VnReview
Hà Nội

Mỹ: nhiều giáo sư đạo văn vì... lương

Các bài báo khoa học có thực sự đáng tin cậy? Phát hiện sau đây có thể khiến bạn sốc, bởi vì đôi khi các bài báo khoa học này chỉ là sản phẩm gian lận, lừa lọc và thực sự không đáng tin cậy chút nào.

Hãng tin Foxnews cho biết trong mấy năm qua, có khoảng 120 bài báo được đăng tải trên các báo khoa học uy tín bị phát hiện là những bài báo gian lận, lừa gạt bạn đọc. Chúng được tạo ra một cách rất đơn giản, không hơn gì một chiếc máy viết tự động ghép từ lại với nhau theo các dạng cấu trúc câu hợp lý. Tất nhiên, chúng đã bị rút khỏi các tờ báo gốc từng đăng tải chúng.

Các bài báo lừa gạt này thường nằm trong các chuyên mục toán học và khoa học máy tính, và có các tiêu đề như "Application and Research of Smalltalk Harnessing Based on Game-Theoretic Symmetries"; "An Evaluation of E-Business with Fin"; và "Simulating Flip-Flop Gates Using Peer-to-Peer Methodologies". Tác giả các bài báo trên không trả lời yêu cầu bình luận của trang FoxNews.com.

Đây không phải là lần đầu tiên những bài báo vô nghĩa như thế được xuất bản và đăng tải.

Có đến hơn 100 bài báo khoa học chỉ là sản phẩm của "máy viết tự động"

Năm 1996, trong một thử nghiệm, một nhà khoa học vật lý đã gửi một bài báo gian lận cho tờ báo chuyên về triết lý Social Text. Bài báo của ông lập luận rằng lực hấp dẫn là "hậu hiện đại" bởi vì "nó không bị ràng buộc vào bất cứ khái niệm sự thật khách quan nào". Bài báo đó đã được duyệt và đăng tải.

"Chúng tôi đã điều tra … và gỡ các bài báo như thế xuống nhanh nhất", Eric Merkel-Sobotta, đại diện của nhà xuất bản Springer nói.

Làm thế nào mà những bài báo sai lỗi ngữ pháp và lừa gạt như thế xuất hiện được trên các tờ báo khoa học uy tín? Người phát hiện ra những bài báo lừa gạt đó nói rằng điều này cho thấy các tiêu chuẩn chất lượng của các nhà khoa học đã bị giảm sút trầm trọng.

"Áp lực lớn mà các nhà khoa học phải chịu đã dẫn đến sự ra đời quá nhiều ấn phẩm nhưng lại quá ít chất lượng, ý nghĩa", nhà khoa học máy tính Cyril Labbé thuộc trường Đại học Joseph Fourier ở Pháp, nói. Nhưng ông vẫn không giải thích tại sao các tờ báo lại xuất bản những bài báo vô nghĩa như thế.

"Tất cả các bài báo nhẽ ra phải được đánh giá bằng quá trình xem xét kỹ lưỡng. Tôi không có lời giải thích nào ở đây. Tôi nghĩ các tờ báo đều cần một cuộc điều tra", ông nói.

Các nhà xuất bản cũng không thể giải thích, và thừa nhận rằng những bài báo đó "hoàn toàn vô nghĩa".

"Chúng tôi đang tiến hành điều tra và hạ ngay các bài báo gian lận. Do chúng tôi xuất bản trên 2.200 tờ báo và 8.400 sách mỗi năm, nên điều này sẽ mất thời gian", Eric Merkel-Sobotta, đại diện của nhà xuất bản Springer nói. Nhà xuất bản này đã xuất bản 16 trong số các bài báo kém chất lượng.

Vụ việc gian lận bị phanh phui đầu tiên là trên tạo chí danh tiếng Nature.

Labbé tự thấy có nhiệm vụ phải tìm ra những bài báo lừa gạt này, và đã xuất bản một bài viết trên một tờ báo của nhà xuất bản Springer về cách tự động dò tìm các bài báo giả mạo. Ông cũng xây dựng một website chuyên dò tìm xem liệu các bài báo có phải do "máy tính viết ra" hay không.

"Công cụ của chúng tôi rất hiệu quả, có thể phát hiện các bài báo SCIgen và những bài báo sao chép, ăn cắp nội dung", Labbé nói. SCIgen là chương trình "viết" báo ngẫu nhiên, tự động. SCIgen là một chương trình máy tính tạo ra các bài báo khoa học ngẫu nhiên, trong đó có cả các hình vẽ, đồ thị, trích dẫn.

Một số giáo sư nói rằng quy tắc trả lương giáo sư dựa trên số các bài báo mà họ xuất bản có thể dẫn đến hiện tượng các bài báo gian lận như thế này.

"Hầu hết các trường đều có hệ thống khen thưởng, và mức điểm khen thưởng của một giáo sư cũng bị ảnh hưởng bởi thành quả của giáo sư trong việc xuất bản các bài báo", Robert Archibald, một giáo sư kinh tế nói.

Ông cũng lưu ý rằng do các giáo sư khác có thể không đọc bài báo, việc xuất bản một bài báo do máy tính viết nên có thể giúp tăng điểm khen thưởng. Labbé cũng nói rằng phương pháp đánh gia dựa trên số lượng có thể khuyến khích sự gian lận. "Nó sẽ làm nhiễu loạn khoa học", ông nói.

Hoàng Lan

Chủ đề khác