VnReview
Hà Nội

VinaPhone và MobiFone sáp nhập - chuyện gì sẽ xảy ra?

Thông tin về việc sáp nhập hai mạng viễn thông MobiFone và VinaPhone lan nhanh trên các báo từ hôm qua đến nay đang thu hút mối quan tâm của đông đảo người dùng bởi quy mô của hai doanh nghiệp này không hề nhỏ, tác động tới hàng chục triệu khách hàng. Phân tích của VnReview về những khả năng có thể xảy ra xung quanh cuộc sáp nhập này.

VNPT

Sáp nhập chỉ là ý muốn chủ quan của VNPT?

Sở dĩ có câu chuyện "sáp nhập" này là do hồi tháng 4/2011, Chính phủ đã ban hành Nghị định 25 về hướng dẫn thi hành Luật Viễn thông. Theo đó, một tổ chức, cá nhân đã sở hữu trên 20% vốn điều lệ hoặc cổ phần trong một doanh nghiệp viễn thông thì không được sở hữu trên 20% vốn điều lệ hoặc cổ phần của doanh nghiệp viễn thông khác cùng kinh doanh trong một thị trường dịch vụ. Nghị định này có hiệu lực từ ngày 1/6/2011, tuy nhiên, Bộ TT-TT đưa ra lộ trình 2 năm để các doanh nghiệp tổ chức thực hiện quy định này.

Để đảm bảo tuân thủ nghị định này, VNPT buộc phải tái cơ cấu tập đoàn. Tháng 6/2011, VNPT đã đề xuất 3 phương án tái cấu trúc: sáp nhập VinaPhone và MobiFone; cổ phần hóa một trong hai mạng di động; cổ phần hóa toàn bộ tập đoàn. Tuy nhiên, sau khi chỉnh sửa, tập đoàn này chỉ trình duy nhất một phương án là sáp nhập MobiFone vào VinaPhone.

Trên thực tế, rất dễ hiểu vì sao VNPT muốn chọn phương án sáp nhập, khi đó hai doanh nghiệp sẽ trở thành một, quyền lợi của VNPT không bị ảnh hưởng. Trong khi đó, hai phương án cổ phần hóa đều được cho là khó thực hiện, bởi thực tế MobiFone đã lên kế hoạch cổ phần hóa từ năm 2005 và đã từng dự kiến thực hiện IPO vào năm 2008, nhưng mọi việc vẫn giậm chân tại chỗ cho đến thời điểm này. Hơn nữa, nguyên nhân sâu xa là sau cổ phần hóa, VNPT chỉ được giữ tối đa 20% cổ phần của MobiFone và phải thoái vốn bán lại 80% vốn cho nhà đầu tư khác, trong khi nguồn lợi nhuận chính của VNPT là từ đóng góp của MobiFone. Theo thống kê, ước tính MobiFone đóng góp khoảng 52% lợi nhuận của VNPT, còn Vinaphone thì chiếm gần 30% doanh thu và khoảng 30% lợi nhuận. Điều này đồng nghĩa, nếu cổ phần hóa MobiFone, VNPT bị giảm ngay 50% lợi nhuận và lập tức sẽ mất luôn danh hiệu tập đoàn chủ đạo trong lĩnh vực viễn thông, không còn là doanh nghiệp có mức đóng thuế lớn nhất của Việt Nam, mất luôn những ưu đãi từ Chính phủ. Chưa có Nghị định 25, VNPT đã phải đau đầu với bài toán cổ phần hóa MobiFone sao cho quyền lợi ít bị ảnh hưởng nhất, thì nay tập đoàn này buộc phải… tính cách khác.

Mặt khác, nếu VNPT chọn phương án thoái vốn tại VinaPhone cũng rất khó thực hiện hoặc nếu làm được thì phải mất thời gian rất lâu. Hiện tại, VinaPhone đang hạch toán phụ thuộc và chỉ có thể tính doanh thu chứ không thể đo đếm lợi nhuận. Chính vì thế, trước khi bàn tới việc thoái vốn, VinaPhone phải trở thành một công ty hạch toán độc lập – một quá trình dài mà nếu muốn VNPT sẽ có cớ để trì hoãn.

Tuy nhiên, trong khi VNPT "chủ trương" sáp nhập Vina-Mobi để bảo toàn quyền lợi riêng, ý kiến từ nhiều chuyên gia trong ngành cũng như của đại diện cơ quan quản lý nhà nước đều không đồng tình với phương án này. Theo ông Phạm Hồng Hải, Cục trưởng Cục Viễn thông, nếu MobiFone và VinaPhone sáp nhập thì trên thị trường chỉ còn hai mạng di động lớn của Viettel và VNPT, như vậy sẽ không thể giữ được thị trường theo thế chân vạc bền vững, giảm tính cạnh tranh. Bộ trưởng Bộ TT-TT Nguyễn Bắc Son cũng lo ngại về những bất ổn khi 2 doanh nghiệp sáp nhập.

Trả lời báo giới tại cuộc họp chiều ngày 20/3, Thứ trưởng Bộ TT-TT Lê Nam Thắng khẳng định: Đến thời điểm này, Bộ chưa xem xét và cho ý kiến bất cứ phương án nào của VNPT về việc chuẩn bị tái cấu trúc Tập đoàn. Để có phương án tái cơ cấu hiệu quả nhất, Bộ sẽ tiến hành xem xét, thẩm định kỹ lưỡng các phương án, lấy ý kiến các bên liên quan rồi từ đó mới có ý kiến cụ thể trình Chính phủ quyết định. VNPT có thể đưa ra rất nhiều các phương án, song một mặt phải nhằm đưa doanh nghiệp hoạt động hiệu quả hơn, mặt khác phải đảm bảo thị trường viễn thông phát triển bền vững, cạnh tranh lành mạnh. Phương án tái cơ cấu cũng phải đảm bảo lợi ích cho toàn xã hội, không gây xáo trộn, ảnh hưởng tới người tiêu dùng.

Cũng tại cuộc họp này, lãnh đạo VNPT thừa nhận, phương án sáp nhập hai mạng di động VinaPhone và MobiFone là mong muốn của doanh nghiệp và chưa có ý kiến chính thức từ cơ quan chủ quản.

Lợi và hại của giải pháp sáp nhập

Ngoài cái lợi của VNPT như phân tích ở trên, người tiêu dùng cũng có lợi ích nhất định: vùng phủ sóng rộng hơn; chất lượng cuộc gọi tốt hơn do có thể kết nối tới bất kỳ trạm BTS nào gần nhất của cả hai mạng; được hưởng mức cước nội mạng trong phần lớn các cuộc gọi bởi số thuê bao được coi là "nội mạng" sẽ tăng lên gấp đôi (hiện tại hai mạng VinaPhone và MobiFone chỉ áp dụng cước nội mạng VNPT đối với một số gói cước nhất định); hiện tượng nghẽn mạng sẽ hầu như không xảy ra do số trạm BTS của hai mạng cộng lại lên đến gần 60.000 trạm…

Tuy nhiên, cái hại của giải pháp này trước hết sẽ tác động tới người tiêu dùng. Trong bối cảnh thị trường viễn thông đã gần như bão hòa về số thuê bao di động, việc thị trường chỉ còn tồn tại hai mạng lớn ngang sức sẽ giảm tính cạnh tranh, tạo sức ép lớn lên các mạng nhỏ còn lại và có thể "bóp chết" các mạng này, khi đó sự độc quyền sẽ xuất hiện và khách hàng sẽ là người chịu thiệt thòi. Ông Phạm Hồng Hải đã nhiều lần khẳng định, để thị trường viễn thông phát triển bền vững và hiệu quả, phải có ít nhất 3 doanh nghiệp và có thị phần tương đồng thì mới tạo nên môi trường cạnh tranh lành mạnh.

Với hai mạng VinaPhone và MobiFone cũng như với chính VNPT, giải pháp sáp nhập cũng chưa hẳn có lợi về lâu dài. Cùng một "bố" VNPT nhưng lâu nay hai mạng này có cách thức quản lý và đường lối kinh doanh khác nhau. Trong khi MobiFone được hạch toán độc lập và tự do xây dựng chiến lược phát triển thuê bao, thì VinaPhone hạch toán phụ thuộc, việc phát triển thuê bao của VinaPhone lại do các chi nhánh bưu điện viễn thông tỉnh/thành thực hiện nên trong quản lý đã có sự chồng chéo. Sau sáp nhập, những bất ổn sẽ xảy ra, kéo theo những xung đột lợi ích khiến cả hai cùng yếu đi. Chưa kể, việc quản lý một số lượng thuê bao khổng lồ trong tình trạng "cha chung không ai khóc" sẽ dẫn tới sự trì trệ trong vận hành doanh nghiệp chung, ảnh hưởng chất lượng dịch vụ chăm sóc khách hàng và có thể dẫn tới mất khách hàng vào tay đối thủ lắm chiêu Viettel.

Một vấn đề lớn khác của giải pháp sáp nhập, đó là lựa chọn thương hiệu. Sẽ khó có chuyện thương hiệu này được chuyển hẳn sang thương hiệu kia, còn xây dựng một thương hiệu mới thì đồng nghĩa với việc phải đổ rất nhiều tiền vào việc phát triển thương hiệu. Điều này cũng tạo một sức ép đối với khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp mới so với đối thủ Viettel.

Ngoài ra, khi đã sáp nhập thì hai doanh nghiệp được coi là một, việc xin cấp phép các dịch vụ viễn thông như 4G, cấp phép sử dụng tần số, đầu số… đều chỉ được tính là một doanh nghiệp, có thể thiệt thòi cho chính doanh nghiệp.

Hiện tại, cả hai mạng đang chiếm khoảng 60% thị phần với khoảng 75 triệu thuê bao, doanh nghiệp sau sáp nhập phải có chiến lược kinh doanh thực sự linh hoạt và hiệu quả thì mới giữ vững được thị phần.

Một hướng đi mà VNPT nhiều khả năng sẽ áp dụng, đó là hai nhà mạng được sáp nhập theo kiểu "ở chung nhà nhưng ăn riêng". Nghĩa là, hạ tầng của nhà mạng nào thì nhà mạng đó khai thác, chiến lược kinh doanh riêng..., hoạt động theo mô hình một tổng công ty với hai công ty con là hai nhà mạng. Nguồn nhân lực của từng nhà mạng sẽ được tính toán lại theo hướng ít hơn để tiết kiệm chi phí.

Dù thế nào, quyết định của Chính phủ đối với vấn đề này sẽ tác động không nhỏ tới cục diện thị trường viễn thông thời gian tới.

Ngọc Mai

Chủ đề khác