VnReview
Hà Nội

Samsung tiếp tục tìm nhà cung cấp ốc vít tại Việt Nam

Đại gia sản xuất máy tính bảng, điện thoại di động của Hàn Quốc vẫn đang tìm kiếm đơn vị cung cấp linh phụ kiện hàm lượng công nghệ cao tại Việt Nam, song tỷ lệ doanh nghiệp Việt đủ khả năng cung ứng còn khiêm tốn, chủ yếu là cung cấp bao bì, sản phẩm đóng gói.

Đặt mục tiêu tăng tỷ lệ nội địa hóa và tìm kiếm các nhà cung cấp linh kiện, năm nay Samsung Việt Nam tiếp tục phối hợp với Bộ Công Thương, Bộ Kế hoạch & Đầu tư tổ chức triển lãm hội thảo công nghiệp phụ trợ lần 3 với sự tham gia của 250 doanh nghiệp Việt Nam vào sáng 21/6 tại Hà Nội.

Nối tiếp câu chuyện doanh nghiệp Việt chưa sản xuất được ốc vít, sạc pin cho Samsung, năm nay dù số lượng các nhà cung ứng linh phụ kiện cho Samsung tăng gấp 3 lần so với năm 2015, lên con số 190 đối tác nhưng chỉ có duy nhất 3 đơn vị cung cấp thiết bị điện tử, và lại là nhà cung ứng cấp 2. Những nhà cung ứng cấp 1, cấp 2 của hãng vẫn chủ yếu là sản xuất bao bì, đóng gói cho các dòng điện thoại hay máy tính bảng.

50% điện thoại Samsung được sản xuất tại nhà máy của hãng tại Việt Nam. Tuy nhiên, hàm lượng tỷ lệ nội địa hóa trong sản phẩm của "đại gia" này vẫn còn rất thấp

Thứ trưởng Công Thương Nguyễn Cẩm Tú cho rằng đây là con số khiêm tốn. "Các doanh nghiệp Việt Nam vẫn chủ yếu tham gia vào công đoạn giá trị thấp, chưa có nhiều nhà cung cấp sản phẩm linh kiện công nghệ cao tham gia được vào chuỗi cung ứng của tập đoàn này", ông Tú nhận định.

Đơn cử, trong 161 công ty cung ứng cho nhà máy sản xuất của Samsung tại Bắc Ninh (SEV) thì có tới 88 doanh nghiệp (2 cấp 1, 86 cấp 2) thuộc lĩnh vực in ấn và bao bì. Số đơn vị cung cấp sản phẩm mang hàm lượng giá trị cao hơn như thiết bị điện tử chỉ có 3 doanh nghiệp, nhưng ở mức độ cung ứng gián tiếp…

Tổng giám đốc Khu tổ hợp sản xuất Samsung, ông Han Myoungsup cho hay, bất cứ doanh nghiệp nào đáp ứng các điều kiện của hãng về chất lượng, giao hàng, giá cả… đều có cơ hội trở thành nhà cung ứng của Samsung.

"Chúng tôi nhận thấy các doanh nghiệp Việt Nam thực sự có tiềm năng và năng lực, chỉ là chưa biết phương pháp", ông Han Myoungsup khẳng định.

Tuy nhiên, không phải nhà cung cấp nào cũng được "chọn mặt gửi vàng". Theo ông Jang Ho Young, điều kiện để trở thành nhà cung ứng cho Samsung, doanh nghiệp phải đáp ứng được những yêu cầu khắt khe về công nghệ, chất lượng, trách nhiệm, cũng như khả năng tài chính, đưa ra mức giá cạnh tranh nhất… Đồng thời, số doanh nghiệp này cũng phải trải qua thời gian thử thách, cải tiến nâng cao chất lượng sản phẩm dưới sự hỗ trợ trực tiếp, giám sát của chuyên gia Samsung trong thời gian 3 tháng.

May mắn lọt vào số 5 doanh nghiệp được Samsung "chấm điểm" từ 300 ứng cử viên tham gia vòng tuyển chọn hồi tháng 7/2015, ông Phạm Quang Vinh, Tổng giám đốc Công ty CP Goldsun Việt Nam cho hay, để trở thành đối tác chính thức cung ứng sản phẩm bao gì, đóng gói cho hãng, đơn vị này vừa hoàn thành đợt cải tiến quản lý, sản xuất.

"Sau 3 tháng cải tiến, tỷ lệ lỗi thiết bị giảm 72%, trong khi tỷ lệ sản xuất chính xác đối với số lượng đơn đặt hàng tăng từ con số 0% lên 94%... Với các tỷ lệ đạt chuẩn trong sản xuất cao hơn, đảm bảo chất lượng không bị sai hỏng, thời gian giao hàng đúng hẹn và giá cả cạnh tranh, công ty đã ký được hợp đồng chính thức trở thành đối tác cung ứng cho Samsung", ông Vinh chia sẻ.

Từ thực tế của nhà cung ứng bao bì Goldsun, lãnh đạo Samsung đề nghị các công ty Việt Nam cần chú trọng mở rộng đội ngũ nhân lực kỹ thuật, quản lý chất lượng sản phẩm để có thể đáp ứng tiêu chuẩn khắt khe của chuỗi cung ứng toàn cầu. Về phía hãng sẽ tiếp tục hợp tác cùng Chính phủ Việt Nam tiếp tục có những chương trình đào tạo nhằm giúp đỡ doanh nghiệp nâng cao năng lực trong lĩnh vực công nghệ phụ trợ.

Với tư cách nhà điều hành, ngoài chính sách phát triển công nghiệp phụ trợ, lãnh đạo Bộ Công Thương hứa sẽ nghiên cứu đưa ra nhiều giải pháp thực tế hơn, tạo điều kiện cho nhiều doanh nghiệp Việt Nam trở thành nhà cung ứng đạt chuẩn của các tập đoàn đa quốc gia, mà không riêng gì Samsung. Đây cũng là thực tế cho thấy nhu cầu bức thiết phải đẩy nhanh phát triển công nghiệp phụ trợ Việt Nam nếu muốn đạt được mục tiêu Chính phủ kỳ vọng, sẽ chiếm 33% giá trị ngành chế biến - chế tạo trong 5 năm tới.

Theo VnExpress

Chủ đề khác