VnReview
Hà Nội

Tại sao Apple không có cơ hội chống lại Taylor Swift?

Taylor Swift, 25 tuổi, không chỉ là nữ hoàng nhạc Pop mà còn là một nữ doanh nhân quyền lực nhất ở Mỹ.

Swift đã đưa ra ý kiến trên trang Tumblr về việc tại sao Apple cần phải trả tiền thù lao cho các nghệ sỹ trong 3 tháng thử nghiệm dịch vụ Apple Music. "Tôi không chắc là Tim Cook biết là Apple Music sẽ không trả tiền cho các tác giả, nhà sản xuất hoặc nghệ sỹ trong 3 tháng đó", cô trách Apple. "Tôi cảm thấy thật sốc, thất vọng và hoàn toàn không giống với một công ty vốn có truyền thống hào phóng và tiến bộ như thế này".

Swift không phải là người đầu tiên trong ngành công nghiệp âm nhạc chống lại Apple. Đầu tháng này, các ban nhạc độc lập cũng đã chỉ trích Apple vì sử dụng "miễn phí" công sức của họ trong thời kỳ thử nghiệm dịch vụ.

Nhưng Swift, với số lượng người theo dõi, hâm mộ khổng lồ (riêng trên Twitter là gần 60 triệu người), có thể đơn thương độc mã chiến đấu nhưng lại thống trị được dư luận theo cách mà cách đây 10 năm điều đó là hầu như không thể.

;Kết quả là, Apple đã phải nhượng bộ yêu cầu của Swift trong chỉ mấy giờ. Apple, công ty lớn nhất trên thế giới, đã có quyết định "cúi đầu" trước quyền lực của Swift. Eddy Cue, giám đốc phụ trách dịch vụ âm nhạc của Apple, đã đích thân gọi cho Swift để tuyên bố về việc thay đổi quyết định.

Sau đó Cue đã đăng trên Twitter thông tin này, với nội dung "Apple Music sẽ trả tiền cho các nghệ sỹ , kể cả trong giai đoạn thử nghiệm miễn phí với người dùng", và "Chúng tôi nghe theo Swift Taylor và các nghệ sỹ khác".

Điều này quả thực rất đáng chú ý, nhất là khi nghĩ đến việc đó không phải là cách Apple từng dùng để giải quyết mọi việc. Chỉ mấy năm trước đây, cố CEO Steve Jobs của Apple đã từ chối tất cả - và ông không sợ khi đưa Apple đối nghịch với ngành công nghiệp âm nhạc.

Apple từng từ chối thẳng thẳng ngành âm nhạc

Cách đây 2 năm, sau khi Apple ra iTunes Music Store với hứa hẹn sẽ ngăn chặn nạn vi phạm bản quyền âm nhạc, các nhãn hiệu âm nhạc bắt đầu phản đối. Các nhạc sỹ muốn Apple tăng mức phí mặc định 0,99 USD khi tải bài hát trên iTunes.

Trước đó, Jobs từng nói vào năm 2005 rằng: "Các hãng âm nhạc kiếm được nhiều tiền hơn khi họ bán bài hát trên iTunes so với bán trên CD. Nếu họ muốn tăng giá thì họ tham lam quá".

Apple có thể giữ được chỗ đứng. Ngành âm nhạc vẫn bị chia cắt và ảnh hưởng bởi sự ra đời của nhạc số, trong khi tình trạng vi phạm bản quyền tràn lan. iTunes là lựa chọn hợp pháp, rõ ràng duy nhất của họ. Apple đang giữ giá thấp như thế để hàng triệu người tiêu dùng trên thế giới mua iPod – và sau đó là iPhone – một trong những máy nghe nhạc phổ biến nhất trên thế giới.

Tuy nhiên, một thập kỷ sau, Apple đã trở thành một công ty có giá 726 tỷ USD trên thị trường. Khi họ từ chối trả tiền cho các nghệ sỹ, họ lại có vẻ là người tham lam.

Đó là những gì Swift nhận ra khi cô chỉ trích kế hoạch của Apple khi muốn đưa ra 3 tháng thử nghiệm miễn phí dịch vụ âm nhạc, và không trả chút gì cho các nghệ sỹ và các hãng âm nhạc. Chính vì thế, chỉ trong mấy giờ đồng hồ, sau khi Swift đưa ra ý kiến hôm Chủ Nhật, Apple - hãng công nghệ lớn nhất thế giới với gần 200 tỷ USD tiền mặt - đã phải chịu khuất phục.

Tài khoản Tumblr và Twitter của Swift nhanh chóng gây ảnh hưởng cho Internet, đe dọa làm lu mờ cả sự kiện ra Apple Music của Apple vào tuần tới, một sự kiện âm nhạc đáng kể nhất của công ty kể từ khi hãng ra iTunes Music Store.

"Apple đã nhận ra lợi ích khi hợp tác với các nghệ sỹ và các nhãn hiệu âm nhạc", David Pakman, một đối tác đầu tư của hãng Venrock và là cựu CEO của eMusic, nói. "Với việc tải nhạc và streaming nhạc, ngay cả khi Apple có 100% thị phần, thì hãng cũng không thu được gì khi cư xử không khéo với cộng đồng âm nhạc".

Taylor Swift là một "lực lượng lớn"

Trước đây, ban nhạc The Beatles lẽ ra là ban nhạc duy nhất có thể chống lại quyền lực của Steve Jobs, Tim Bajarin, một nhà phân tích lâu năm về Apple nói. Theo ông, việc Apple định không trả phí cho các nghệ sỹ là "một lỗ hổng trong logic của họ", nhưng để thay đổi điều vô lý đó cần đến cả cộng đồng truyền thông lớn. "Taylor Swift là một lực lượng lớn, và Apple đủ thông  minh để đáp lại".

Đơn cử như hãng Spotify đã từng nếm trải sức mạnh ảnh hưởng của Swift hồi năm ngoái, khi cô rút hết các tác phẩm của cô ra khỏi dịch vụ và khơi mào cho vô số báo chí. Ý kiến chỉ trích của Swift có thể làm lu mờ ranh giới giữa Apple Music và Spotify, đối thủ lớn của Apple trên thị trường âm nhạc.

Eddy Cue, phó chủ tịch cấp cao mảng Internet Software and Services của Apple, nói trong một phỏng vấn rằng Apple đã đồng ý trả tiền cho các nghệ sỹ, hãng âm nhạc một số tiền không được tiết lộ cho mỗi bài hát được họ dùng trong thời kỳ thử nghiệm miễn phí, số tiền đó sẽ khác với số tiền mà họ trả sau khi người dùng đăng ký sử dụng dịch vụ và trả phí.

Trước đây Apple từng tiết lộ rằng họ sẽ trả gần 70% doanh thu do Apple Music mang đến cho các hãng âm nhạc và những tổ chức giữ bản quyền.

Qua sự việc này, theo phân tích của trang Mashable, có hai điều đạt được rất rõ ràng. Một là, Swift thực sư trở thành một người có ảnh hưởng lớn trong ngành âm nhạc; và hai là với Apple, sự kiện này cũng đã trở thành một cơ hội marketing tốt để thu hút công chúng đến với việc ra mắt Apple Music vào ngày 30/6 tới.

Đây là một cuộc chiến "win-win" - hai bên đều thắng lợi.

Hoàng Lan

Theo Mashable

Chủ đề khác