VnReview
Hà Nội

Intel sẽ không bán chip 10 nm trước 2017

Nhà sản xuất chip x86 lớn nhất thế giới tiết lộ thông tin họ sẽ trì hoãn việc ra mắt chip Cannonlake 10 nm cho đến năm 2017.

Intel trì hoãn sản xuất chip 10nm tới năm 2017

Intel vừa đưa ra bản cập nhật kế hoạch chế tạo chip trong thời gian tới và tiết lộ công ty sẽ mất nhiều thời gian hơn dự kiến để giới thiệu quy trình sản xuất mới với các con chip có kích thước nhỏ hơn, bóng bán dẫn nhanh hơn.

Theo Brian Krzanich, Giám đốc điều hành của Intel thì công ty đã đẩy kế hoạch ra mắt con chip 10 nm đầu tiên của mình sang nửa sau 2017. Hãng chưa đưa ra thời gian chính thức để bắt đầu việc sản xuất nhưng giới quan sát cho rằng có thể là vào năm sau.

Để bù đắp vào sự chậm trễ này, Intel đã thêm vào một thế hệ chip mới trên quy trình 14nm hiện có vào kế hoạch của công ty trong thời gian tới.

Tiến trình 14 nm của Intel sẽ kéo dài tới 3 năm

Trong những năm gần đây, Intel áp dụng chính sách phát hành xen kẽ một con chip theo quy trình mới kiến trúc cũ (tick) và một con chip theo quy trình cũ kiến trúc mới (tock) trong kế hoạch kinh doanh hàng năm. Nhưng với sự cố 10 nm lần này, mô hình tick tock trên đã trở thành tick tock tock.

Do đó trên quy trình 14nm, Intel sẽ tung ra thị trường hai thế hệ chip trong thời gian tới đó là Skylake và Kaby Lake.

Đây không phải là lần đầu tiên mà tốc độ áp dụng định luật Moore thay đổi. Khi Gordon Moore đưa ra dự đoán năm 1965, ông cho rằng số lượng bóng bán dẫn trên một con chip sẽ tăng gấp đôi mỗi năm trong thập kỷ tiếp theo. Năm 1975, ông cập nhật dự đoán của mình rằng số lượng bóng bán dẫn sẽ tăng gấp đôi mỗi hai năm.

Hiện nay, Intel đang mất 2,5 năm để chuyển đổi từ quy trình sản xuất chip 22 nm sang 14 nm.

Với việc khẳng định con chip 10 nm đầu tiên sẽ ra mắt vào 2017, Intel muốn cung cấp các thông tin để khách hàng của mình chủ động trong việc phát triển các sản phẩm.

Việc thu nhỏ kích thước transistor ngày một khó khăn hơn

Brian Krzanich không cho biết lý do vì sao con chip 10 nm lại được sản xuất chậm hơn so với kế hoạch dự kiến nhưng lại đề cập đến những vần đề trục trặc đã từng khiến quy trình sản xuất chip 14 nm bị chậm trễ trước đây.

Ông nói: "Tôi muốn nói đã có những vấn đề tương tự như với tiến trình 14 nm. Mỗi tiến trình chế tạo chip đều có công thức riêng và đều phải đối mặt với những khó khăn, phức tạp riêng. Đặc biệt, việc mở rộng quy mô sản xuất dựa trên công nghệ mới khó khăn hơn chúng ta tưởng",;(Krzanich đề cập đến việc các mẫu transistor được vẽ lên đĩa silicon trong khi sản xuất chip).

Ông cũng xác nhận rằng Intel không có kế hoạch sử dụng kỹ thuật in litho bằng tia cực tím cực hạn (extreme ultraviolet hay EUV) cho quá trình sản xuất chip 10 nm.

Krzanich tiết lộ rằng Intel sẽ cố gắng trở lại chu kỳ hai năm khi chuyển từ tiến trình chip 10 nm sang 7 nm. Tuy nhiên, ông nói mỗi tiến trình đều liên quan đến nhiều thách thức trong khoa học vật liệu nên rất khó nói trước điều gì sẽ xảy ra.

Minh Trung

Theo Computer World

Chủ đề khác