VnReview
Hà Nội

Google buộc phải cho người dùng "quyền được lãng quên"

Liên minh Châu Âu EU mới đây đã ra phán quyết rằng Google và tất cả các bộ máy tìm kiếm khác phải loại bỏ một số kết quả tìm kiếm khi nội dung tìm kiếm là tên của một số cá nhân cụ thể.

Liên minh Châu Âu EU mới đây đã ra phán quyết rằng Google và tất cả các bộ máy tìm kiếm khác phải loại bỏ một số kết quả tìm kiếm cá nhân khi nội dung tìm kiếm là tên của một số cá nhân cụ thể.

Gã khổng lồ tìm kiếm đã thua cuộc trong cuộc chiến đòi "quyền được quên lãng" của người dùng Internet. Phán quyết của Tòa án Châu Âu là phán quyết cuối cùng, và Google sẽ không có quyền được kháng cáo. Cả Google lẫn các bộ máy tìm kiếm khác như Bing (của Microsoft) và Yahoo đều sẽ phải chấp thuận theo phán quyết này.

Các nhà hoạt động vì quyền riêng tư cho biết phán quyết này sẽ giúp làm giảm lượng thông tin không chính xác hoặc đã quá lỗi thời. Những người khác lo ngại phán quyết này sẽ giúp che giấu các hành vi xấu và gây ảnh hưởng tới tự do ngôn luận.

Tổ chức Big Brother Watch khẳng định: "Nếu chúng ta buộc các bên trung gian phải chịu trách nhiệm về hành động, hoặc nội dung do người khác tạo ra, chúng ta sẽ tạo ra một mô hình có thể khiến gia tăng hành động theo dõi và kiểm duyệt".

Phán quyết nói trên được EU đưa ra sau khi một công dân Tây Ban Nha có tên Mario Costeja Gonzalez khởi kiện Google. Theo ông Gonzalez, khi người dùng tìm kiếm tên của ông trên Google, họ có thể phát hiện ra đường dẫn tới một cuộc thảo luận vào năm 1998 về các khoản nợ chưa trả của ông Gonzalez. Các khoản nợ này đã được ông Gonzalez thanh toán từ rất lâu và do đó không còn phản ánh đúng sự thật.

Google buộc phải cho người dùng quyền được quên lãng

Theo phán quyết mới, các cá nhân sẽ được quyền loại bỏ các thông tin không liên quan hoặc không hợp lệ về họ khỏi các kết quả tìm kiếm trên mạng. Tòa án Châu Âu đã bác bỏ quan điểm của Google rằng, dịch vụ tìm kiếm này chỉ cung cấp các đường dẫn và không chịu trách nhiệm về nội dung của các đường dẫn được người dùng truy cập.

Google gọi đây là "một quyết định đáng thất vọng đối với các bộ máy tìm kiếm và các tổ chức phát hành nội dung online nói chung". Hiện tại, Ủy Ban Châu Âu EC đang nghiên cứu một bộ luật "quyền được lãng quên" nhằm xác nhận quyết định nói trên. Anh đang là nước đầu tiên yêu cầu không tuân theo bộ luật này.

Lê Hoàng

Theo Metro

Chủ đề khác