VnReview
Hà Nội

Các nhà sản xuất Trung Quốc đang cố bắt chước Xiaomi

Thành công của Xiaomi (Trung Quốc) là động lực khiến cho các công ty đồng hương khác quyết vươn lên và đánh bại Xiaomi - bằng chính cách làm của họ.

Mới đi vào hoạt động được gần 5 năm, nhưng Xiaomi đã phát triển nhanh chóng và trở thành một trong 3 hãng sản xuất smartphone lớn nhất Trung Quốc, với sản lượng xuất xưởng mỗi năm lên tới hàng chục triệu chiếc điện thoại, cùng nhiều sản phẩm khác. Bí quyết thành công của hãng công nghệ Trung Quốc được tóm gọn trong câu "hàng cấu hình cao, giá rẻ".

Thành công của hãng này dường như đã trở thành một động lực để các nhà sản xuất Trung Quốc khác học theo. Chỉ trong vòng hơn 1 năm qua, nhiều công ty học theo mô hình của Xiaomi đã ra đời liên tục. One Plus là ví dụ đầu tiên: công ty nhận đầu tư từ Oppo trong 2 năm qua đã đưa ra 2 chiếc điện thoại có giá thấp và cấu hình hấp dẫn, nhận được nhiều sự quan tâm.

Các nhà sản xuất Trung Quốc đang cố bắt chước Xiaomi

Qihoo 360, một công ty phần mềm, vừa ra mắt mẫu điện thoại với thương hiệu Qiku vào tháng trước

Công ty gần đây nhất tham gia vào trào lưu này là Lenovo. Chủ sở hữu của Motorola Mobility mới đây đã đầu tư vào một công ty có tên là ZUK, với chiến lược sản phẩm không khác gì Xiaomi. Chiếc điện thoại này được dự kiến ra mắt vào tháng Mười, với cấu hình khá mạnh mẽ và mức giá khoảng 6,5 triệu đồng. Điểm khác biệt của sản phẩm này là nó cài sẵn CyanogenMod, phiên bản Android tùy biến rất nổi tiếng.

Các hãng Trung Quốc đang học Xiaomi để đưa ra những điện thoại cấu hình hấp dẫn và giá thấp

Lãnh đạo của ZUK thực tế không hề giấu diếm ý định học hỏi Xiaomi. Trả lời phỏng vấn của Wall Street Journal, giám đốc điều hành Chang Cheng cho biết công ty nhìn thấy một cơ hội để đánh bại Xiaomi, bằng chính cách thức mà Xiaomi thường làm. Sự vội vã của Lenovo để giới thiệu cho được ZUK cũng được tiết lộ, khi ông Chang cho biết thậm chí đội ngũ lãnh đạo vẫn... chưa nghĩ ra tên gọi ZUK nên có ý nghĩa gì.

Không chỉ có những nhà sản xuất phần cứng, những công ty chuyên về phần mềm như LeTV (với thương hiệu LeMax) hay Qihoo 360 (Qiku) cũng đang rục rịch ra mắt thị trường smartphone. Lợi nhuận bán phần cứng rõ ràng không phải là những gì mà các công ty này nhắm tới. Ông Feng Xin, giám đốc mảng điện thoại của LeTV cho rằng công ty đã có kế hoạch chịu lỗ phần cứng trong khoảng thời gian dài.

Đáp lại những thông tin trên, các lãnh đạo của Xiaomi tỏ ra khá bình tĩnh. Phó chủ tịch phụ trách thị trường quốc tế của Xiaomi, ông Hugo Barra cho rằng các đối thủ "đang đi theo một hình mẫu cũ mà chúng tôi đã áp dụng từ một năm trước".

Thiết kế các điện thoại Xiaomi có nhiều nét học hỏi từ các hãng nổi tiếng khác, đặc biệt là iPhone của Apple

Vị CEO Lei Jun cũng có nhiều hình ảnh làm liên tưởng đến Steve Jobs

Với chủ trương bán sản phẩm ở giá rất thấp, Xiaomi cho biết họ vẫn có lợi nhuận. Tuy nhiên những con số tài chính mà nhiều người quan tâm thì không được công bố. Công ty này hiện được định giá 46 tỷ USD. Dù vậy các sản phẩm điện thoại của hãng này cũng gặp nhiều chỉ trích về vấn đề bản quyền, cũng như sự sao chép rõ rệt từ Apple.

Thời gian gần đây, các sản phẩm khác ngoài điện thoại của Xiaomi cũng được chú ý, như phụ kiện điện thoại, TV thông minh hay router mạng. Vào tháng Tư, giám đốc điều hành Lei Jun cho biết công ty dự tính sẽ đạt doanh thu 1 tỷ USD trong năm 2015 từ các sản phẩm và dịch vụ liên quan đến smartphone, tương đương 6% doanh thu cả năm. Ông này cũng cho biết hãng sẽ học hỏi cách kiếm tiền từ Alibaba hoặc Tencent. Xiaomi hiện đã bắt đầu tấn công sang các thị trường tiềm năng khác như Ấn Độ, Singapore và cả Việt Nam.

Các nhà sản xuất Trung Quốc đang cố bắt chước Xiaomi

Xiaomi hiện là nhà sản xuất smartphone hàng đầu Trung Quốc

Thị trường quá rộng lớn của Trung Quốc là điểm tựa để các nhà sản xuất nước này có thể tin tưởng và đưa ra các chiến lược sản phẩm mới. Trong nửa đầu năm 2015, đã có 209 triệu smartphone được bán ra tại đất nước này, gấp gần 3 lần thị trường Mỹ. Apple và Samsung là hai công ty nước ngoài lọt được vào danh sách các nhà sản xuất smartphone lớn nhất tại đây, song tổng thị phần của họ cũng chỉ đạt 20%. Miếng bánh còn lại hầu như thuộc về các công ty Trung Quốc, trong đó Xiaomi và Huawei là hai kẻ dẫn đầu với khoảng cách rất nhỏ.

Tuy nhiên hiện tại thị trường này không còn phát triển nhanh như trước, đồng hành cùng sự chậm lại của thị trường toàn cầu. Theo thống kê của hãng nghiên cứu thị trường IDC, lượng smartphone xuất xưởng trong Q1 năm nay tại Trung Quốc giảm 4,3% so với năm ngoái, lần đầu tiên trong vòng 6 năm.

Sự cạnh tranh khốc liệt ở đất nước này có thể khiến Xiaomi bị "hạ bệ", nhưng cũng có thể dẫn tới một thị trường bị phân mảnh, khi có quá nhiều nhà sản xuất và mỗi đơn vị chỉ chiếm một thị phần nhỏ. Khi không có đủ thị phần, sẽ rất khó để kiếm lợi nhuận từ smartphone.

Tuy nhiên những công ty lớn và lâu năm như Lenovo, Huawei hay ZTE có một lợi thế mà Xiaomi chưa có: sự hợp tác kinh doanh ở những thị trường lớn như Mỹ hay châu Âu. Hiện Xiaomi vẫn chưa thể bán điện thoại ở các thị trường này, do các vấn đề về bản quyền.

Anh Minh

Theo Wall Street Journal

Chủ đề khác