VnReview
Hà Nội

Tại sao các hãng điện thoại Trung Quốc đua nhau ra thị trường toàn cầu?

Các nhà sản xuất điện thoại Trung Quốc đang có xu hướng gia tăng sự hiện diện của họ trên thị trường toàn cầu. Năm nay, những công ty lớn của nước này như Lenovo và Huawei đã vươn lên mạnh mẽ và giành được nhiều thị phần smartphone, thậm chí đe dọa đến sự thống trị của những gã khổng lồ như Samsung hay Apple.

Vì sao những nhà sản xuất điện thoại Trung Quốc đang chuyển hướng ra thị trường quốc tế

Không chỉ các công ty lớn như Lenovo và Huawei mà ngay cả những nhà sản xuất nhỏ của Trung Quốc cũng đang hướng chiến lược kinh doanh ra thị trường quốc tế. Tiêu biểu như Coolpad, một hãng sản xuất điện thoại có trụ sở tại Thâm Quyến đang có kế hoạch chi tiêu hàng triệu USD trong năm nay để quảng bá hình ảnh của mình tại;Đông Nam Á, châu Âu và Mỹ. Thông tin này đã được lãnh đạo công ty tiết lộ nhân một cuộc phỏng vấn mới đây với tờ báo Mỹ Wall Street Journal.

Một câu hỏi được đặt ra là tại sao các công ty di động của Trung Quốc lại đang có xu hướng "tấn công" ra thị trường quốc tế?

Peter Yu, chuyên gia phân tích của hãng nghiên cứu thị trường BNP Paribas cho biết: "thị trường smartphone của Trung Quốc đang bão hòa. Nếu bạn muốn giữ vững tốc độ phát triển, bạn phải hướng ra bên ngoài...".

Từ năm 2011 đến năm 2013, doanh số smartphone tại thị trường nội địa Trung Quốc tăng gần 4 lần nhưng tốc độ này đang có xu hướng chậm lại trong thời gian gần đây (theo số liệu của IDC). Trong khi đó, tiêu thụ smartphone lại đang tăng trưởng mạnh mẽ tại các thị trường mới nổi như Ấn Độ, Đông Nam Á và Châu Mỹ La tinh, nơi đang diễn ra sự chuyển dịch từ những chiếc điện thoại cơ bản sang smartphone. IDC cũng cho biết, 89% số điện thoại xuất xưởng của các công ty Trung Quốc tính tới thời điểm này của năm 2014 là smartphone. Trong khi đó, smartphone mới chỉ chiếm 28% số điện thoại bán ra ở Ấn Độ trong năm vừa qua.

Với các nhà sản xuất điện thoại Trung Quốc, mở rộng ra thị trường quốc tế là cách để duy trì sự tăng trưởng và gia tăng lợi nhuận. "Cạnh tranh giá đang quá căng thẳng ở Trung Quốc", Kiranjeet Kaur, chuyên gia phân tích của IDC nhận xét.

Trong một cuộc phỏng vấn gần đây với Wall Street Journal, Giám đốc điều hành Lenovo, Yang Yuanqing, mô tả Trung Quốc là thị trường smartphone cạnh tranh nhất trên thế giới. Ông cho biết "có nhiều nhà sản xuất nội địa và một số công ty kinh doanh không theo logic thông thường, họ sẵn sàng kinh doanh không có lợi nhuận trong ngắn hạn để nhìn tới mục tiêu dài hạn hơn".

Lenovo, hãng sản xuất máy tính cá nhân lớn nhất thế giới và Huawei, một trong những ông lớn của thị trường thiết bị viễn thông đều có đủ nguồn lực để cạnh tranh trên thị trường quốc tế. Và thực tế là tốc độ tăng trưởng của hai công ty này tại các thị trường mới nổi là rất ấn tượng. Tuần trước, Lenovo cho biết tiêu thụ smartphpne của họ trong quý tới cho khu vực Đông Nam Á dự kiến sẽ tăng 4 lần, và 6 lần đối với khu vực châu Âu so với quý trước. Trong khi đó, Huawei cũng cho biết nửa đầu năm 2014, doanh số smartphone của họ đã tăng gấp 6 lần ở Trung Đông, châu Phi và gấn gấp 4 lần ở Châu Mỹ La tinh.

Tuy nhiên không phải tất cả các công ty của Trung Quốc đều đủ nguồn lực để tấn công ra thị trường nước ngoài. Trong khi những công ty giàu tiềm lực như Lenovo và Huawei đủ sức mạnh kinh tế để thực hiện các chiến lược kinh doanh của mình thì những cái tên nhỏ hơn như Coolpad, Xiaomi... gặp không ít khó khăn.

Một trở ngại lớn khác đối với nhiều công ty di động Trung Quốc là họ thiếu một tập hợp bằng sáng chế cho các công nghệ áp dụng trên thiết bị của mình vì thế nguy cơ đối mặt với những vụ kiện tụng vi phạm bản quyền là khá cao.

Để giải quyết vấn đề này, Lenovo đã mua những bằng sáng chế di động từ công ty NEC của Nhật Bản từ đầu năm và cũng đang trong quá trình hoàn thành thương vụ trị giá 2,91 tỷ USD để mua lại Motorola từ Google nhằm sở hữu số lượng khổng lồ các bằng sáng chế mà công ty này đang nắm giữ.

Minh Trung

Theo WSJ

 

Chủ đề khác