VnReview
Hà Nội

G Flex tự phục hồi bằng cách nào?

LG được cho là sẽ ra mắt chiếc smartphone G Flex mới nhất của hãng tại Hàn Quốc vào tháng tới. Đây là chiếc điện thoại đầu tiên sở hữu thiết kế cong theo chiều dọc để áp vừa với khuôn mặt của người dùng. Hơn nữa, mặt lưng của G Flex được phủ một lớp có khả năng tự phục hồi hư hỏng.

Smartphone tự phục hồi không phải là một điều quá ngạc nhiên. Giới nghiên cứu đã tiến hành phát triển công nghệ này trong hàng thập kỷ. Đầu năm nay, tổ chức Diễn đàn Kinh tế Thế giới đã liệt kê các chất liệu có khả năng tự phục hồi vào top 10 các xu hướng công nghệ bền vững (công nghệ không gây hại tới môi trường) và hứa hẹn nhất năm 2013.

Mặc dù LG tự quảng cáo chiếc G Flex có khả năng tự "sửa chữa" các vết xước ở mặt lưng, nhưng hãng vẫn chưa giải thích chiếc smartphone này làm được điều đó bằng cách nào. Dưới đây là những công nghệ tự phục hồi mà các nhà khoa học đã phát minh ra trong những năm qua, một trong số đó có thể đã được áp dụng trên chiếc G Flex của LG:

1. "Bám theo" và sửa chữa

Năm ngoái, các nhà nghiên cứu đến từ Đại học Công nghệ Eindhoven của Hà Lan đã giới thiệu một loại lớp phủ chống dính – giống như loại có trên chảo rán: có khả năng tự sửa chữa khi bị xước. Lớp phủ này gồm có 3 tầng: Một bề mặt chống nước, một lớp hoạt chất và một mạng tinh thể chất có tên là "stalk" (stalk: bám theo) ở giữa. Khi lớp chống nước bên trên cùng bị xước, lớp "stalk" sẽ đẩy lớp hoạt chất lên trên bề mặt, giúp làm lành vết xước. Công nghệ này có khả năng hoạt động vĩnh viễn, với điều kiện là lớp phủ không bị phá tan hoàn toàn.

2. Tự sửa khi chịu áp lực mạnh

Các nhà khoa học ở viện Fraunhofer, Đức lấy nguồn cảm hứng từ cây cao su để tạo vật liệu tự phục hồi. Mủ cây cao su có chứa các bọc protein sẽ vỡ ra khi vỏ cây bị hư hại. Tương tự như cao su, khi bề mặt lớp nhựa bị trầy xước, bọc chứa chất dính sẽ mở ra và đắp vào vết xước. Tuy nhiên, chưa rõ công nghệ này chỉ có tác dụng một lần duy nhất hay có thể hoạt động nhiều lần.

3. Kim loại siêu nhỏ

Cùng ý tưởng tương tự như viện Fraunhofer, các nhà nghiên cứu ở Đại học Illinois, Mỹ đã phát triển một hệ thống tự hồi sinh. Chất liệu được sử dụng có chứa những viên hình con nhộng (giống như thuốc kháng sinh) siêu nhỏ sẽ vỡ ra khi gặp va chạm, giải phóng kim loại lỏng vào chỗ trống do bị trầy xước. Ưu điểm của công nghệ này là chỉ các viên kim loại hình con nhộng siêu nhỏ ở khu vực gần vị trí va chạm được kích hoạt.

4. Tự sửa dạng nước

Một nhóm của trường Đại học Standford, Mỹ đã chế tạo một loại nhựa tự phục hồi dựa vào tính dễ tách rời và hợp nhất của nước khi ở trạng thái lỏng. Giống như nước, loại chất liệu này được gắn kết vào nhau bởi liên kết hiđrô, vốn yếu hơn các loại liên kết khác và dễ vỡ hơn. Khi các phần bị tách rời được đưa sát vào nhau, chúng sẽ tự hòa vào với nhau để phục hồi. Chất nhựa trên còn chứa cả kẽm có tính dẫn điện. Các nhà khoa học ở Tây Ban Nha cũng giới thiệu một công nghệ tương tự có tên Terminator (dựa theo một loại robot trong series phim Kẻ Hủy Diệt) vào đầu năm nay.

Hiện tại, chúng ta vẫn chưa biết chắc chắn công nghệ tự phục hồi nào được áp dụng trên chiếc smartphone tự phục hồi của LG. Tuy nhiên, thành công trong ứng dụng lên smartphone có thể mở đường cho ống kính máy ảnh tự sửa chữa hay ô tô tự làm lành vết xước. Đó là chưa kể tới lợi ích có thể đem tới cho ngành y tế, hàng không và quốc phòng.

Việt Dũng

Theo QZ

Chủ đề khác