VnReview
Hà Nội

Apple ở Trung Quốc: "Mãnh hổ nan địch quần hồ”

Không chỉ bị chính phủ Trung Quốc chèn ép, Apple còn đang bị các công ty điện thoại của nước này "đánh hội đồng" bằng những sản phẩm giá rẻ nhưng chất lượng.

Theo Bloomberg, với anh Nie Miao, một người dân sống ở Bắc Kinh, bỏ ra 5.000 nhân dân tệ (gần 17 triệu đồng) để mua một chiếc iPhone 6S của Apple quả là một điều xa xỉ. Đó là vì anh phải dùng phần lớn trong số tiền lương 7.000 tệ mỗi tháng để trả cho căn hộ mà mình mua trả góp trong năm ngoái. Dù vậy, anh vẫn cảm thấy khá hài lòng khi mua chiếc điện thoại giá 2.000 nhân dân tệ của Huawei.

Chuyện của Miao là điển hình cho thách thức mà Apple đang gặp phải ở Trung Quốc: táo khuyết đang mất dần thị phần vào tay các nhà sản xuất nội địa. Gần hai năm sau khi Apple ra mắt iPhone 6, các đối thủ như Huawei và Xiaomi đã phát triển các sản phẩm rẻ hơn nhiều với tính năng không kém cạnh là bao.

Đây rõ ràng là một tín hiệu không vui với Apple khi mà Trung Quốc đang tạo ra 1/4 doanh thu của hãng này. Trong bối cảnh Apple vừa phải hứng chịu quý sụt giảm doanh số toàn cầu đầu tiên, sự đi xuống ở thị trường Trung Quốc sẽ càng làm cho cơn đau đầu của Apple trở nên trầm trọng hơn.

Trong ba tháng tính đến tháng 5, cứ bốn chiếc điện thoại bán ra trên thị trường Trung Quốc thì có một chiếc thuộc sở hữu của Huawei. Nhờ thành tích này, Huawei đã vượt mặt Apple để trở thành nhà sản xuất điện thoại lớn nhất tại các vùng đô thị của Trung Quốc. Trong khi đó, thị phần của Oppo cũng đã có bước nhảy vọt lớn khi tăng 4 lần lên 8%.

"Hiệu năng của điện thoại giá rẻ đã trở nên đủ tốt", Abhey Lamba, chuyên gia phân tích của Mizuho Securities cho biết, "Apple đã làm tốt ở phân khúc cao cấp, nhưng lại đang thất thế ở phân khúc giá rẻ".

Apple đã ra mắt dòng điện thoại tầm trung iPhone SE vào tháng 3 năm nay nhằm giành giật khách hàng ở các thị trường mới nổi như Trung Quốc. Tuy nhiên, mặc dù có doanh số vượt dự kiến, iPhone SE đã không đáp ứng được kỳ vọng của Apple, một phần mức giá của sản phẩm không thực sự "tầm trung" như hãng cam kết.

Ngay cả ở phân khúc cao cấp, Apple cũng đang gặp bất lợi về giá. Trong khi một chiếc iPhone 6S 16GB có giá khởi điểm là 5.288 nhân dân tệ, thì dòng điện thoại cao cấp P9 của Huawei chỉ có giá 3.688 nhân dân tệ. Với số tiền này, người dùng đã có thể sở hữu một thiết bị có bộ nhớ 64 GB, máy quét vân tay, camera trước và sau.

"Chiếc điện thoại này có tính năng chẳng kém cạnh là bao nhưng lại có giá thấp hơn nhiều so với iPhone",Lauren Guenveur, chuyên gia phân tích của Kantar nói. "Người tiêu dùng Trung Quốc đang cảm thấy tự hào khi sở hữu một chiếc điện thoại bản địa".

Hàng Trung Quốc đang dần "thật sự tốt"

"Nếu nhìn vào điện thoại của Huawei hoặc Xiaomi, bạn sẽ thấy chúng thật sự tốt", John Butler, chuyên gia phân tích của Bloomberg Intelligence nói. "Chúng có thời lượng pin dài, màn hình sắc nét và nhiều tính năng tốt".

Mặc dù đã bỏ ra nhiều nỗ lực, doanh số của Apple ở khu vực Trung Quốc mở rộng, gồm cả đại lục, Đài Loan và Hồng Kông, đã giảm 26% trong quý tài khóa thứ hai. Con số này chiếm phần lớn trong doanh số toàn cầu sụt giảm 13% của Apple. Các chuyên gia dự đoán tổng doanh thu trong quý hai năm nay của Apple sẽ giảm thêm 15% so với cùng kỳ năm trước.

"Apple kỳ vọng tăng trưởng sẽ đến từ tầng lớp trung lưu gia tăng của Trung Quốc, nhưng họ lại đang chọn các thương hiệu nội địa", Nicole Peng, chuyên gia phân tích của Canalys nói. "Các công ty nội địa đang chiếm lĩnh phân khúc trung cấp. Mặc dù vẫn chưa cạnh tranh trực tiếp với Apple, họ đã lấy mất lượng lớn khách hàng tiềm năng của hãng này".

Bảng so sánh một vài đặc tả kỹ thuật của Apple và đối thủ của họ tại Trung Quốc

So với Android của Google, hệ điều hành di động iOS của Apple bị cho là cứng nhắc và khó tùy biến hơn. Điều này khiến hãng này khó thu hút người tiêu dùng Trung Quốc vốn có thị hiếu hay thay đổi. Ví dụ như Zhang Bin, một người dân Trung Quốc. Anh đã bỏ chiếc iPhone 5S để chuyển sang dùng điện thoại của Meizu vào năm 2014 và nói lời tạm biệt với Apple từ đó đến nay.

"Tôi muốn chiếc điện thoại của mình linh hoạt hơn, tùy biến được font chữ và giao diện", kỹ thuật viên máy tính 32 tuổi sống ở Bắc Kinh nói. Zhang cho biết anh thích dùng thử phiên bản thử nghiệm của các ứng dụng mới trên chiếc điện thoại Android của mình. "Apple không cho phép tôi làm điều đó", anh chia sẻ.

Không chỉ bị các công ty Trung Quốc "đánh hội đồng", Apple còn phải chịu sức ép ngày càng lớn từ chính phủ nước này. Apple đã bị buộc đóng cửa dịch vụ iTunes Movies và iBooks trong tháng 4 năm nay, 6 tháng sau khi được cấp phép hoạt động. Công ty này gần đây cũng đã thua một vụ kiện về bằng sáng chế liên quan quan đến iPhone 6 và 6 Plus trước một công ty Trung Quốc ít tên tuổi. Chưa hết, Apple còn để mất thương hiệu "IPHONE" vào một hãng sản xuất đồ da của nước này.

Tục ngữ Hán Việt có câu "Mãnh hổ nan địch quần hồ", nghĩa là một con hổ mạnh cũng khó lòng đối chọi với một bầy chồn hợp đoàn, điều này có vẻ cũng đúng với Apple ở Trung Quốc. "Rất khó để các công ty Mỹ làm ăn ở Trung Quốc hiện nay. Các doanh nghiệp Trung Quốc có vô số cách để tạo lợi thế cho mình", Julie Ask, chuyên gia phân tích của Forrester Research kết luận.

Long Nam

Chủ đề khác