VnReview
Hà Nội

Beeline lỗ bao nhiêu tại Việt Nam?

Nhà mạng quốc tế Vimpelcom sẽ rời thị trường di động Việt Nam và GTel – bên mua lại 49% cổ phần của Vimpelcom –sẽ có thể sử dụng thương hiệu Beeline 6 tháng trước khi yêu cầu phải đổi thương hiệu.

Beeline

Theo trang tin tức về viễn thông Telecompaper, Vimpelcom sẽ bán 49% cổ phần trong công ty liên doanh GTEL Mobile với giá 45 triệu USD. Nhà mạng quốc tế có trụ sở tại Hà Lan này cho biết Công ty hạ tầng và truyền dẫn GTEL sẽ mua số cổ phần này. Đây là công ty thuộc Tổng công ty viễn thông toàn cầu GTEL (bộ Công an), bên đối tác của Vimpelcom.

Phía Việt Nam sau khi mua lại cổ phần của Vimpelcom sẽ có thể sử dụng thương hiệu Beeline sáu tháng kể từ khi việc mua bán hoàn tất và sau đó phải làm lại thương hiệu.

Vimpelcom gia nhập thị trường viễn thông Việt Nam với thương hiệu Beeline tháng 7/2009 với đầu số 0199 và mới đây có thêm một dải số của đầu số 099 (dải số 0996). Theo hãng tin Nga RIA, hiện nhà mạng này có 1950 trạm phát sóng di động.

Số liệu thuê bao di động Việt Nam đến Q IV/ 2011

Số liệu thuê bao di động Việt Nam đến quý IV/ 2011. Nguồn: WCIS Plus www.wcisplus.com của Informa

Trong thông cáo trên website ngày 16/4/2011 của hãng, VimpelCom cho biết đã hoàn tất giai đoạn đầu tiên của kế hoạch đầu tư bằng việc chi ra 196 triệu USD để tăng số cổ phần trong liên doanh GTEL-Mobile từ 40% (tương đương 267 triệu USD thời điểm đầu tư) lên 49%, tương đương với 463 triệu USD. Đối tác Việt Nam của VimpelCom là GTEL chiếm 51% cổ phần trong liên doanh GTEL-Mobile. Cùng với việc tăng đầu tư, các đối tác trong GTEL-Mobile cũng thống nhất để VimpelCom đảm nhận việc quản lý hoạt động của liên doanh.

Đến tháng 6/2011, GTEL-Mobile họp báo công bố thay tổng giám đốc điều hành mới là ông Michael Cluzel thay cho ông Alexey Blyumin nhằm hy vọng một cuộc cải tổ mới sẽ cứu được mạng Beeline đang suy yếu. Trước đó, nhiều nguồn tin cho rằng đối tác VimpelCom muốn rút chân khỏi liên doanh, nhưng theo thông tin công bố tại cuộc họp báo, VimpelCom cho biết sẽ đầu tư thêm cho liên doanh GTEL Mobile 500 triệu USD, giải ngân đến hết năm 2013. Với khoản đầu tư mới, tổng số vốn đầu tư của tập đoàn VimpelCom dành cho các hoạt động tại Việt Nam lên tới gần 1 tỷ USD. Vị tân Tổng giám đốc Michael Cluzel khi đó cho biết dự định xây dựng thêm 5.000 trạm phát sóng trên toàn quốc, nâng tổng số điểm bán hàng lên 50.000 và mở rộng tổng số nhân viên của Beeline lên 1.000 người. Năm 2012 sẽ xây thêm một trung tâm chăm sóc khách hàng tại TP.HCM và một trung tâm tại Đà Nẵng vào năm 2013. Và trong tương lai, theo thông cáo trên website, VimpelCom đã đồng ý đầu tư thêm 304 triệu USD vào liên doanh GTEL-Mobile, qua đó tăng số cổ phần của tập đoàn này trong liên doanh từ 49% lên 65%.

Những nỗ lực của VimpelCom và GTEL-Mobile sau đó cũng đã có những kết quả nhất định, với sự ra đời của hai gói cước Tỷ phú 1 và Tỷ phú 2 gây được tiếng vang lớn trên thị trường viễn thông và mang lại số thuê bao không nhỏ cho mạng Beeline. Tuy nhiên, sau khi gói cước Tỷ phú 1 bị thổi còi, gói Tỷ phú 2 cũng bị dừng vì có dấu hiệu phá giá, sự can thiệp của cơ quan quản lý đối với một mạng nhỏ và yếu như Beeline dường như đã làm nản lòng các nhà đầu tư, vì sau đó không còn thấy nhà mạng này tạo thêm dấu ấn nào nữa. Vimpelcom đã có dấu hiệu nghĩ lại về cam kết đầu tư của mình đối với thị trường Việt Nam.

Ông Jo Lunder, CEO VimpelCom, nói: "Trước đây chúng tôi đã hoạch định Nghị trình giá trị trong đó tất cả các hoạt động của chúng tôi được xem xét lại để đánh giá giá trị tương lai của chúng đối với Tập đoàn. Quyết định thoái vốn khỏi GTEL Mobile là một kết quả của quá trình này, trong đó tập trung vào việc phân bổ vốn cho những thị trường mà chúng tôi thấy có các cơ hội để tạo ra giá trị tốt nhất".

Nam Anh

Chủ đề khác