên một thành phố duyên hải thuộc tỉnh Chiết Giang, vùng châu thổ sông Trường Giang, Trung Quốc. Đây cũng là thành phố được Trung Quốc lựa chọn làm địa điểm xây dựng thành phố hạt nhân và đẩy mạnh phát triển công nghiệp điện hạt nhân.

Theo quy tắc đặt tên các cơn bão ở lòng chảo tây bắc Thái Bình Dương (khu vực mà Việt Nam nằm trong), mỗi nước trong số 14 nước và vùng lãnh thổ là thành viên của Tổ chức Khí tượng Thế giới (WMO) của khu vực sẽ cung cấp 10 cái tên, tạo thành danh sách 140 tên bão, được lần lượt đặt tên cho các cơn bão hàng năm đổ bộ vào khu vực này. Trung tâm Bão nhiệt đới Tokyo thuộc Cơ quan Khí tượng Nhật Bản sẽ chịu trách nhiệm đặt tên ngay khi bão đang hình thành.

Vân Hà

Chủ đề khác