VnReview
Hà Nội

Với HTC, thực tại ảo còn quan trọng hơn

CEO hãng sản xuất smartphone Đài Loan đang gặp khó khăn trải lòng với phóng viên về thực tại ảo (VR) quan trọng như thế nào đối với HTC.

CEO HTC

CEO HTC, bà Cher Wang

Đón phóng viên Guardian của Anh ở trên tầng 21 của khách sạn nằm trên con đường hối hả và nhộn nhịp của Las Vegas, bà Cher Wang, người phụ nữ 57 tuổi, Tổng giám đốc hãng HTC mỉm cười thân thiện. Mặc dù Guardian có một loạt bài xã luận gay gắt, đặt câu hỏi rằng liệu công việc kinh doanh của bà có sống sót nổi trong năm 2016 nhưng tiếp phóng viên báo này, bà chủ người Đài Loan vẫn lạc quan và phấn khích. Tại sao? Đó là bộ headset VR có tên Vive.

"Thực tại ảo là điều mà mọi người đã nói về nó từ cách đây 20, 30 năm, trong các bộ phim, trong các cuốn sách và cuối cùng thì nó đã trở thành hiện thực", bà Wang nói. "VR đã có trong suy nghĩ của chúng tôi từ lâu rồi và nay HTC đã làm cho thực tại ảo thành thực tại thực".

Bạn có thể hoài nghi về độ xác thực của tuyên bố đó, vì ít nhất có 3 hãng công nghệ lớn khác, trong đó có Sony, Facebook giới thiệu bộ headset VR trong năm nay, nhưng sự lạc quan của bà Wang là chắc chắn. "Với thực tại ảo, công nghệ trở nên không giới hạn. Bạn có thể sống ở một thế giới rất khác với một thiết bị [đeo trên đầu]. Thử nghĩ xem nó có thể thay đổi cuộc phẫu thuật, giáo dục, khoa học và thậm chí là mua sắm", bà nói.

Bộ kĩnh thực tại ảo HTC

Bộ kính thực tại ảo HTC;

Trong lúc câu chuyện đổ dồn vào thảo luận về chiếc camera trước của headset Vive cho phép bạn chuyển đổi giữa thực và thế giới ảo, độ trễ thấp hạn chế tối đa cảm giác buồn nôn thì đột nhiên các phóng viên nhận ra một thiếu sót lớn.

Đó là họ chưa nói chuyện về smartphone.

Thành lập năm 1997, HTC là một người tiên phong của cuộc cách mạng điện thoại di động – họ là một trong những hãng đầu tiên trên thế giới chế tạo ra những thiết bị điện toán cầm tay, smartphone màn hình cảm ứng như Palm Treo 650, và những chiếc điện thoại Android đầu bảng như Google G1 và sau đó là Google Nexus One. "Chúng tôi đã luôn luôn sáng tạo, chúng tôi có lịch sử sáng tạo này trong từng tế bào của chúng tôi", bà Wang nói.

Song hãng hiện nay đang dần trôi xuống dốc, khi mảng kinh doanh smartphone như quả bóng xì hơi. Cho đến năm 2012, HTC là một trong những nhà sản xuất di động danh tiếng nhất; họ đạt đỉnh cao vào năm 2011 với hơn 10% thị phần. Ngày nay, thị phần của họ chỉ đạt 1%.

Hồi tháng Tám năm ngoái, HTC tuyên bố rút khỏi thị trường chứng khoán khi giá trị vốn hoá thị trường của họ giảm đến 95%, thấp hơn cả dòng tiền mặt hãng sở hữu là 1,4 tỷ USD.

Trong báo cáo kết quả kinh doanh quý III gần đây, hãng công bố khoản lỗ hoạt động khoảng 151 triệu USD, doanh thu là 660 triệu USD, chỉ bằng gần một nửa của 1,3 tỷ USD cùng kỳ năm trước đó – và là mức giảm không phanh từ 1 tỷ USD quý kế trước.

Hãng sẽ không công bố hướng dẫn tài chính cho quý tiếp theo hay bất kỳ quý nào trong tương lai. Có tin đồn rằng HTC bị một quỹ đầu tư tư nhân sẽ giành quyền kiểm soát hoặc bị thâu tóm – hồi tháng Sáu năm ngoái, giám đốc tài chính của Asus tuyên bố họ "không loại trừ khả năng mua HTC".

Khi được hỏi điều gì đã xảy ra với HTC vậy, bà Wang không né tránh: "Sản phẩm flagship của chúng tôi cạnh tranh trực tiếp với một số đối thủ. Chúng tôi có một số vấn đề về điều này trong hai năm vừa qua", bà thừa nhận.

"Tôi nghĩ vấn đề là cạnh tranh – Apple, Xiaomi, những hãng này chi cả tấn tiền cho truyền thông và tiếp thị, họ bơm một lượng khổng lồ cho đầu tư vào thị trường. Có rất nhiều đối thủ cạnh tranh Trung Quốc".

Nhưng HTC không chỉ là nhà sản xuất duy nhất gặp khó khăn trong bán điện thoại. Các hãng khác như Sony, BlackBerry đều đang chết dở với mảng smartphone, thậm chí cả hãng smartphone Hàn Quốc Samsung cũng phải chứng kiến lợi nhuận smartphone sụt giảm.

Thực tế, dữ liệu từ IDC cho thấy năm 2015 là năm tăng trưởng thấp nhất của ngành smartphone, dưới 10%. Năm 2014, tỷ lệ tăng trưởng là hơn bốn lần như thế, khoảng 40%. Thậm chí ở Trung Quốc, thị trường lớn nhất thế giới, doanh số smartphone trong tháng Tám năm ngoái lần đầu tiên suy giảm 4%, theo hãng nghiên cứu thị trường Gartner.

Thị trường, đặc biệt ở phương Tây và Trung Quốc, đã bão hoà. Hầu hết mọi người đang mua điện thoại thay thế hoặc nâng cấp chứ không phải là chiếc điện thoại đầu tiên nữa. Với các nhà sản xuất điện thoại cao cấp như Samsung hay Apple, điều này không thành vấn đề vì họ vẫn bán được những mẫu mới đắt đỏ, nhưng với những công ty ít tên tuổi hơn như HTC đang nỗ lực nhắm vào phân khúc tầm trung, điện thoại của họ đơn giản là bị bỏ qua, phần lớn do ngân sách tiếp thị ít hơn.

Mặc dù nhu cầu từ những người mua smartphone đầu tiên đang tăng ở Ấn Độ, Châu Phi và Trung Đông nhưng HTC lại không hoạt động ở các nước này và thị trường béo bở Ấn Độ lại có những người chơi địa phương khá mạnh, chưa kể sự tấn công của các nhà sản xuất Trung Quốc.

Vậy thì HTC sẽ thu hẹp mảng smartphone của họ trong năm nay?

Bà Wang đã không phủ nhận kịch liệt như phóng viên dự đoán. "Nay chúng tôi thực tế hơn rồi. Chúng tôi cảm thấy rằng chúng tôi nên vận dụng thiết kế tốt nhất của chúng tôi vào hai dạng lĩnh vực khác nhau", bà nói. "Đúng thế, smartphone là quan trọng nhưng để tạo ra sự mở rộng tự nhiên đối với các thiết bị kết nối khác như các thiết bị đeo và thực tại ảo còn quan trọng hơn".

Hiện giờ HTC vẫn sẽ sản xuất điện thoại, nhưng để sống sót hãng sẽ phải theo đuổi điều lớn lao tiếp theo – như hãng đã làm với chiếc điện thoại đầu tiên hồi những năm 1990.

"Chúng tôi có một tầm nhìn về smartphone với các dạng hình thức khác nhau, nó sẽ không luôn luôn trông giống như thế này", bà nói.

Trong khi đó, Vive headset, sản phẩm giữa HTC và đối tác là hãng game nổi tiếng Valve, có thể là vị cứu tinh của HTC.

Nhưng thực tại ảo còn đang là một lĩnh vực tiêu dùng hoàn toàn mới mẻ, khiến cho các nhà phân tích gần như không thể dự đoán liệu người tiêu dùng sẽ thực sự mua nó không.

Do đó, liệu Vive có thể đảo ngược thế cờ giúp HTC không vẫn còn phải chờ thêm thời gian. Nhưng trong lúc này, bà Wang từ chối tự đắm mình trong sự tự thương hại - bà đã có một chân đặt vững chắc vào tương lai. "Đó là điều làm chúng tôi khác biệt", bà nói.

Thanh Xuân

Chủ đề khác