VnReview
Hà Nội

Apple vs. chính phủ: Cuộc đấu của an ninh và quyền riêng tư

Yêu cầu của tòa án buộc Apple phải mở khóa chiếc iPhone của 2 kẻ khủng bố tại San Bernardino sẽ trở thành một bài thử nghiệm quan trọng, quyết định mức độ chính phủ Mỹ có thể ép buộc các công ty công nghệ phải giúp đảm bảo an ninh quốc gia cũng như các điệp vụ tình báo.

iPhone Apple chính phủ mỹ san bernardino

Theo hãng tin Reuters, trong nhiều năm liền, các đơn vị hành pháp tại Mỹ đã liên tục đối đầu với các công ty công nghệ và các nhóm vận động về quyền riêng tư về khả năng theo dõi liên lạc điện toán, và cho đến lúc này chính phủ Mỹ vẫn thường là người thua cuộc trong những cuộc đối đầu.

Nhưng trường hợp đặc biệt của vụ khủng bố San Bernardino sẽ mang tới cho các quan chức chính phủ Mỹ một tiền lệ pháp lý mà họ cần có để đảo chiều cuộc đấu. Trong vụ việc này, một cặp vợ chồng trẻ tuổi mang tư tưởng đồng tình với tổ chức khủng bố ISIS đã giết chết 14 người và làm bị thương 22 người trong một vụ xả súng đẫm máu.

Vào ngày thứ Ba vừa qua, thẩm phán liên bang tại Los Angeles yêu cầu Apple phải cung cấp "sự hỗ trợ về mặt công nghệ ở mức độ hợp lý" để các nhà điều tra có thể đọc dữ liệu trên chiếc iPhone 5c được sử dụng bởi Rizwan Farook cùng vợ của hắn, Tashfeen Malik - hai kẻ thực hiện vụ khủng bố San Bernardino.

Chính phủ Mỹ khẳng định chiếc iPhone này là một chứng cớ quan trọng. Nhưng các nhóm đấu tranh quyền dân sự lại cảnh báo rằng việc ép buộc các công ty phải tự phá hủy công nghệ mã hóa của chính họ sẽ đe dọa tới tính toàn vẹn của Internet, gây nguy hại tới quyền riêng tư không chỉ của các khách hàng mà còn tới tất cả các công dân trên toàn cầu.

Đến ngày thứ Tư, các ứng viên tổng thống cũng như những nhà lập pháp thuộc Đảng Cộng hòa đã lên tiếng ủng hộ mạnh mẽ các đơn vị hành pháp, nâng cao khả năng thực hiện một chiến dịch vận động để đưa ra các điều luật ép buộc các công ty phải cài "cửa hậu" vào sản phẩm của họ.

iPhone Apple chính phủ mỹ san bernardino

Hiện trường vụ khủng bố San Bernardino.

Trong khi phát ngôn viên Nhà Trắng Josh Earnest khẳng định rằng Bộ Tư pháp Hoa Kỳ chỉ yêu cầu Apple truy cập vào một thiết bị duy nhất – luận điểm quan trọng nhất của phe chính phủ, thì CEO Tim Cook của Apple lại khẳng định rằng luận điểm này "đơn giản là không đúng sự thật".

"Bộ Tư pháp không yêu cầu Apple phải thiết kế lại sản phẩm của họ hoặc tạo ra cửa hậu trên một trong số các sản phẩm của họ", ông Earnest khẳng định.

Tuyên bố chính thức của Bộ Tư pháp Hoa Kỳ cho biết yêu cầu của họ "đã được điều chỉnh ở mức hẹp" và tiếp tục công kích Apple: "Thật không may mắn là Apple tiếp tục từ chối hỗ trợ Bộ Tư pháp trong việc truy cập chiếc điện thoại của một trong những kẻ khủng bố tham gia vào một vụ tấn công lớn ngay trên nước Mỹ".

Phần đông các chuyên gia bảo mật, bao gồm cả những người đã từng làm việc cho chính phủ Mỹ, đều khẳng định rằng những nỗ lực về mặt công nghệ để giúp chính phủ Mỹ truy cập vào các thiết bị bị mã hóa đều sẽ làm giảm mức độ bảo vệ dành cho tất cả mọi người. Đây là một luận điểm đã được đưa ra từ thập niên 1990, khi chính phủ Mỹ cố gắng ép buộc các công ty công nghệ phải đặt chip nghe lén vào sản phẩm của họ nhằm phục vụ cho mục đích nghe lén và cuối cùng thất bại.

Tuyên bố của Tim Cook, được công bố trên trang chủ của Apple, khẳng định: "Chính phủ cho rằng công cụ mở khóa này sẽ chỉ được sử dụng một lần, trên một chiếc smartphone. Nhưng điều đó đơn giản là không đúng sự thật. Một khi được tạo ra thì công nghệ này có thể được sử dụng lại nhiều lần, không giới hạn số lượng thiết bị".

iPhone Apple chính phủ mỹ san bernardino

CEO Google, Sundar Pichai cũng đã lên tiếng ủng hộ quan điểm của Apple:

"Chúng tôi tạo ra những sản phẩm an toàn để đảm bảo an toàn cho thông tin của bạn và chúng tôi sẽ cho phép các đơn vị hành pháp quyền truy cập dữ liệu dựa trên các yêu cầu pháp lý hợp lệ. Nhưng điều đó là hoàn toàn khác biệt với việc yêu cầu các công ty phải cho phép hack dữ liệu và thiết bị của người tiêu dùng. Đây sẽ là một tiền lệ nguy hiểm".

Cuộc đấu pháp lý

Đại diện của nhiều công ty công nghệ đã từ chối phản hồi yêu cầu bình luận về phán quyết này. Nhưng, không mấy ngạc nhiên, các liên hiệp công nghệ bao gồm hàng nghìn công ty phần mềm, nhà sản xuất smartphone và các công ty an ninh mạng đã lên tiếng phản đối quan điểm của chính phủ Mỹ.

Hiệp hội Ngành Phần mềm & Thông tin Hoa Kỳ, SIIA khẳng định: "Ngành công nghệ quyết tâm phối hợp với các đơn vị hành pháp để giữ cho người dân nước Mỹ được an toàn", nhưng trong vụ việc của Apple, "lập luận của chính phủ là quá rộng và thiếu thận trọng".

Hiệp hội Ngành Công nghệ Điện toán CompTIA cho rằng nếu yêu cầu này được thực hiện, "vụ việc sẽ cho FBI quyền được yêu cầu cửa hậu trên mã hóa bất cứ khi nào họ thấy hợp lý".

Nếu như thẩm phán liên bang Sheri Pym từ chối lập luận của Apple, công ty này có thể thực hiện kháng án lên tòa án quận, tiếp đến là tòa phúc thẩm Ninth Circuit, San Francisco và cuối cùng là Tòa Tối cao Hoa Kỳ.

iPhone Apple chính phủ mỹ san bernardino

Từ trước tới nay, tòa Ninth Circuit vẫn có tiếng là ủng hộ quyền riêng tư. Robert Cattanach, một cựu luật sư của Bộ Tư pháp hiện đang tư vấn cho các công ty về vấn đề an ninh số, khẳng định "Chính phủ Mỹ cuối cùng sẽ phải tham gia vào cuộc đấu ở thế yếu".

Trước đó, tên Farook đã được cơ quan y tế nơi hắn làm việc phát cho chiếc iPhone 5c, theo các văn bản của công tố viên. Cơ quan y tế này "đã đồng ý" cho các nhà chức trách được lục soát thiết bị và cho Apple được quyền hỗ trợ các nhà điều tra thực hiện điều này.

Công tố viên đứng đầu Hạt San Bernardino, Mike Ramos, khẳng định quyết định từ chối mở khóa chiếc iPhone 5c của Apple là "một cú tát" vòa mặt những nạn nhân và gia đình của họ.

"Họ cũng muốn biết những chi tiết, giống như tất cả mọi người chúng ta ở Mỹ. Liệu có những mối đe dọa khác hay không? Những cá nhân khác có liên quan hay không?", ông Ramos đặt câu hỏi trong một cuộc phỏng vấn.

"Chìa khóa vạn năng"

Dan Guido, một chuyên gia trong lĩnh vực hack hệ điều hành, khẳng định rằng để mở khóa chiếc smartphone này, FBI sẽ cần phải cài đặt một bản cập nhật lên hệ điều hành iOS của Apple để các nhà điều tra có thể vượt qua các biện pháp bảo vệ, bao gồm cả tính năng xóa toàn bộ dữ liệu khi người dùng nhập mật khẩu sai quá nhiều lần.

Guido cho biết chỉ có Apple mới có thể đưa ra một bản cập nhật như vậy, vì iPhone sẽ chỉ cài đặt các bản cập nhật được đánh dấu bằng một chìa khóa mã hóa bí mật.

iPhone Apple chính phủ mỹ san bernardino

"Chìa khóa đó là một trong những mẩu dữ liệu có giá trị nhất của Apple. Bất kỳ ai có chìa khóa đó có thể thay đổi dữ liệu trên toàn bộ những chiếc iPhone", Guido khẳng định.

Tổ chức Mặt trận Điện tử EFF, một nhóm bảo vệ quyền riêng tư trên mạng, kịch liệt phản đối việc cung cấp chìa khóa này cho chính phủ Mỹ. "Một khi chiếc chìa khóa vạn năng này được tạo ra, các chính quyền trên toàn cầu chắc chắn sẽ đòi Apple phải giảm bảo mật cho các công dân của họ".

Lance James, chuyên viên giám định số và cũng là lãnh đạo khoa học tại công ty tình báo số Flashpoint cho biết Apple có thể phản hồi yêu cầu này của tào án bằng cách tạo ra các chìa khóa mã hóa hoặc các công cụ chuyên biệt được sử dụng để mở khóa các smartphone khác. Các kỹ sư của Apple có thể tạo ra phần mềm mở khóa iPhone, cho phép công ty này tạo ra file sao lưu dữ liệu có trên chiếc iPhone 5c trong vụ việc để cung cấp cho các nhà điều tra.

Luật sư Alex Abdo của Liên hiệp Quyền Dân sự Hoa Kỳ cho biết yêu cầu của chính phủ Mỹ sẽ tạo ra một tiền lệ "nguy hiểm": "Hiến pháp không cho phép chính chủ được quyền ép buộc các công ty hack vào thiết bị của khách hàng của họ".

Apple hiện cũng đang là một chủ đề bàn luận nóng bỏng trong chiến dịch tranh cử tổng thống. Donald Trump, ứng viên hàng đầu của Đảng Cộng Hòa, khẳng định trên kênh Fox News rằng "Tôi đồng ý 100% với tòa án. Trong vụ việc này, chúng ta nên mở chiếc iPhone ra… Chúng ta phải sử dụng suy nghĩ hợp lý".

iPhone Apple chính phủ mỹ san bernardino

Một ứng viên khác của Đảng Cộng Hòa, nghị sĩ Marco Rubio, cho rằng đây là "một vấn đề khó khăn" đòi hỏi chính phủ Mỹ phải phối hợp chặt chẽ với ngành công nghệ để tìm ra giải pháp. Ông Rubio bày tỏ hy vọng Apple sẽ tự nguyện tuân theo lệnh của Tòa án.

Lê Hoàng

Chủ đề khác