VnReview
Hà Nội

Google, Yahoo: Hai con đường, hai số phận

Vào đầu những năm 2000, Yahoo đứng ở vị trí đỉnh cao của Internet, là website được truy cập nhiều nhất trên thế giới, giá trị thị trường đạt 125 tỷ USD. Lúc đó, một startup có tên Google chỉ mới nổi lên là một trang tìm kiếm...

Theo Wall Street Journal, ngày nay, công ty mẹ của Google là Alphabet đã là công ty có giá trị lớn thứ 2 trên thế giới, với giá trị thị trường là 516 tỷ USD, lợi nhuận năm ngoái đạt 16,35 tỷ USD. Còn Yahoo, công bố khoản lỗ 4,36 tỷ USD năm ngoái, vừa bị Verizon Communications mua lại với giá... 4,8 tỷ USD.

Có một số yếu tố dẫn đến số phận khác nhau của Yahoo và Google, nhưng trong cốt lõi chiến thắng của Google với Yahoo chính nhờ vào đội ngũ lãnh đạo nhất quán, tập trung không ngừng vào công nghệ, phục vụ mảng kinh doanh quảng cáo online hùng mạnh. Trái lại, Yahoo, với sự thay đổi đến 6 đời CEO, những người thường nhấn mạnh vào nội dung, chứ không phải công nghệ, đã có những mô hình kinh doanh mờ nhạt.

Không như Google, nguồn gốc của Yahoo không dính dáng nhiều đến công nghệ. Năm 1994, hai chàng trai tốt nghiệp Đại học Stanford là Jerry Yang và David Filo đã tích lũy được vài trăm trang web bị ngắt kết nối trên một công nghệ sơ khai lúc đó là Internet. Họ đã thuê hàng chục nhân viên ngồi lọc các yêu cầu của những website này để thêm vào thư mục của họ, và bổ sung các dịch vụ như tin tức, email, chat room nhằm nâng cao vị thế của họ lên thành một cổng web.

Trong khi đó, hai gã Larry Page và Sergey Brin, cũng tốt nghiệp Stanford, lại có đích đến khác với Google. Họ đã xây dựng một phần mềm thuật toán trên internet để thu thập nội dung. Đó là thuật toán hoàn toàn tự động, nhanh chóng vượt qua thư mục của Yahoo và càng dễ dàng lan tỏa hơn khi internet bùng nổ.

Thực sự, vào năm 2000, Yahoo đã phải thuê Google để tăng thêm sức mạnh cho công cụ tìm kiếm của Yahoo.

"Google đã xây dựng một khả năng chuyên môn tuyệt vời trong công nghệ tìm kiếm tự động, còn Yahoo lại cố tiếp tục sử dụng sức người trong việc chiếm lĩnh web", Danny Sullivan, nhà sáng lập trang Search Engine Land, nói. "Và vào lúc Yahoo đang cố gắng thì Google đã tạo lập một vị trí vững chắc là trang tìm kiếm số 1 của thế giới web".

Các nhà lãnh đạo của Google – những người sáng lập và CEO lúc đó là Eric Schmidt, tất cả đều là những nhà khoa học máy tính được đào tạo kỹ càng – đều tập trung vào tìm kiếm. Chất lượng công cụ tìm kiếm của Google đã thu hút hàng triệu người dùng, những người có nhu cầu và thích thú tìm kiếm. Google đã bán các quảng cáo trong kết quả tìm kiếm của hãng, tăng doanh thu bằng cách tạo ra cuộc đấu giá cho những quảng cáo liên quan, mang lại những mức giá cao hơn và thu hút nhiều click quảng cáo hơn.

Doanh thu quảng cáo trở thành một trong những câu chuyện kinh doanh thành công nhất trong nền thương mại hiện đại, mang về gần 90% trong tổng số 75 tỷ USD doanh thu của Alphabet năm ngoái.

Yahoo đã nhận ra thành công đó và cố gắng lật ngược tình thế, mua lại các hãng tìm kiếm và công nghệ quảng cáo, rút khỏi hợp tác với Google vào năm 2004 để thiết lập công ty cạnh tranh. Nhưng Yahoo đã không thể thu hút các nhà quảng cáo như Goolge, và tiếp tục theo đuổi doanh thu từ các chiến lược truyền thông. CEO hiện tại của Yahoo, chính là cựu nhà lãnh đạo Marissa Mayer của Google, đã năm lần bảy lượt cố gắng, bao gồm cả vụ mua lại game NFL giá 20 triệu USD, nhưng vẫn không thể ngăn được đà đi xuống của doanh thu.

Cả Page và Brin đều nổi tiếng với các kỹ năng kỹ thuật, chèo lái Google tập trung vào công nghệ. Nhờ thế đã mang đến 7 sản phẩm cho Google, với ít nhất 1 tỷ người dùng, bao gồm bản đồ (Maps), Gmail và hệ sinh thái Android. Hầu như tất cả đều tiếp thêm sức mạnh cho kinh doanh quảng cáo của Google.

Larry Kim, nhà sáng lập hãng marketing Internet WordStream nhớ lại, các nhà sáng lập Google đã hỏi ông về các thuật toán phức tạp trong một cuộc phỏng vấn tuyển dụng năm 2001. "Đó là những câu hỏi khoa học máy tính tinh vi dành cho một vị trí lập trình viên thấp nhất", ông nói. "Google xem đó như DNA của các nhà sáng lập".

Page, Brin và Schmidt vẫn điều hành Alphabet và quản lý phần lớn cổ phiếu, giúp giữ vững con đường của Google. CÁc nhà lãnh đạo nói họ thành lập Alphabet để tìm kiếm mảng kinh doanh công nghệ to lớn tiếp theo.

Trong khi đó, Yahoo, hầu như không sáng tạo gì kể từ thời kỳ hoàng kim và việc họ thất bại thảm hại như bây giờ không phải là một điều gì đáng kinh ngạc ngoài sự tiếc nuối.

Hoàng Lan

Chủ đề khác